Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. |
Nhưng đến 25/8, website của đơn vị này vẫn công bố: Đến 19/8, chỉ có 1/18 mẫu kiểm nghiệm có lượng cadimi vượt ngưỡng.
Liệu có gì bất nhất trong các thông báo của Cục An toàn thực phẩm? Và trong thời điểm này, nên “ứng xử” thế nào với thủy hải sản ở 4 tỉnh miền Trung? Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, xung quanh vấn đề này.
Nhiều người dân lo lắng, “bán tín bán nghi” trước thông tin có thêm nhiều mẫu thủy hải sản nhiễm phenol, xyanua. Vậy có uẩn khúc gì trong việc công bố thông tin kết quả xét nghiệm thủy hải sản ở 4 tỉnh miền Trung không, thưa ông?
Tôi khẳng định không có gì bất nhất trong việc thông báo kết quả xét nghiệm về sự an toàn của thủy hải sản tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
Để đánh giá độ an toàn của thực phẩm, chúng ta phải căn cứ vào các chỉ tiêu ngưỡng an toàn thực phẩm đang có, ví dụ ngưỡng về kim loại nặng như cadimi. Còn việc quan trắc thêm về phanol, xyanua là nhằm tham khảo, thêm căn cứ đánh giá về môi trường biển, chứ không phải chỉ số chốt lại an toàn thực phẩm.
Thực ra, chúng tôi đã họp 4 lần với tổ chức quốc tế, đề nghị cung cấp quy định ngưỡng phenol, xyanua trong thực phẩm, nhưng đại diện cả Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Liên hiệp quốc, đều khẳng định: Thế giới chưa quy định ngưỡng các chất này. Vì vậy, như nhiều nước trên thế giới, lâu nay, Việt Nam chưa đưa ra và chưa tiến hành giám sát phenol, xyanua trong thực phẩm. Chỉ sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, các chất này mới được đưa vào giám sát, kiểm nghiệm thủy hải sản, nhằm có thêm cơ sở quan trắc về môi trường. Từ tháng 4/2016, sau khi có kết quả kiểm nghiệm thủy hải sản, chúng tôi đều công bố và gửi sang Bộ Tài Nguyên và Môi trường làm căn cứ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường biển.
Kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian. Tháng 7, có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (tương đương 25,9%); Đến ngày 19/8, trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển an toàn, kết quả kiệm nghiệm cho thấy chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%).
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường giám sát, nghiên cứu, sớm đưa ra câu trả lời cho người dân về việc: Khi nào có thể sử dụng thủy hải sản ở 4 tỉnh miền Trung; Bộ Y tế vẫn tiếp tục giám sát, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để kiểm nghiệm. Các kết quả kiểm nghiệm này sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9/2016.
Nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản? Thời điểm này, người dân đã có thể sử dụng thủy hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chưa, thưa ông?
Về nguyên tắc, khi sự cố chưa được khắc phục, thì không nên nuôi trồng, thủy hải sản. Nước biển có thể đảm bảo quy chuẩn để tắm, nhưng thủy hải sản chưa hẳn đã an toàn. Thậm chí, kể cả khi môi trường biển đã được khôi phục, vẫn phải tiếp tục giám sát, kiểm nghiệm thuỷ hải sản, cho đến khi có kết quả quan trắc một cách đầy đủ, khoa học. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục lấy mẫu trên diện rộng hơn để kiểm nghiệm nhằm sớm đưa ra câu trả lời: Sử dụng thủy hải sản khu vực 4 tỉnh miền Trung đã an toàn hay chưa?
Vậy từ nay cho đến khi Bộ Y tế đưa ra câu trả lời chính thức thì cần “ứng xử” thế nào với thủy hải sản tại 4 tỉnh miền Trung, thưa ông?
Từ nay đến đầu tháng 9/2016, tốt nhất, 4 tỉnh miền Trung nên tăng cường giám sát, tiếp tục thực hiện việc thu mua, tạm trữ cá; với người dân, chỉ sử dụng thủy hải sản ở những vùng được khẳng định là đánh bắt xa bờ (ngoài 20 hải lý – PV).
Xin cảm ơn ông!
Xyanua là hóa chất cực độc. Phần lớn lượng xyanua có trong nước xuất phát từ những quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hoá chất hữu cơ, những công việc liên quan đến sắt và thép; đặc biệt trong công nghiệp luyện thép, xyanua là độc chất chính gây ô nhiễm… |