Ngoại trưởng Hillary Clinton gặp người đồng cấp Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2012 - Ảnh: AP |
Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì đã tới Việt Nam dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17, một sự kiện có sự góp mặt của người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton.
Không rõ nội tình ra sao nhưng ông Dương Khiết Trì đã nói với các đối tác ASEAN một câu gây sốc: "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ, đó là một thực tế".
Trong cuộc họp báo sau đó tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã đưa ra các tuyên bố sau này được nhìn nhận như một cột mốc đánh dấu sự điều chỉnh quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp trên Biển Đông.
Bà tuyên bố "Washington có lợi ích quốc gia" trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, kêu gọi các bên tôn trọng "lợi ích của cộng đồng quốc tế".
Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các nỗ lực ngoại giao tập thể và khuyến khích các bên tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử (COC) toàn diện trên Biển Đông sau Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002.
Về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, bà Hillary khẳng định công ước này "có được sự ủng hộ lưỡng đảng" tại Mỹ và cam kết thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn công ước là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu.
Các tuyên bố của bà Hillary nhanh chóng tràn khắp các mặt báo khi đó và khiến Trung Quốc bị sốc vì không nghĩ rằng Mỹ sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông, theo New York Times.
Ông Dương Khiết Trì khi đó cũng lên tiếng gọi những phát ngôn của bà Hillary là "một vụ tấn công Trung Quốc". Mức độ ảnh hưởng từ câu nói của ông Dương Khiết Trì bao nhiêu chắc chỉ có bà Hillary biết, nhưng trước thềm ARF năm 2010 Trung Quốc đã liên tục cảnh báo Mỹ về vấn đề Biển Đông.
Theo tờ New York Times số ra ngày 23-4-2010, các quan chức Trung Quốc như trợ lý ngoại trưởng Thôi Thiên Khải và ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã liên tục bắn tín hiệu Bắc Kinh sẽ không lùi bước trên Biển Đông khi Thứ trưởng ngoại giao Mỹ James Steinberg cùng đoàn tới Trung Quốc vào tháng 3-2010.
Cả hai đều tuyên bố Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc - một sự nâng cấp đáng kể khi xem vấn đề Biển Đông ngang tầm với thu hồi Đài Loan. Ngoại trưởng Hillary sau đó cũng kể lại chuyện ông Đới Bỉnh Quốc đã nhắc lại điều này trong đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung vào tháng 5 cùng năm.
"Tôi đã ngay lập tức trả lời và nói rằng chúng tôi không đồng ý với điều đó" - bà Hillary kể lại trong cuộc phỏng vấn với tờ The Australian tháng 11-2010.
Trong hồi ký Những lựa chọn khó khăn xuất bản năm 2014, bà Hillary nhớ lại bà bắt đầu quan ngại về vấn đề Biển Đông từ sau cuộc đối thoại Chiến lược và kinh tế ở Bắc Kinh tháng 5-2010.
"Các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho sự can thiệp từ bên ngoài. Trên suốt chuyến bay trở về Mỹ, tôi đã thảo luận kỹ về điều đó với các phụ tá của mình. Tôi nghĩ họ đã quá tự mãn", cựu ngoại trưởng viết.
Trung Quốc phản đối, Philippines và Đài Loan ủng hộ Ngay trong ngày 14-7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra tuyên bố phản đối lập trường mới của Mỹ về Biển Đông và chỉ trích việc Washington bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực. Tuyên bố tiếp tục sử dụng lại các luận điệu ngụy biện cũ của Trung Quốc, chẳng hạn "tình hình tại Biển Đông nhìn chung vẫn hòa bình và ổn định" đồng thời tố Mỹ "đang phô trương cơ bắp, gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực". Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Harry Roque, thể hiện sự ủng hộ với Mỹ khi tuyên bố các yêu sách trên Biển Đông phải được giải quyết dựa trên UNCLOS 1982. "Quan điểm của chúng tôi là giải quyết các vấn đề ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế". Cơ quan ngoại giao Đài Loan trong ngày 14-7 cũng hoan nghênh động thái của Mỹ và kêu gọi Washington đưa vùng lãnh thổ này vào một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương. "Chúng tôi phản đối bất kỳ bên nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông" - người phát ngôn Cơ quan ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh. |
Tác giả: Duy Linh
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ