Sau khi cây xăng Idemitsu Kosan trình làng tại Hà Nội, doanh nghiệp (DN) Nhật này tiếp tục lên kế hoạch đầu tư một cây xăng khác tại Hải Phòng. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng đồng loạt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) vào ngay đầu năm 2018. Đó là những tín hiệu cho thấy thị trường sẽ không còn nằm trong tay vài đại gia trong nước.
Nhộn nhịp chào bán
Theo kế hoạch được công bố, BRS sẽ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM vào ngày 17-1. Tiếp đó, 49% cổ phần của BRS sẽ được bán cho các nhà đầu tư chiến lược, bất kể là nhà đầu tư nội hay ngoại, tiến đến nhà nước chỉ còn nắm giữ 43% vốn điều lệ tại BRS.
Người tiêu dùng hy vọng được hưởng lợi khi thị trường xăng dầu có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài.Ảnh: TẤN THẠNH |
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc BSR, cho hay trong các đối tác muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của BRS, có không ít DN nước ngoài, như World Petro (Mỹ), Rosneft (Nga), tập đoàn SK (Hàn Quốc), PTT (Thái Lan), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait hay MacronPetro ở tận châu Phi.
Thông báo ngày IPO là 25-1, PV Oil cũng nêu kế hoạch bán hơn 65% cổ phần, đồng nghĩa với nhà nước sẽ còn giữ lại 35% vốn tại một trong những ông lớn xăng dầu có hệ thống phân phối rộng. Đáng lưu ý là, theo Luật DN, nếu nắm từ 36% vốn trở lên, nhà nước với tư cách cổ đông sáng lập sẽ được quyền phủ quyết các quyết định của HĐQT. Nhưng với tỉ lệ nắm giữ 35%, nhà nước đã tình nguyện "bỏ qua" quyền phủ quyết của mình và sẵn sàng trao DN cho nhà đầu tư chiến lược, kể cả nhà đầu tư ngoại.
Một tín hiệu khác cũng cho thấy người nước ngoài đang từng bước xâm nhập sâu hơn vào thị trường xăng dầu Việt Nam. Đó là sự kiện ông Nobuyuki Nakamura, Trưởng đại diện Văn phòng Idemitsu Kosan, đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng về kế hoạch đầu tư trạm xăng dầu bán lẻ diện tích lên đến 10.000 m2 tại TP này. Như thế, sau Hà Nội, đây sẽ là trạm xăng dầu thứ 2 của Idemitsu Kosan tại Việt Nam.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định lựa chọn BRS hay PV Oil để thâm nhập thị trường xăng dầu Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã suy tính kỹ càng và có chiến lược chắc chắn. Bởi lẽ, theo quy định, xăng dầu thuộc danh mục hàng hóa chưa mở cửa cho nước ngoài tham gia xuất nhập khẩu, phân phối. Tuy nhiên, nhà nước lại "đặc cách" cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án lọc dầu Nghi Sơn được quyền phân phối các sản phẩm dầu khí trong 10 năm sau ngày vận hành thương mại. Ngoài ra có một cam kết để PV Oil tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn trong ít nhất 10 năm sau cổ phần hóa. Tức là, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có cách bước vào thị trường xăng dầu Việt qua cửa "ưu đãi" cho dự án lọc dầu Nghi Sơn.
Chặng đường còn dài
Giới chuyên gia cũng cho rằng để có thể giành thị phần với hệ thống phân phối xăng dầu vô cùng "hoành tráng" của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay PV Oil, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn phải đối mặt với nhiều gian nan. Đơn cử như để mở một trạm xăng dầu tại bất cứ địa phương nào thì ngoài đáp ứng được quy hoạch chung về cửa hàng xăng dầu, còn phải đáp ứng quy hoạch của từng địa phương. Mà với quy hoạch của từng địa phương, đến đại gia xăng dầu như Petrolimex còn phải kêu than về việc xin - cho, "đi cửa sau". Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ không có nhiều kinh nghiệm như nhà đầu tư trong nước. Hơn nữa, không phải nhà đầu tư ngoại nào cũng kịp thích ứng và chấp nhận những cách đi cửa sau như thế.
Mặt khác, do sẽ gặp khó khăn trong xây dựng hệ thống phân phối nên bước đầu, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ phải tận dụng hệ thống của các DN trong nước. Lãnh đạo một DN xăng dầu trong nước nhìn nhận: "Những DN xăng dầu nội mạnh về hệ thống kho bãi, trạm xăng thì hoàn toàn có thể liên kết với DN ngoại trong thời gian đầu họ bước vào thị trường".
Trong tình hình này, DN trong nước không thay đổi quản trị, phương thức kinh doanh, chăm sóc khách hàng thì khả năng mất thị phần là hiện hữu. Bản thân đầu mối xăng dầu lớn nhất là Petrolimex, trong buổi họp báo mới đây, thừa nhận họ rất "bình tĩnh" trước làn sóng xăng dầu ngoại song lại tiết lộ thông tin sẽ đầu tư 1.000 tỉ đồng vào hệ thống phân phối trong năm nay. Trong đó, cứ 5 ngày làm việc, tập đoàn này sẽ mở thêm một cửa hàng mới.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng việc người nước ngoài vào "chia phần" miếng bánh xăng dầu Việt Nam cho thấy thị trường sẽ minh bạch, chất lượng phục vụ sẽ chu đáo hơn. Nhưng để đạt được điều này, giá xăng dầu phải có sự cạnh tranh. Còn hiện nay, ngay cả trạm xăng nước ngoài vẫn bán bằng giá với DN trong nước, thì sự cạnh tranh mới là hình thức.
Một chuyên gia nhận định: "Để có được thị trường đúng nghĩa, cần có đủ thời gian để mọi điều kiện chín muồi. Nhưng trước mắt, người tiêu dùng có thể hy vọng sớm được lựa chọn những dịch vụ tốt từ nhiều đầu mối phân phối, dù vẫn chưa được lựa chọn giá cả".
Lượng tiêu thụ xăng E5 tăng Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết đã chuyển đổi 100% xăng RON 92 bằng xăng E5 từ ngày 20-12-2017, chứ không đợi đến ngày 1-1 như quy định. Theo đánh giá của Saigon Petro, trong hơn 10 ngày qua, sức mua xăng E5 khá ổn định, tương đương lượng bán xăng RON 92 trước đây. Petrolimex vừa công bố mức giá bán lẻ xăng E5 từ 0 giờ ngày 1-1 đối với vùng 1 là 18.240 đồng/lít và vùng 2 là 18.600 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng RON 95 có giá thấp nhất là 19.280 đồng/lít và cao nhất 19.860 đồng/lít. Như thế, giá xăng E5 với xăng RON 95 đã có chênh lệch đáng kể. Petrolimex cũng nhận định sau nửa tháng tập đoàn này triển khai thay thế hoàn toàn xăng RON 92 bằng xăng E5, lượng bán xăng E5 đã tăng đáng kể. Theo quan sát tại một số trạm xăng trên địa bàn Hà Nội, do đang trong ngày nghỉ lễ (Tết dương lịch) nên lượng khách hàng đến đổ xăng không nhiều, dẫn đến doanh số bán xăng RON 95 và E5 đều giảm. TH.DƯƠNG |
Tác giả: Thùy Dương
Nguồn tin: Báo Người lao động