Trung Quốc

Cảnh giác cao độ với mưu đồ thâm độc của TQ ở biển Đông

Việc Trung Quốc (TQ) đang xây dựng tại các đảo chìm ở Trường Sa, bao gồm Gạc Ma của Việt Nam, đang gây ra những mối đe dọa nguy hiểm, không chỉ cho vùng biển xung quanh, mà cho cả các tuyến đường hàng hải. Nếu TQ tiếp tục phát triển các đảo này thành căn cứ hậu cần, thì mức độ nguy hiểm còn tăng hơn nữa. “Sẽ có ngày, họ sẽ kéo giàn khoan vào đây” – Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao – nhận định với Báo Lao Động.

Căn cứ của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Đình Quân
TQ đưa cần cẩu, máy xúc, tàu tiếp liệu đến các đảo ngầm
Thưa ông, hình ảnh những con tàu TQ được cho là chở vật liệu, thiết bị để xây dựng đảo nhân tạo tại các bãi đá ngầm ở Trường Sa được đưa gần đây trên báo chí nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về động thái này?
– Những diễn biến gần đây trên Biển Đông diễn ra nhanh và phức tạp, cả vụ giàn khoan Hải Dương 981 lẫn khu vực Trường Sa. Đặc biệt, TQ đang xây dựng trái phép ở những vị trí chiếm đóng trái phép như Gạc Ma, Huy-gơ, Châu Viên và gần đây là Chữ Thập. TQ đã vận chuyển vật liệu xây dựng, bơm hút cát và nhiều trang thiết bị, dụng cụ xây dựng như cần cẩu, máy xúc, tàu tiếp liệu, tàu bảo vệ với quy mô lớn ở khu vực này.
Tôi cho rằng điều này nằm trong tính toán tổng thể của TQ, những bước đi quyết liệt để tạo ra thế cân bằng mới. Nếu được xây xong, nó sẽ tạo ra tương quan lực lượng mới, phá vỡ thế nguyên trạng biển Đông và tạo ra thách thức đến hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.
Những thách thức mà ông đề cập là gì?
– Về quân sự, nếu TQ gia tăng đồn trú lực lượng hải quân, không quân sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng. Vì, qua theo sơ đồ đăng tải trên báo chí TQ, cho thấy nhiều khả năng họ sẽ xây dựng một căn cứ hải quân đồ sộ, có cả âu tàu dân sự và quân sự, có thể đồn trú những tàu trọng tải lớn. Điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm, không chỉ cho vùng biển xung quanh, mà cho cả các tuyến đường hàng hải và ảnh hưởng đến hòa bình ở Đông Nam Á nói riêng, Đông Á và trên toàn thế giới nói chung. Song, nếu TQ tiếp tục phát triển nó lên thành một căn cứ hậu cần, thì còn nguy hiểm hơn nữa. Vì sẽ có một ngày, họ sẽ kéo giàn khoan vào đây.
Theo quan sát của tôi, sau khi hoàn thành cơ bản căn cứ Tam Á ở Hải Nam, thì TQ đưa giàn khoan Kan-ta 3 vào khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ (năm 1997 và 2002 – PV). Khi đã có vị thế tương đối rõ ràng ở Hoàng Sa, TQ đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa của VN. Với hành động này, TQ đã tự bác bỏ các cam kết chính trị giữa hai nước, và với cả cộng đồng quốc tế. Nếu hoàn thành cơ sở tại Trường Sa, thì TQ không chỉ kéo giàn khoan, mà còn đưa cả những lực lượng khác vào, tạo ra các căng thẳng mới trong khu vực.
Các đảo ngầm này nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ các tuyến đường vận tải hàng hải quan trọng. Nếu TQ tập trận, cấm biển, cấm đánh bắt cá chẳng hạn, thì hiểm họa sẽ khôn lường.
TQ muốn khống chế và kiểm soát hoàn toàn Biển Đông
Tổng thống Philippines cho biết nước này đang điều tra về việc TQ xây đảo ở Trường Sa. Vậy VN có tiến hành điều tra tương tự không thưa ông?
– Về tuyên bố của Philippines, tôi cho rằng có lẽ cũng không cần điều tra, vì nó quá rõ ràng. Với khả năng vệ tinh, với trình độ tình báo và công nghệ hiện nay, Philippines có thừa khả năng kiểm chứng. Theo tôi biết, các nước có trình độ tiên tiến như Mỹ, Nhật cũng đã biết những vi phạm này của TQ. Trong bối cảnh đó, tôi tin rằng lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cũng đã nắm được các động thái này.
Hiện VN đang tính toán để có những biện pháp cụ thể bằng nhiều cách khác nhau, không chỉ trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981, mà tổng thể về vấn đề biển Đông. Quan trọng là cần có những biện pháp hiệu quả, thiết thực để thực hiện tốt nhất việc bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời phải đảm bảo môi trường hòa bình ổn định. Tương tự việc ta vừa phải “tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe cả cơ thể”.
Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, phải chăng chỉ là cái cớ thu hút chú ý của dư luận, trong lúc TQ âm thầm xây các căn cứ hải quân ở các đảo đá ngầm tại Trường Sa, thưa ông?
– Xây dựng đảo nhân tạo chỉ là một mục tiêu trong mưu đồ tổng thể, khống chế và kiểm soát hoàn toàn biển Đông. Cũng có thể có lý do khác, là do nội bộ, đấu tranh quyền lực của TQ, họ muốn đẩy căng thẳng ra ngoài. Có thể TQ muốn thử thách phản ứng của Mỹ và ASEAN. Nhưng nhân tố mấu chốt, tôi cho rằng TQ muốn biến những nơi không có tranh chấp thành có tranh chấp.
Vậy giàn khoan chỉ là một bước đi đầu tiên của TQ?
– Đúng vậy.
Có nghĩa ta phải tính đến một cuộc đấu tranh lâu dài?
– Đúng thế. Ngay kể cả vấn đề giàn khoan Hải Dương 981, quá trình đấu tranh cũng vô cùng cam go và phức tạp, thậm chí kéo dài. Còn những vấn đề khác, thì càng lâu dài hơn, vì chiến lược của TQ là “gặm nhấm từng bước”. Quan trọng phải tính toán thế nào để đảm bảo phục vụ 2 mục tiêu chiến lược: Xây dựng đất nước, trong đó phải giữ vững hòa bình ổn định và tranh thủ các điều kiện thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Hai mục tiêu này phải đi song hành với nhau.

Xin cảm ơn ông!

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP