Vượt biển trong bóng đêm…
Năm vừa tròn 4 tuổi, cậu bé Hải bị đau mắt hột, lúc đó gia đình cứ nghĩ là bình thường, hai hoặc ba ngày là khỏi. Sự chủ quan ấy khiến cuộc sống của cậu mãi mãi chìm trong bóng tối. Đi học, cậu chỉ có thể tiếp thu kiến thức bằng cách nghe. Hết lớp 6, Hải nghỉ học, bắt đầu học nghề đan lưới cá và thi thoảng xin đi bạn trên các chuyến tàu đánh cá của hàng xóm.
Những ngày đầu, Hải không làm được việc gì nên hồn, đan lưới không rách thì cũng mắc lộn tùm lum, đi bạn phụ trên tàu chưa ra đến bờ đã bị té ngã hàng chục lần. Điều đó khiến cậu đã nghĩ có lẽ suốt cuộc đời này mình cũng chỉ là một người tàn phế vô dụng mà thôi. Về nhà đóng kín cửa, Hải tự mày mò học làm quen với các mắt lưới để rồi hơn 3 tháng sau, dân làng ai cũng ngớ người khi thấy cậu Hải “mù” tự đan được lưới, thậm chí đan rất nhanh, thành thục chẳng thua kém chi những người bình thường khác.
“Lúc đó tui vừa làm vừa tự nhủ với lòng rằng phải luôn phấn đấu chứ mình không thể được đầu hàng số phận, không thể để người ta khinh thường được – Ông Hải bồi hồi nhớ lại – Học được cách đan lưới, lại mò sang nhà hàng xóm xin bám đi bạn đánh cá ngoài biển. Để biết việc tui lân la nhờ bạn tàu hướng dẫn cách buông lưới xuống biển làm sao để bẫy được nhiều cá, học cách điều chỉnh thuyền và xác định đúng phương hướng cho thuyền đi theo ý đồ của mình”. Những điều này đối với người bình thường tưởng như quá đơn giản, nhưng với một người khiếm thị thì lại là cả một thử thách vô cùng khó khăn. Tuy nhiên ông vẫn kiên trì học hỏi bằng các cơ quan thính giác của mình để có thể điều khiển thuyền ra biển đánh cá.
Không chỉ bơi thuyền, đánh cá được như người bình thường, người dân trong làng còn nhắc mãi chuyện ông Hải “mù” vượt biển cứu người. Nhớ lại chuyện cũ, ông Hải vẫn nói: “Nhờ ơn phước tổ tiên phù hộ chú ơi, không thì tui đã bị ông Nam Tào chấm sổ đỏ bắt đi sang thế giới bên kia rồi. Chuyện xảy ra cách đây chừng 14, 15 năm rồi. Chiều muộn hôm ấy, lũ trẻ đang nô đùa dưới bãi tắm thì thằng Lịnh và thằng Sơn rơi trúng đoạn nước sâu, xoáy bị sóng cuốn trôi xa ra ngoài bờ, nhiều người trong làng chạy tới nhưng không biết mần cách chi cả, vì ngoài đó sóng đánh dữ quá với lại đoạn đó rất sâu, không đứa mô có gan dám nhảy ra mô mà chỉ đứng trên bờ kêu cứu, lúc ấy tui đang chong lưới ở gần biển, nghe tiếng kêu cứu bên ngoài vọng đến, tui vứt lưới đó và chạy một mạch đến nơi mọi người rồi cứ theo cảm giác mà xác định hướng bơi ra ngoài, khi ra đến nơi thì chỉ bấp trúng thằng Lịnh đang uống nước ừng ực sắp chìm, tui vớ được tay nó đẩy lên trên trời, rồi quơ chân bơi tiếp sang bên tay trái khoảng 5m nữa thì đạp trúng đầu thằng Sơn cũng đang sắp chìm, lúc đó hai tay tui kịp kẹp hai đứa rồi từ từ lôi vào bờ, khi vào đến nơi, mọi người tập trung làm hô hấp nhân tạo cho nước ra ngoài, khoảng 15 phút sau cả hai đứa nó mới dần tỉnh lại, rứa là sống… Sau này hễ có ai nhắc lại chuyện cứu sống hai đứa trẻ này tui cũng cảm thấy sởn cả gai ốc vì đáng lý ra tui và chúng nó đều đã nằm xuống dưới biển rồi”.
Ông Hải và vợ
Ông Hải và đứa cháu ngoại
Nói đến đó, ông Hải mỉm cười: “Vợ chồng thằng Lịnh đang làm công nhân ở TP.HCM và vợ chồng thằng Sơn làm ở Biên Hoà, mỗi lẫn về quê đều tạt vào nhà thăm và tặng gia đình nhà tui nhiều quà lắm chú ơi…”.
… để trở thành trụ cột gia đình
Đến tuổi trưởng thành, chứng kiến bạn bè cùng trang lứa lần lượt lập gia đình, Hải cũng mủi lòng, nhưng chẳng dám nghĩ ngợi xa xôi bởi mặc cảm tật nguyền. Vì thế, khi biết cô thôn nữ Nguyễn Thị Thuận, một cô gái xinh đẹp nhất làng vì cảm thương đức tính cần cù chịu khó, kiên trì lại ham học hỏi của chàng trai khiếm thị mà đem lòng thương mến, anh tưởng đó là giấc mơ. Biết chuyện, gia đình Thuận tìm mọi cách phản đối, nhưng “nước chảy đá mòn”, chứng kiến nghị lực của Hải, đặc biệt là tình cảm của đôi trái gái dành cho nhau, nên cuối cùng, một lễ cưới đơn sơ, ấm áp đã được tổ chức, đôi vợ chồng trẻ về sống trong căn nhà nhỏ do bố mẹ để lại.
Nhắc lại chuyện cứu sống Linh và Sơn ông Hải khẽ ngước đầu về phía bàn thờ nói, may cho tôi không ngày đó tôi cũng suýt nằm dưới đáy biển rồi.
Rồi đứa con thứ nhất, thứ hai và ba lần lượt chào đời. Con đông, cuộc sống càng thêm vất vả hơn, trong khi đó nghề đi biển lại thất thường lúc được lúc mất. Thấy không thể tiếp tục bám trụ được với công việc này, ông Hải bàn với vợ để đứa con lớn dắt bố vào TP Hồ Chí Minh bán vé số kiếm tiền gửi về quê. Nói là làm, sáng hôm sau hai vợ chồng bắt cả đàn gà và ổ chó đem ra chợ bán lấy tiền mua vé tàu xe cho hai bố con vào miền Nam. Ngày ngày, hai bố con rong ruổi khắp mọi ngõ ngách đường phố Sài Gòn cũng kiếm được 50 ngàn đồng/ngày, ròng rã suốt 3 năm chắt chiu, dành dụm được khoản tiền 5 triệu đồng, ông Hải quyết định trở về quê mua 1 con bò cái nuôi lấy bê con. Nhưng đầu năm 2007, thằng Thảo (là con trai thứ 2 của ông) vào Vũng Tàu làm công nhân, trong nhà không còn đồng nào, vợ chồng ông lại phải cắn răng bán đi con bò. Vậy là cuộc sống của cả gia đình giờ chỉ còn biết trông đợi vào 1,5 sào ruộng khoán với biết bao khó khăn chất chồng.
Từng ấy năm ròng sống trong bóng tối, chưa bao giờ ông Hải cảm thấy khát vọng sống dâng cao và mãnh liệt như lúc này, khi mà sát cánh bên ông là một gia đình êm ấm với người vợ hiền và ba đứa con ngoan ngoãn. Niềm hạnh phúc đó càng khiến cho ông luôn phải nằm trăn trở nghĩ suy về sự thiệt thòi của các con mình so với bạn bè trang lứa: “Dù có mù loà thì tui cũng phải chịu trách nhiệm với gia đình, con cái và phải là trụ cột, ít ra là về mặt tinh thần để cho các con nương tựa mà sống tiếp nữa. Lúc này mình mà buông xuôi nữa là cả cái gia đình ni rơi vào ngõ cụt ngay” – ông tâm sự.
Không đành lòng nhìn vợ con tay cuốc tay cày đi làm ruộng quần quật ngoài đồng mà mình lại ngồi ở nhà chơi suông, ông Hải liền chống gậy mò mẫm ra đồng tập làm ruộng. Ban đầu là nhổ từng cây cỏ, sau đó khi đã quen đường thì ông tự đi ra ruộng làm một mình. Và lạ thay, suốt mấy mùa liền ông chưa đi làm nhầm vào phần ruộng nhà người hàng xóm bao giờ dù ruộng cách xa nhà hơn 1km. Ngoài ra ông Hải còn tự gặt lúa, gánh lúa về nhà và cũng làm được tất cả những việc giống như những người nông dân bình thường khác.
Năm 2008, trước hoàn cảnh gia đình ông Hải, Hội Người mù huyện Kỳ Anh đã về vận động đưa ông lên học lớp chữ nổi và làm tăm tre nhân đạo trên thị trấn huyện. Nhưng vừa lên chưa được 3 ngày thì bà Thuận vợ của ông đã xách nón tìm lên nhắn nhủ ông ở nhà sắp hết gạo ăn rồi, rứa là tự nhiên ông trào nước mắt rồi lục tục gói gém đồ đạc chạy một mạch hơn 8km từ thị trấn về với con ngay trong đêm. Sáng sớm hôm sau, có hai cán bộ Hội lái xe về tận nhà tìm, ông bảo: “Tui giờ còn bận nuôi con nữa, có lẽ chưa thể lên với Hội được mô. Tui biết các bác thương tui lắm, lên đó được ăn ngon, mặc đẹp tui thấy không nỡ để con mình ở nhà chịu khổ thay bố được… mong các bác thông cảm cho tui nha…!”.
Ba năm gần đây, cứ độ hè về là ông Hải lại nhờ hàng xóm gọi điện bảo thằng Thảo về đón cha vào TP Hồ Chí Minh bán vé số để kiếm thêm tiền về nuôi con út Huyền đang học lớp 9 và cố gắng mua lại 1 con bò: “Nói cho các chú biết từ trước đến ni trong làng ni, ai cũng tưởng tui có khả năng bẩm sinh đặc biệt hơn người. Nhưng đối với tui thì không có cái động lực mô quan trọng bằng chính tình thương và sự chăm lo cho cuộc sống tương lai sau ni của ba đứa con” – ông Hải tâm sự về ý chí vươn lên bền bỉ của mình như vậy.
Hải Triều (TC Người Bảo trợ)