Ông Hoàng Văn Thắng kể chuyện chứng kiến máy bay MIC 21 gặp nạn ở dãy núi Tam Đảo 47 năm về trước. |
Trong những câu chuyện liên quan đến chiếc máy bay MIC-21 cùng hai phi công gặp nạn cách đây 47 năm, tưởng như đã “ngủ quên” giữa rừng già giờ lại được tìm thấy, cái tên Hoàng Văn Thắng - một người dân địa phương đã giúp đoàn công tác vào tận hiện trường để khai quật, tìm kiếm - được Đại tá Ngô Hồng Thái, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, nhắc đến.
Ông Thắng sinh năm 1962 ở xã Hoàng Nông (Đại Từ, Thái Nguyên), là một người Tày chính gốc, sinh ra và lớn lên ở sau dãy núi Tam Đảo hùng vĩ. Ông là người chứng kiến chiếc máy bay rơi 47 năm trước, khi mới là một cậu bé 9 tuổi.
"Đêm 30/4/1971, lúc đó tôi mới 9 tuổi nhưng vẫn còn nhớ được sự việc. Cả một quầng lửa đỏ rực kèm theo tiếng nổ lớn ngay đỉnh núi trước mặt. Cả xóm chạy ra nhìn nhưng không biết đó là máy bay gì. Thời đó, chiến tranh chưa chấm dứt. Máy bay Mỹ vẫn oanh tạc miền Bắc nên bà con nghĩ, chuyện máy bay rơi do bị bắn hạ là hết sức bình thường" - ông Thắng kể lại.
Những di vật được tìm thấy tại dãy núi Tam Đảo trùng khớp với thông số của máy bay MIC 21 gặp nạn cách đây 47 năm. |
Ba ngày sau, người dân xóm Nà Khuôn thấy nhiều “máy bay chuồn chuồn” bay đi bay lại rà soát trên khu vực rừng có vụ nổ vào đêm 30/4. Câu chuyện rồi cứ chìm dần vào quên lãng bởi thời chiến, cảnh máy bay rơi là chuyện không lạ.
Nhà ông Thắng đứng nhìn sang đỉnh núi nơi máy bay rơi chừng hơn hai cây số. Thế nhưng đó là khu vực rừng núi hiểm trở và phải mất cả ngày trời mới đến đó được.
"Chúng tôi vẫn vào rừng săn bắn, lấy củi, bắt thú... nên quen với việc đi rừng. Người không quen không thể tìm được đường lên vì rừng già, cây cối đan chéo nhau như ma trận. Chỉ cùi cụi đi theo kinh nghiệm, vì tán cây khép kín không có nắng lọt xuống" - ông Thắng kể.
Năm 1978 ông Thắng đi bộ đội. Năm 1982 ra quân, ông lấy vợ cùng xóm là bà Hoàng Thị Biên, và sinh sống tại địa phương từ đó đến nay.
"Các cụ kể với nhau về chỗ máy bay rơi nên nhiều người rủ nhau lên đó nhặt mảnh nhôm về đúc xoong nồi. Anh em tôi (ông Thắng cùng anh trai mình, giờ đã mất - PV) cũng khăn gói vào rừng nhặt nhôm máy bay về để làm đồ gia dụng.
Sáng sớm đùm cơm, vác ba lô vào chỗ máy bay rơi để mót nhôm. Năm 1983, mỗi người đi mót được cả tạ nhôm. Anh em tôi gom nhôm lại, lấy cây rừng đốt nóng chảy vo lại thành tảng, đợi nguội rồi cho vào ba lô cõng xuống núi. Những người lên sau thì chỉ mót được những mảnh vụn" - ông Thắng nhớ lại.
|
Ông Thắng khoe những chiếc nồi nhôm này được đúc từ những mảnh vỡ máy bay gặp nạn ở Tam Đảo. |
Kể chuyện cũ, ông Thắng vẫn nhớ rất rõ, cả một khoảnh rừng rộng tới cả trăm mét vuông bị san thành một khoảng trắng. Cây cối hai bên bị gãy cành, cụt ngọn, cháy nham nhờ... Có một điểm khá kỳ lạ, đó là người dân đi nhặt mảnh vỡ máy bay không hề nhìn thấy thi thể của phi công gặp nạn.
"Chúng tôi có nhìn thấy mảnh dù vương chỗ máy bay rơi. Vẫn gặp cả đầu máy bay cắm sâu vào vách núi, tạo thành lỗ sâu hơn 1m. Thân máy bay bị rơi xuống khu rừng thuộc xã Yên Mỹ, cách khu vực đầu máy bay rơi tại mỏm núi thuộc xã Hoàng Nông khoảng 3km" - lời ông Thắng.
Theo ông Thắng, thì những năm trước đây người dân bản địa vẫn vào rừng nơi máy bay gặp nạn, cũng không biết được là máy bay của địch hay máy bay của ta, người dân chỉ chăm chăm đi mót nhôm về đúc nồi. Cho đến vừa rồi khi ông được đoàn tìm kiếm đề nghị dẫn đường, ông mới biết đó là máy bay MIC 21 của ta cùng hai phi công gặp nạn.
Đầu tháng 8/2018, Ban chỉ đạo Khảo sát, xác minh, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là phi công Việt Nam và phi công Liên Xô (cũ) bị tại nạn mất tích ngày 30/4/1971 tại khu vực Tam Đảo, đến nhà ông Thắng đặt vấn đề nhờ ông dẫn đường đến khu vực nghi máy bay cùng hai phi công hy sinh. Tại hiện trường ông Thắng dẫn tới, đoàn công tác đã thu được nhiều di vật nghi của máy bay MIC 21. Hiện lực lượng tìm kiếm Quân khu 1 vẫn tiếp tục xác minh tìm kiếm hài cốt của 2 phi công đã hy sinh khi máy bay rơi. |
Tác giả: Tuấn Hợp
Nguồn tin: Báo Dân trí