Đức Lĩnh có 10 thôn, trong đó 5 thôn chủ yếu trồng chanh, cam. Những năm gần đây, nhờ nắm bắt thị trường, nhiều hộ đã xây dựng vườn đồi, trồng chanh xen cam để phát triển kinh tế.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Toàn (thôn Bình Phong) có 5 ha vườn đồi. Sau 3 năm khai hoang, cải tạo, đến nay, toàn bộ diện tích đã phủ kín cam, chanh. Vườn chanh của gia đình anh cây nào cây nấy trĩu quả. Anh Toàn cho biết, 5 năm qua, nhờ trồng chanh, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Với 1.500 gốc chanh, vụ này, sản lượng ước đạt khoảng 15 tấn, doanh thu gần 300 triệu đồng.
Nhìn vườn chanh thẳng tắp, quả to đều và chứng kiến cuộc sống khá giả của gia đình chị Nguyễn Thị Thái (cùng thôn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết gia đình chị vừa thoát nghèo chỉ mới 2 năm. Gia đình chị hiện có khoảng 2 ha chanh với gần 1.000 gốc. Mùa vừa rồi thu gần 200 triệu đồng.
Chị Thái chia sẻ: “Đặc tính của chanh là trồng đâu cũng được, tuổi thọ hơn 15 năm. Trồng chanh dễ, chi phí thấp, khoảng 50 nghìn đồng/gốc. Nếu biết cách phòng bệnh sâu đục thân và bón phân hợp lý, mỗi gốc thường đạt năng suất khoảng 50 kg/mùa”. Được biết, giá chanh thương lái mua tại gốc là 22.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với mọi năm, nên nhiều gia đình có nguồn thu nhập khá.
Ông Nguyễn Xuân Thê – Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh phấn khởi cho biết: Thấy rõ hiệu quả của mô hình trồng chanh, xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, tạo điều kiện để bà con được tham gia tập huấn chuyển giao KHKT, được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế vườn đồi. Năm 2012, UBND xã đã ban hành Quyết định 97 hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân trồng chanh. Theo đó, mỗi hộ trồng 0,5-1 ha được hỗ trợ 2 triệu đồng; trên 1 ha được hỗ trợ 4 triệu đồng.
Chanh Đức Lĩnh đang dần hình thành thương hiệu. Hàng chục hộ nhờ trồng chanh có thu nhập cao, đời sống khá giả. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân Đức Lĩnh xác định phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả, chủ yếu chanh, cam là một hướng đi đúng.
Bảo Trung