Xã hội

Cò bệnh viện, độc hơn căn bệnh ung thư

Bệnh nhân nan y mang gánh nặng trong cuộc sống lẽ ra cần sự giúp đỡ kịp thời của người thầy thuốc và nhiều người khác trong xã hội, nhưng không may họ lại bị cò bệnh viện dẫn dắt khiến điều trị không đúng cách, hậu quả nặng nề...

Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc lời tâm tình của BS CKII Nguyễn Văn Tiến - trưởng Khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, một nỗi buồn trước nỗi khổ của bệnh nhân cũng là lời nhắc nhở cho bệnh nhân trong lựa chọn cách điều trị.

BS CKII Nguyễn Văn Tiến đang khám bệnh - Ảnh: NVCC

"Chiều nay ra về với tâm trạng buồn nặng trĩu! Mình vừa mới mổ thất bại một ca ung thư buồng trứng tái phát cho bệnh nhân còn rất trẻ. Đó là chuyện bình thường đối với khoa Ngoại 1. Tuy nhiên, đây là trường hợp mà mình bị gây ấn tượng bởi những lời kể của bệnh nhân.

Bệnh nhân tuổi 38, có gia đình và 2 con lớn đang tuổi ăn học. Gia đình đang êm ấm, làm ăn thuận lợi, thì chị bỗng nhiên thấy bụng to dần và ăn uống kém...

Sau khi khám và siêu âm, một bệnh viện ở tỉnh Đồng Nai chẩn đoán theo dõi u buồng trứng và chị được hướng dẫn lên điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

"Vì quá nhiều công việc nên sau 3 tuần tôi mới chịu đi lên Bệnh viện T. khám" - bệnh nhân kể. "Sau khi làm rất nhiều xét nghiệm, bác sĩ cho biết tôi bị ung thư buồng trứng giai đoạn 2. Tôi đổ quỵ và khóc rất nhiều! Bác sĩ cho giấy tôi qua Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị. Sau khi bàn với gia đình tôi tức tốc qua bệnh viện. Khi bước chân vào bệnh viện tôi choáng ngợp với cảnh tương quá đông đúc.

Đang còn băn khoăn thì gặp một người đàn ông tới hỏi muốn khám nhanh không anh ta sẽ hướng dẫn, tốn khoảng 200 ngàn tiền khám, biết bệnh gì sẽ điều trị nhanh.

Tôi liền nghe theo và anh ta dẫn tôi tới phòng khám một bác sĩ. Sau khi khám, bác sĩ nói tôi bị ung thư buồng trứng phải mổ và giới thiệu bác sĩ mổ giỏi.

Tôi được mổ tại một bệnh viện gần đó với chi phí gần 40 triệu đồng. Sau khi mổ khoảng 1 tuần tôi được chuyển qua một bệnh viện khác để hoá trị, tổng cộng vô 6 đợt thuốc. Toàn bộ chi phi khoảng trên 100 triệu.

Tuy nhiên, sau hai tháng bụng tôi bắt đầu to lên và mệt mỏi, khó thở. Được mọi người khuyên tôi vội vã gom hết tiền bạc đến Bệnh viện Ung bướu lần 2 và nhập thẳng tới khoa Ngoại 1".

Khoa tiếp nhận bệnh trong tình trạng bụng báng với khối bướu tái phát xâm lấn túi cùng và vách chậu, xâm lấn trực tràng và di căn gan nên cuộc phẫu thuật không thành công.

Mọi người nên hiểu rằng điều trị ung thư phụ khoa không phải chỉ có mổ là đủ mà là điều trị đa mô thức phối hợp giữa phẫu trị - hóa trị - xạ trị một cách nhuần nhuyễn.

Ung thư phụ khoa trong giai đoạn xâm lấn sớm phẫu trị được đặt ra hàng đầu phải lấy ra khỏi cơ thể khối bướu. Sau đó tùy giai đoạn bệnh, diễn tiến bệnh xâm lấn trong ổ bụng mà hóa trị hay xạ trị.

Còn nếu bệnh nhân đến trong giai đoạn trễ bướu to xâm lấn nhiều thì sẽ hóa trị hay xạ trị cho bướu nhỏ lại sau đó sẽ mổ lấy hết.

Khi cả 3 cách điều trị trên thất bại vẫn còn một loại vũ khí tối tân nữa là thuốc ngắm trúng đích, giống như bơm thông minh chỉ tiêu diệt tế bào bướu cứng đầu nhất.

Cả 4 loại vũ khí điều trị ung thư phụ khoa chỉ có tại Bệnh viện Ung bướu, nếu thiếu một trong những vũ khí trên thì điều trị ung thư phụ khoa chỉ mang tính cách tạm bợ không đúng phác đồ điều trị ung thư trên thế giới hiện nay.

Nếu bệnh nhân điều trị ở cơ sở khác thì có đầy đủ điều kiện như vậy không? Ngay cả mổ cũng không dám lấy đủ rộng và đủ sâu (vì nếu xảy ra tai biến, họ sẽ đền bù rất nặng). Rồi sau đó họ ghi giấy giới thiệu bệnh nhân đến những cơ cở điều trị tư khác, sau khi đã lấy vài chục triệu.

Ôi thôi nào là tiền xét nghiệm, hoá trị... tốn hàng trăm triệu. Bán nhà, bán đất mà đổ vào căn bệnh, và cuối cùng, khi đã cạn kiệt rồi, quay lại Bệnh viện Ung bướu thì quá muộn. Giai đoạn bệnh tiếp tục tiến triển xa.

Từ khi bệnh nhân mắc bệnh chỉ giai đoạn đầu, khi quay lại Bệnh viện Ung bướu trở thành giai đoạn cuối.

Điều trị tại Bệnh viện Ung bướu bệnh nhân sẽ được thanh toán bảo hiểm toàn bộ kể cả phẫu, hóa hay xạ trị. Khi bệnh nhân xuất viện chỉ đóng một số tiền rất ít, vả lại nếu không có tiền điều trị thì được hỗ trợ qua quỹ sổ vàng của Bệnh viện Ung bướu, quỹ ngày mai tươi sáng của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, các đoàn từ thiện... cho tiền và quà rất nhiều.

Thật là tiếc! Phải chi bệnh nhân không phải gặp đám cò mồi dẫn đường đưa lối, phải chi đi thẳng vào Bệnh viện Ung bướu, vào khoa Ngoại 1 sẽ được đội ngũ các bác sĩ chuyên nghiệp điều trị, phải chi đừng nghe lời dụ của bác sĩ đi ra ngoài mổ... thì tốt biết mấy.

Và thật đáng trách một số người mang áo blouse trắng cao quý, biết bao nhiêu người kính trọng, mà vì đồng tiền phải nhuộm màu y đức.... Phải chi! Phải chi...

Mong lắm lời tâm sự của bác sĩ đến với người dân ở xa xôi hẻo lánh để biết và tìm đến nơi điều trị đúng!

BS NGUYỄN VĂN TIẾN - Trưởng khoa Ngoại 1 - BV Ung bướu TP.HCM

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: Cò bệnh viện

BÀI MỚI ĐĂNG