Trong nước

Chặn tiền lệ ‘ra nước ngoài chữa bệnh’ rồi ‘mất tích’

Phải chăng đã đến lúc chúng ta đưa ra những chế tài nghiêm ngặt để “nhắc nhở” các trường hợp cụ thể khi đã “vào tầm ngắm” của pháp luật.

Những câu hỏi đang đặt xung quanh vụ việc ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (VINACHEM), cựu Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí Đình Vũ (PVTEX) vắng mặt khi chưa được phép của cơ quan chủ quản.

Lý do thông báo xin nghỉ của ông Duy với đơn vị khá lạ: trong 3  lá đơn xin nghỉ khác nhau, lúc thì ông xin nghỉ ốm, lúc nghỉ đi chữa bệnh ở nước ngoài và lúc thì xin nghỉ không lương. Cơ quan chủ quản thì không đồng ý.

Một số ý kiến nghi vấn ông Duy đã viết cùng lúc những lá đơn này rồi dàn dựng kịch bản nhờ ai đó gửi dần theo thời gian ghi trong đơn. Và rất có thể ông đã đi nước ngoài trước cả lúc tổ chức nhận được lá đơn đầu tiên (!).

Chuyện này ngày càng cho thấy dấu hiệu bất thường, rất giống kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ đi nước ngoài chữa bệnh. Liệu có phải ông Vũ Đình Duy đã đào thoát khi biết mình bị cơ quan điều tra “rờ” tới do các sai phạm khi còn ở PVTEX gây lãng phí xã hội vô cùng lớn với vài ngàn tỷ đồng đầu tư mà không thể hoạt động.

Tất cả những vụ việc này đang làm dậy sóng dư luận bởi những lùm xùm ở bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng.

Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Vũ Huy Hoàng, Ra nước ngoài chữa bệnh, VINALINES, Thanh tra Chính phủ, Kiểm tra Đảng
Cả ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đình Duy đều xin đi chữa bệnh nước ngoài rồi “mất tích”

Cần có biện pháp hữu hiệu

Không rõ ông Vũ Đình Duy đi nước ngoài bằng con đường nào, hộ chiếu gì, có thẻ APEC không? Nhưng có một thực tế, nhiều doanh nhân Việt Nam được nhà nước ta cấp thẻ APEC, được phép đi lại trong các nước thành viên, không phải đi xin visa. Việc làm này là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Song quy trình nào để quản lý nó chặt chẽ trong các doanh nghiệp nhà nước đang là vấn đề mà các cơ quan nắm nhân sự cấp trên DN cần xem lại.

Chúng ta đã từng có quy định quản lý hộ chiếu công vụ trong các cơ quan nhà nước sau mỗi lần đi công tác nước ngoài. Đó là khi về nước, cán bộ được cử đi phải nộp lại hộ chiếu và làm báo nhanh kết quả chuyến đi gửi cho cơ quan chủ quản. Hình như việc chúng ta đã từng làm này, nay không còn nghiêm túc thực hiện và dần dà người ta cũng quên không thực hiện nó lúc nào không hay.

Quay trở lại việc ông Vũ Đình Duy đang có dấu hiệu đào thoát khỏi Việt Nam giống hệt như “kịch bản” của người anh họ Trịnh Xuân Thanh.

Đúng như có người đã chỉ ra, khi xử lý việc này sẽ có những vướng mắc cần xử lý. Đó là khi chưa chứng minh được một người phạm tội, nghĩa là chưa bị khởi tố, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được, vì thế là vi phạm quyền công dân. Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân. Con người ta chỉ bị hạn chế quyền khi pháp luật quy định.

Điều này là có lý, nhưng không thể vì thế mà chúng ta “bó tay”. Phải có biện pháp nào đó để tránh đi những hiện tượng đào thoát kiểu như Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT VINALINES), như Giang Kim Đạt, nguyên trưởng phòng của một doanh nghiệp nhỏ tí trong cái “ung nhọt VINALINES” nhưng tham nhũng thì đến mức ít ai hình dung nổi; như Trịnh Xuân Thanh; như Vũ Đình Duy…

Phải chăng đã đến lúc chúng ta đưa ra những chế tài nghiêm ngặt để “nhắc nhở” các trường hợp cụ thể (khi đã “vào tầm ngắm” của pháp luật), đang bị các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm tra Đảng cùng các cơ quan pháp luật tiến hành xác minh, điều tra dấu hiệu vi phạm/ phạm tội nhưng chưa có kết luận thì tạm thời không được rời khỏi nơi cư trú nếu chưa được phép. Một nấc nữa cao hơn, đó là hạn chế xuất cảnh, nếu anh muốn đi thì phải xin phép rồi căn cứ vào từng trường hợp cụ thể có đồng ý hay không.

Với các trường hợp xin đi chữa bệnh, chúng ta vẫn có thể giải quyết nhưng phải căn cứ mức độ, có khoa chuyên môn bàn thảo… thì mới có thể chấp nhận chứ không thể “hắt hơi xổ mũi” cũng đã cho đi.

Nếu kiểu trốn chạy hợp pháp này còn tái diễn thì chúng sẽ gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân. Dẫu rằng đây là một câu chuyện khá tế nhị, không phải Nhà nước muốn cấm là cấm dễ dàng, nhưng chắc chắn chúng ta phải tìm ra biện pháp hữu hiệu, chứ chẳng lẽ lại chịu bó tay để những kẻ tham nhũng nhởn nhơ thách thức, chọc tức?

Quốc Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP