Nhân ái

Chồng nghèo gạt nước mắt xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết

Vợ bị tai nạn liệt tứ chi nhưng anh đành dằn lòng xin bệnh viện cho vợ về nhà. Bởi tiền trang trải cho những ngày tới không còn, ở nhà đứa con thiểu năng của anh mỗi ngày vẫn đang chịu đói, khát.

Nhìn người vợ nằm bẹp trên giường bệnh, mái tóc dài ngày nào giờ đã cắt trọc, đôi tay và chân không còn cử động được, phía sau cơ thể là những mảng lở loét sâu hoáy, người đàn ông ấy lại quay đi len lén đưa vạt áo lên lau nước mắt.

Đã nửa năm trôi qua, anh Vũ Xuân Minh (45 tuổi, thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đưa vợ hết bệnh viện nọ sang bệnh viện kia và giờ là Bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương (đóng tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa), với hy vọng vợ anh có thể ngồi dậy, thế nhưng mọi hy vọng của anh dần tắt.

Chồng nghèo gạt nước mắt xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết - 1

Tai họa ập xuống bất ngờ khiến nửa năm nay vợ chồng anh Minh lấy viện làm nhà.

Đôi mắt hõm sâu, mệt mỏi, người đàn ông ngồi trước mặt tôi cứ đan đôi tay vào nhau như đang có sự đấu tranh giằng xé trong lòng. Sợ hãi là những gì mà anh đang phải đối mặt. Xin cho vợ về nhà đồng nghĩa với mọi hy vọng vợ bình phục bị dập tắt nhưng ở đây thì anh cũng không biết phải xoay xở ra sao.

Tiền cho những ngày trang trải sắp tới ở viện đã không còn, hai đứa con của vợ chồng anh, một đứa bị thiểu năng cũng đang chịu đói khát ở nhà. Bất lực, sáng nay anh đành dằn lòng xin bác sĩ cho vợ anh về nhà.

Anh kể, trước Tết, vợ chồng anh lên đồi lấy củi, bất ngờ một cành cây khô gãy rơi trúng vào gáy vợ anh, gây tổn thương tủy sống cổ, chèn ép dây thần kinh. Dù thoát khỏi từ thần nhưng từ đó đến nay vợ anh không còn cử động được nữa.

Chồng nghèo gạt nước mắt xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết - 2

Dù vợ còn trong tình trạng nguy kịch nhưng bất lực anh Minh đành xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết.

"Bình thường, sau vụ mùa, hai vợ chồng không lên núi lấy củi thì lại đi phụ hồ, ai thuê gì làm nấy mà cái ăn còn phải lo từng bữa nên khi tai ương ập xuống không biết phải xoay xở ra sao. Toàn bộ số tiền hơn 200 triệu đồng từ ngày đi viện là vay mượn, cầm cố nhà cửa, bán cả đàn dê chưa kịp lớn… giờ không còn biết bấu víu vào đâu nữa. Ông trời bắt phải chết thì cũng đành lòng thôi…", nói đến đó, anh Minh ôm mặt khóc.

Chồng nghèo gạt nước mắt xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết - 3

Sợ hãi là những gì người đàn ông này đang phải đối mặt.

Thời điểm đầu về đây, thương hoàn cảnh của vợ chồng anh, Phòng công tác xã hội của bệnh viện đã chu cấp suất cơm miễn phí, hai vợ chồng chia nhau một suất ăn. Được một tháng thì phải nhường cho những hoàn cảnh khác nên có những ngày không chỉ anh mà vợ anh cũng phải nhịn đói vì trong túi không còn một xu nào.

Anh xót xa cho biết, anh bất lực rồi, không biết phải bấu víu vào đâu nữa nhưng đưa vợ về nhà trong tình trạng như thế này thì không biết sẽ như thế nào nữa.

Nghĩ đến việc vợ không may có mệnh hệ gì, hai đứa con, một đứa đang tuổi ăn tuổi học, một đứa vốn không lành lặn gì, anh càng đau đớn, nhìn đâu cũng thấy đường cùng, ngõ cụt. Hàng trăm câu hỏi cứ hiện lên trong đầu anh khiến nhiều đêm anh không chợp mắt.

Chồng nghèo gạt nước mắt xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết - 4

Anh nhiều ngày phải nhịn đói và nhiều đêm không chợp mắt.

Trên giường bệnh, chị Trịnh Thị Tứ - vợ anh không nói được gì, nhưng tôi hiểu chị không chỉ đau đớn thể xác mà trái tim người vợ, người mẹ ấy cũng đang rỉ máu.

Nước mắt chị lăn dài trên khuôn mặt tiều tụy khi nhắc về những đứa con. Đã nửa năm nay, chị không còn được gặp chúng, chẳng thể xúc cơm đút cho thằng lớn, nhắc nhở thằng nhỏ học bài. Nghĩ đến những đứa con đang phải tự xoay xở bữa no, bữa đói, chị Tứ nhiều lần ra hiệu cho chồng xin được về nhà.

Chồng nghèo gạt nước mắt xin bệnh viện cho vợ về nhà chờ chết - 5

Người mẹ nằm trên giường bệnh đau đớn khi nhắc về những đứa con.

Bác sĩ Lang Thị Tân, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương chia sẻ: "Bệnh nhân đã đi nhiều bệnh viện và giờ về đây trong tình trạng liệt tứ chi, thời gian đầu phải thở máy, đến nay, bệnh nhân tạm thời cai được máy thở nhưng vết lở loét còn nhiều. Bệnh nhân phải tập phục hồi chức năng mới có hy vọng ngồi được xe lăn.

Tuy nhiên, chồng bệnh nhân đang xin cho vợ về nhà vì nghèo quá khiến chúng tôi rất đau lòng. Không có tiền, nên bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng khiến cơ thể bị phù nề. Có hôm bệnh nhân kiệt sức khi đi vật lý trị liệu, bị hạ đường huyết phải cấp cứu thở máy, hỏi ra mới biết trưa hôm đó, bệnh nhân không được ăn vì hết tiền".

"Nếu có kinh phí, bệnh nhân được bổ sung đạm, được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thì vẫn có hy vọng tiến triển. Chúng tôi đang khuyên bệnh nhân cố gắng ở lại và cũng liên hệ với một vài cửa hàng ngoài cổng bệnh viện xin việc làm cho chồng bệnh nhân để có thể kiếm chút thu nhập trang trải những ngày tới", bác sĩ Tân cho biết thêm.

Mọi đóng góp hảo tâm giúp mã số 4548 xin gửi về:

Anh Vũ Xuân Minh, thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Điện thoại: 0987.409.963

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP