Theo thông tin ban đầu, ông Rơ Châm Pyp (trú xã Ia Bă, huyện Ia Grai) - chủ sở hữu cây trắc "khủng" cho biết, đầu tháng 10/2017, ông Rơ Châm Thúc (trú xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) cùng một vài người làng nghi ngờ dưới đất rẫy của ông Châm Pyp có cây trắc nên đã thỏa thuận để đào cây trắc lên.
Cây trắc quý tại nhà ông Pyp |
Nhóm người đào sâu xuống 4 mét đất ruộng thì phát hiện cây trắc có đường kính khoảng 40 cm, dài 8 m.
Do cây trắc quá dài quá nên nhóm người này đã cưa cây trắc làm đôi, mỗi đoạn dài 4 mét. Đào được cây trắc, người dân đã thống nhất đưa về nhà ông Pyp để và tìm người bán. Sau đó, đã có rất nhiều người tìm đến để hỏi mua và có người trả giá khoảng 350 triệu.
Hiện cây trắc "khủng" vẫn được để ở sân nhà ông Pyp. Xác định đây là cây trắc đã bị chôn vùi lâu năm trong đất vườn nhà ông Pyp, chính quyền huyện Ia Grai đã giao gia đình ông Pyp tự xử lý. Đồng thời, Công an huyện Ia Grai cũng triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh trên địa bàn xã.
Trắc đỏ là loại gỗ quý hiếm, thuộc gỗ nhóm 1. Trên thị trường gỗ trắc đỏ thường có giá bán tính theo kg, từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/1kg. Ở Tây Nguyên, gỗ trắc là một trong 3 loại gỗ có giá trị cao nhất, cùng với gỗ Huỳnh đàn (hay còn gọi là gỗ Sưa) và gỗ Thủy tùng./. |
Tác giả: Phạm Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí