Du lịch

Chùa Hương Tích - Ngôi chùa giữa núi rừng Hà Tĩnh

Nhắc đến chùa Hương, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chùa Hương của miền Bắc. Tuy nhiên, ở mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng và gió cũng có một chùa Hương với cảnh sắc đẹp không kém.

Chùa Hương Tích thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây được mệnh danh là “Hoan châu đệ nhất danh lam” tức là thắng cảnh đẹp nhất miền Trung. Đồng thời, ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Hương Tích - một trong những ngon núi đẹp nhất dãy Hồng Lĩnh.

Chùa Hương Tích là quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, bao gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đền thờ Thần và một số ngôi đền mang đậm nét đặc trưng của tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu. Quần thể này được chia thành 3 phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh mẫu (nơi dân gian tương truyền rằng công chúa Diệu Thiện đã đắc đạo hóa Phật ở đó).

Chùa Hương Tích nhìn từ trên cao (Ảnh: Internet).


Phía sau chùa là những bóng cây cổ thụ tỏa bóng rêu phong, những tảng đá lớn vươn mình trong mây trời tạo nên một vẻ cổ kính rêu phong, mang vẻ cô tịch, trầm tư huyền ảo đến lạ kỳ cùng sự thiêng liêng của miền đất Thánh. Ngoài ra, xung quanh quần thể còn có sự xuất hiện của nhiều thắng cảnh như miếu Cô, am Phun Mây, động Tiên nữ, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc…

Từ phía sau Chùa đi lên khoảng 28 bậc đá là đến động Hương Tích còn gọi là Am Quan Âm, Am Phật Bà, đến nay còn giữ nguyên được kết cấu cũ. Phía trong động đá hang sâu có tượng Phật Bà Quan Thế Âm ngồi tọa trên ngự sen và một số tượng mẹ bế con cầm cành liễu… Nhân dân xem Am Phật Bà là nơi thiêng liêng và chính tại nơi này công chúa Diệu Thiện đã tu hành hóa Phật.

Tòa tháp Bảo trên đỉnh non Hồng (Ảnh: Internet).


Một trong những nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của quần thể di tích chùa Hương Tích chính là cung Tam Bảo, nơi ngụ tại của nhiều pho tượng Phật có niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm, trong đó đặc biệt phải kể đến 54 pho tượng Phật cao ngang tầm ngực, đang trong tư thế ngồi im thanh tịnh, mây gió vờn quanh.

Trong Thiên Lộc Huyện Phong Thủy Cổ Chí của Lưu Công Đạo năm 1811 đã mô tả: "Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng được ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng làm nền gọi là Trang Vương. Người ta lấy đá xây thành am. Trong am đặt tượng Quan âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái am có đền thờ đại vương Núi Hồng. Trong đền có tâm bia vua ban chữ thếp vàng. Một con suối xanh theo bậc đá đi lên, mỗi bước là một phong cảnh khác nhau. Lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu".

Trải qua bao tháng năm bão táp, kiến trúc chính của các chùa, am, đền của quần thể chùa Hương Tích nhìn chung vẫn được khởi tạo lại dáng nét cổ xưa, chỉ có Phật Phả và Bia ký đều không thể khôi phục nên các sử liệu về thời gian chính xác xây dựng chùa đều không có con số chính xác cụ thể mà chủ yếu là dựa vào phỏng đoán của các nhà sử học sau này.

Hình ảnh sông nước trong mùa lễ hội ở chùa Hương Tích.


Để phục vụ khách du lịch, kể từ năm 2012, tại đây đã xây dựng hệ thống cáp treo. Tuyến cáp treo bắt đầu từ Ga Miếu Cô và kết thúc tại Ga Hương Tích với thời gian di chuyển mất khoảng 4 phút giúp cho việc lễ chùa được thuận tiện hơn. Những năm trước, lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch nhưng những năm gần đây đã chuyển sang ngày mùng 6/1 âm lịch, mở đầu cho năm du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1990, chùa Hương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam công nhận là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia và là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, hàng năm thu hút hơn 15 vạn lượt du khách thập phương đến chiêm bái và lễ Phật.

Tác giả: Hạnh Trần (T/h)

Nguồn tin: thoidai.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP