Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Chuyện Doanh Nghiệp đầu tiên ở Hà Tĩnh xin thoái vốn Nhà nước

Khi nhắc đến CTCP Phát triển công nghiệp – Xây lắp và thương mại Hà Tĩnh (Haindeco), nhiều người nhớ đến một DN “vượt cạn” thành công sau khi cổ phần hoá. Nhưng, ít người biết rằng Haindeco là một trong những DN đầu tiên trong cả nước, viết đơn xin… thoái vốn Nhà nước.

Tiền thân là Công ty Phát triển công nghiệp Hà Tĩnh, được thành lập vào ngày 25/12/1992, DNNN hạng II. Ngày 20/6/2003, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định số 1242/QĐ.UB.CN chuyển đổi thành CTCP Phát triển công nghiệp – Xây lắp và thương mại Hà Tĩnh, với hình thức CTCP nhà nước.


BIDV Hà Tĩnh

Nhớ lại những khó khăn của thời điểm mới chuyển sang DN cổ phần, ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc điều hành Haindeco cho hay, đang là DNNN làm ăn theo kiểu “lời ăn, lỗ có Nhà nước chịu”, bộ máy nhân sự cồng kềnh, ý thức ỷ lại, trông chờ chính sách… Cũng vào thời điểm đó, giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng trên thị trường tăng chóng mặt, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ hoặc phải ngừng thi công.

Đứng trước những thách thức khi bước sang cơ chế thị trường lãnh đạo Haindeco quyết định cơ cấu lại DN, theo hướng tinh gọn bộ máy, hiệu quả và tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực mũi nhọn có thế mạnh cạnh tranh cao như: Khai thác chế biến đá chất lượng cao; Sản xuất và thi công bê tông nhựa nóng (Asphalt); Dịch vụ đưa lao động ra nước ngoài làm việc…

Tuy đã có những thay đổi về định hướng kinh doanh, nhưng bắt tay vào thực hiện mới thấy hết những vướng mắc bủa vây. Năm 2005, nhiều khó khăn dồn dập đến với DN. Đã có thời điểm Haindeco đứng bên bờ vực phá sản.

Trong thời điểm khó khăn đó, công ty nhận được sự chia sẻ, đồng hành của BIDV Hà Tĩnh khi quyết định cung cấp vốn đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Hồng Lĩnh, từ 100 nghìn m3/năm lên 250 nghìn m3/năm. Với các dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng bộ cùng sự đa dạng về chủng loại sản phẩm. Việc đầu tư mở rộng Xí nghiệp khai thác và chế biến đá Hồng Lĩnh đã góp phần đón đầu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đá công nghiệp trên địa bàn, nhất là khi ở Hà Tĩnh và các địa phương lân cận nhiều dự án cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng như dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, Khu kinh tế Vũng Áng.

Hiệu quả từ dự án này đã khẳng định chiến lược kinh doanh hợp lý của DN trong thời điểm khó khăn… Cũng từ vốn vay của BIDV, năm 2009 DN đầu tư dự án nâng cấp, di dời 2 trạm sản xuất bê tông nhựa vào Khu kinh tế Vũng Áng trị giá gần 20 tỷ đồng. Với việc đầu tư thêm trạm trộn này, Haindeco đã hạ được giá thành sản phẩm nhờ rút ngắn quãng đường vận chuyển, làm lợi cho Nhà nước một khoản kinh phí không nhỏ. Đồng thời, giúp công ty đẩy nhanh tiến độ cung ứng kịp thời sản phẩm thảm mặt đường cho các công trình giao thông trong khu kinh tế Vũng Áng, khu vực Nam Hà Tĩnh. Dự án cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi nâng công suất sản xuất và thi công bê tông nhựa được nâng từ 78 nghìn tấn lên 200 nghìn tấn/năm…

Trong lĩnh vực xây lắp công nghiệp, dân dụng, giao thông, xây lắp điện, Haindeco tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm, có quy mô lớn trong và ngoài Hà Tĩnh. Những công trình do DN thi công luôn đảm bảo chất lượng, tiến độ. Haindeco đã trúng thầu nhiều công trình trọng điểm như: Đường vào nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, đường trung tâm khu đô thị Bắc TP. Hà Tĩnh, đường cứu hộ công trình thủy lợi hồ Kim Sơn và thượng nguồn sông Trí, công trình xây dựng giai đoạn 2 Dự án cảng Vũng Áng…

Từ bên bờ vực phá sản, đến nay doanh thu hàng năm của Haindeco đạt khoảng 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 triệu đồng/tháng. 100% người lao động được trích nộp bảo hiểm xã hội, y tế… Chia sẻ những thành công của DN, ông Lê Đức Thắng cho rằng, trước hết là những chủ động thay đổi từ phía DN, nhằm thích ứng với cơ chế thị trường. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động của mình, Haindeco luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ BIDV Hà Tĩnh. Theo ông Thắng, đây là một trong những nhân tố quyết định cho sự vượt khó đến thành công của DN…

Năm 2009, Haindeco có đơn đề nghị thoái vốn Nhà nước. Một DN sản xuất, kinh doanh ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Hà Tĩnh xin thoái vốn nhà nước đã làm không ít người bất ngờ… Sau đó, Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và DN đã bán đấu giá thành công phần vốn nhà nước. Đến đầu năm 2012, DN trở thành CTCP 100% vốn cổ đông không có vốn Nhà nước chi phối trên vốn điều lệ.

Nghi Lộc

Xem thêm
Nơi trẻ em đánh cược mạng sống để đến trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP