Nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ở xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là ngôi nhà dựng bằng tre, lợp ngói pro-xi-măng của vợ chồng ông Lê Viết Đức (81 tuổi) và bà Trương Thị Quy (57 tuổi). Dù chỉ cách thành phố Vinh khoảng 3km, nhưng 50 năm qua cuộc sống của vợ chồng ông Đức vẫn không “chịu” thoát khỏi cảnh sống cô lập, không điện, nước…
Vốn sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có, sống ở làng Hương Thủy (nay là phường Bến Thủy, TP.Vinh) nhưng sau đó lâm vào cảnh tay trắng, ông Đức cùng người chị gái dắt díu nhau ra chỏm đất cạnh sông dựng lều sinh sống.
Hơn 40 năm khổ cực sống cùng nhau, người chị của ông Đức rời bỏ ông về cõi vĩnh hằng, để lại ông Đức sống thui thủi một mình giữa đồng.
Có không ít lần người đàn ông này vào làng tìm vợ nhưng đều bị chê ngèo khổ không ai để ý. Năm 1994, biết hoàn cảnh của ông, bà Quy lúc đó đã 37 tuổi nhận lời về làm vợ. Cuộc sống của hai vợ chồng gặp nhiều khăn khi bị cô lập giữa đồng, không điện, nước… Nhiều lần bà Quy khuyên nhủ chồng quay về làng sinh sống nhưng không thành. Được gia đình nhà vợ hứa cho đất để hai ông bà chuyển ra ngoài và lập nghiệp những người đàn ông này nhất quyết không đi.
Cuộc sống của đôi vợ chồng già cứ như thế trôi qua, hàng ngày ông Đức thả lưới đánh cá còn bà Quy thì chăm lo 2 sào ruộng của gia đình. Tranh thủ ngoài những lúc đi bắt cua, ốc…bà Quy lại tìm đến các ngôi chùa lân cận xin những ngọn nến thắp dở về chiếu sáng, và gánh nước sạch về dùng. Còn mọi thứ từ tắm, giặt đều phụ thuộc vào con sông ngay bên cạnh. Theo bà Quy, vì sống lâu ở vùng đất biệt lập nên ông Đức sợ nơi nhiều người. Bên cạnh đó, trước đây nhiều người chê ông nghèo nên ông cảm thấy bất mãn với đời, không chịu tiếp xúc với ai ngoài vợ con.
Do sống tại nơi đồng không mông quạnh, bốn bề là ruộng lúa, không hàng xóm nên gia đình ông Đức nuôi được con gì đều bị kẻ trộm nẫng mất. Thậm chí khi cô con gái duy nhất của hai vợ chồng bị một số đối tượng nghiện ngập lẻn vào gạ tình, bà Quy đành đem con vào làng gửi nhờ.
Sống biệt lập nên vợ chồng ông Đức cũng không có hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần đến tận nhà vận động đi làm chứng minh nhân dân, đăng ký hộ khẩu thường trú để được nhận các chế độ nhưng đều không thành.
Do sống ở mô đất gần sông nên mùa mưa ngôi nhà thường trũng nước. Mỗi lần mưa to, căn nhà không những bị nước chảy lênh láng mà còn ngập nặng. Bà Quy còn nhớ lần thoát chết khi nước dâng cao tới nóc nhà, hai vợ chồng ngồi không ở trên mái nhà nhịn đói hơn 1 ngày mới gặp được người đánh cá đi ngang cho mì gói ăn tạm.
Căn nhà tạm bợ được dựng hàng chục năm trước nay đã mục nát. Các đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày cũng hư hỏng, cũ kỹ
Thành Trung