Pháp luật

Cặp vợ chồng “hô biến” thuốc nội thành thuốc ngoại lĩnh án

Vợ chồng Hằng mua tân dược do Việt Nam sản xuất tại các cửa hàng ở trung tâm thương mại Dược phẩm và trang thiết bị y tế ở quận 10. Sau đó, Tâm sẽ gỡ nhãn mác, bao bì, dán tem của thuốc ngoại rồi bán ra thị trường.

Ngày 25/2, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Thị Minh Hằng (sinh năm 1962, ngụ TPHCM) 7 năm tù, Trần Hữu Đồng (sinh năm 1968, chồng Hằng), Dương Hồng Sơn (sinh năm 1976, ngụ Phú Yên) và Trần Hữu Tâm (sinh năm 1965, anh trai Đồng) cùng 5 năm tù, Nguyễn Đình Thanh (sinh năm 1970, ngụ Bình Định) 3 năm 6 tháng tù, Võ Văn Thao (sinh năm 1977, cùng ngụ TPHCM) 3 năm tù cùng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo trạng, vợ chồng Đồng bắt đầu sản xuất, mua bán tân dược giả từ tháng 10/2016. Theo lời khai, Hằng hoặc Tâm sẽ mua tân dược do Việt Nam sản xuất tại các cửa hàng ở trung tâm thương mại Dược phẩm và trang thiết bị y tế ở quận 10 (TPHCM). Sau đó, Tâm sẽ gỡ nhãn mác, bao bì, dán tem của thuốc ngoại rồi bán ra thị trường.

Sáng 20/9/2017, khi Tâm đang chở 2 thùng chứa 230 hộp thuốc giả các thương hiệu đi giao cho Sơn thì bị tổ công tác của Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) – Công an TPHCM bắt quả tang. Qua đó, các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán tân dược giả bị bắt giữ.

Trong vụ án này, Hằng, Sơn và Thanh là bạn hàng của nhau. Hằng vừa bán tân dược giả cho Sơn, Thanh vừa mua thuốc tân dược giả của Sơn, Thanh để bán cho người khác.

Công an xác định tem, bao bì, hộp thuốc, giấy hướng dẫn sử dụng được Hằng đặt Thao thiết kế và in. Ngoài ra, Hằng còn bán thuốc giả cho một người tên Trường (không rõ lai lịch) ở tỉnh Nam Định.

Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Các bị cáo cho rằng, bản thân các bị cáo nhận thức rõ việc tổ chức, sản xuất, mua bán thuốc tân dược giả là vi phạm pháp luật nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã cố ý thực hiện hành vi để thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, các bị cáo cũng xin HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình các bị cáo, từ đó xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước về quản lý thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, ngoài ra còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và lợi ích vật chất của người tiêu dùng nên cần xử lý nghiêm.

Trong vụ án này, bị cáo Hằng là người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp tìm kiếm người sản xuất và tiêu thụ thuốc giả. Bị cáo Đồng là chồng của Hằng, trong quá trình chung sống, Đồng biết và phụ giúp Hằng sản xuất thuốc giả. Các bị cáo còn lại trong vụ án phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP