Sự việc một cặp đôi khán giả bị tung ảnh thân mật thái quá trong một rạp CGV đang gây nên nhiều tranh cãi. Một mặt ý kiến cho rằng cặp khán giả trên đáng chê trách vì có hành động không nên làm chỗ công cộng, mặt khác nhiều người cảm thấy không thoải mái khi ngồi trong rạp mà vẫn có thể bị camera quay bất cứ lúc nào.
Khó xác định thiệt hại để đòi bồi thường
Theo luật sư, cặp đôi này có thể yêu cầu rạp bồi thường thiệt hại nhưng việc chứng minh thiệt hại (hoặc ít nhất là xác định rõ số tiền thiệt hại) để yêu cầu bồi thường là rất khó. |
Việc khán giả bị phát tán hình ảnh khi đang ngồi trong rạp đặt ra hai vấn đề: Một khi hình ảnh cá nhân trong rạp bị chụp và phát tán ra ngoài thì khán giả có quyền kiện rạp chiếu hay không và liệu rạp chiếu có phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Chia sẻ với VietNamNet, một luật sư tại TP.HCM (xin giấu tên) phân tích về sự việc trên như sau:
Bộ luật dân sự bảo vệ ba quyền gồm:
1. Quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 35)
2. Quyền đời sống riêng tư (Điều 38)
3. Quyền hình ảnh (Điều 32)
Trong đó, Quyền hình ảnh thì không quy định về việc muốn thu thập hình ảnh phải xin phép mà chỉ quy định việc sử dụng hình ảnh đó mới phải xin phép. Vì thế, việc đặt camera và thu thập hình ảnh có thể không vi phạm Điều 32. Nhưng nó có thể vi phạm Điều 38.
Điều 38 nói rõ: "Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".
Vậy nếu khách hàng cho rằng đây là đời sống riêng tư của họ và bị thu thập, lưu giữ thông qua hệ thống camera mà họ không đồng ý thì bắt buộc CGV phải chứng minh rằng họ đã thông tin cho khán giả biết việc có camera trong phòng chiếu.
Nếu CGV không chứng minh được rằng đã thông tin đầy đủ cho khán giả việc có camera thì xem như việc họ thu thập hình ảnh của khán giả là có thể sai, nếu khán giả nói rằng hình ảnh thu thập là đời sống riêng tư của họ.
Trường hợp này thì khán giả có quyền yêu cầu hủy bỏ hình ảnh đó và bồi thường thiệt hại (nếu có). Nhưng việc chứng minh thiệt hại (hoặc ít nhất là xác định rõ số tiền thiệt hại) để yêu cầu bồi thường là rất khó.
Hình ảnh khán giả trong phòng chiếu được camera an ninh ghi lại. |
Rạp chiếu phim có phải khách sạn với nhà nghỉ đâu!
Mặc dù vậy phần đa khán giả đánh giá hành động của cặp đôi trong rạp chiếu không chuẩn mực. Độc giả Nguyễn Thu Hằng viết: "Tôi nghĩ cặp đôi khán giả kia đáng bị lên án, sao họ có thể coi rạp chiếu phim như phòng ngủ thế nhỉ? Phải giáo dục ý thức cho khán giả khi đến những chỗ như thế này để khỏi ảnh hưởng đến người khác".
Trong khi đó, khán giả Thu Hồng chia sẻ: "Tôi thấy chuyện không có gì mà ầm ĩ. Rạp chiếu phim là chỗ công cộng, sao lại yêu cầu quyền riêng tư nhỉ? CGV sai khi để ảnh chụp khán giả trong rạp lộ ra ngoài nhưng khán giả vô ý thức như thế cũng đáng chê trách khi làm ảnh hưởng đến người khác trong rạp".
Một khán giả bình luận vui rằng phải phát tán những hình ảnh kiểu này cho bớt những khán giả 'vô học' đi xem phim làm ảnh hưởng người khác đi. Chị Lê Phương Hiền cũng đồng tình: 'Tôi nói thật là CGV làm đúng! Quyền riêng tư gì ở chỗ công cộng! Có phải khách sạn với nhà nghỉ đâu mà còn lên án là xâm phạm quyền riêng tư!'. "Nhưng vào rạp mà cảm giác bị quay cũng thấy phiền thật", một khán giả lên tiếng.
Trước mỗi suất chiếu, hệ thống rạp luôn phát đi clip về các nội quy trong rạp với các điều khoản không dùng điện thoại, không đạp chân lên ghế người khác, không gây ồn ào trong rạp.... nhưng vẫn có rất nhiều khán giả vi phạm gây khó chịu cho những người xem khác.
Mặc dù không có quy định nào cấm các cặp đôi có hành động thân mật thái quá trong rạp nhưng ban quản lý rạp có quyền mời các đối tượng này ra ngoài nếu gây ảnh hưởng cho những người xung quanh.
Tác giả: Quỳnh An
Nguồn tin: Báo VietNamNet