Nhưng giờ thì đi dọc đường làng ngõ xóm để gặp được những chú chó cũng hiếm vì nạn “cẩu tặc”. Và một nghịch lý, đáng lẽ chó giữ nhà, nhưng giờ thì nhà nhà…đang phải giữ chó.
Bà Hoàng Thị Nhị ở thôn Vĩ`nh Gia cho biết: “Dạo này nhà ai có chó là bị mất trộm hết, xóm nhà tui lúc trước nhà ai cũng nuôi chó nhưng cứ sau mỗi đêm là hết nhà này tới nhà kia bị bắt trộm mất. Nhà tui trước cũng nuôi nhiều nhưng bị bắt trộm mất 2 con rồi nên thôi giờ chỉ dám nuôi một con giữ nhà nhưng cũng sợ mất”.
Ở vùng quê này, trời chưa tối nhưng nhà nào có chó đều phải nhốt kín trong nhà kẻo sểnh ra là mất mà chẳng biết kêu ai. Dịp lễ Tết, bọn cẩu tặc lộng hành, người dân ấm ức chỉ biết chửi đổng.
Bà Hanh, một người vừa mất hai con chó to trong làng Vĩnh Gia, than: “Cứ đà này thì ai mà dám nuôi chó nữa. Cứ nuôi được con nào lớn thì bị bắt trộm tốt nhất là không nuôi cho đỡ mất…”.
Thủ đoạn trộm chó của bọn “cẩu tặc” rất tinh vi và điêu luyện, đến độ có người dân còn đùa rằng chúng trộm chó một cách rất… nghệ thuật. Theo người dân địa phương, những tên “cẩu tặc” đa phần là những thanh niên trẻ tuổi hư hỏng, ham mê đánh bài bạc, lô đề, thậm chí nghiện ngập.
Chúng ăn cắp chó để bán lấy tiền ăn chơi. Mỗi đêm, có khoảng 2 – 3 thanh niên ngồi trên một chiếc xe máy không có biển số chạy khắp đường làng ngõ xóm. Trước đây, chúng bắt chó chủ yếu với một sợi xích đã chuẩn bị sẵn, hễ thấy chó là quăng dây và sau đó siết chặt cổ chó rồi kéo chạy. Nhưng bây giờ dân tình cảnh giác hơn nên dân trộm chó chế tạo ra những “đồ nghề” rất tinh vi. Đó là những chiếc kích điện được chế tạo từ ắc quy, khi bị điện giật, chó ngất mà không có tiếng sủa. Có lúc chúng lại dùng miếng bả chó bằng thịt cá thơm nhử chó, khi ăn phải chó sẽ “bất tỉnh”. Lúc đó, cẩu tặc chỉ việc xách chó đi.
Nhiều nhà mất chó ngay trước mặt mình mà đuổi cũng không được. Vì bọn ăn cắp chó thường chạy tốc độ cao và rất liều lĩnh. Khi bị truy đuổi chúng có cả dao, kiếm, nỏ bằng cao su, thậm chí cả súng để chống cự người đuổi theo. Nhiều người dân biết rõ đối tượng bắt chó là ai nhưng cũng đành xem như không biết, cũng không dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trả thù. Vì thế, nạn trộm chó ngày càng hoành hành ngang ngược.
Mất chú chó giữ nhà, các gia đình trong xã Song Lộc lại canh cánh nỗi lo với nạn trộm cắp như trộm lợn, gà vịt và lớn hơn là mất những đồ đạc quý giá khác trong gia đình. Điều này gây mất trật tự xã hội ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân trong xã. Theo bà Hoàng Thị Hanh: “Bị mất trộm chó thì xem như mất “người” giữ nhà, đàn gà lớn trong gia đình cũng bị trộm hết. Có gì quý giá trong nhà thì lúc nào cũng phải cảnh giác. Trước kia có chó, trộm còn dè chừng”.
Đối với người dân quanh năm chân lấm tay bùn nơi đây, chó không chỉ giữ nhà mà còn là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Anh Phan Tân một thanh niên xóm than rằng: “Ở quê nhà tui giờ con chó vừa cũng bằng cả tạ thóc, con lớn thì tới tiền triệu, là tài sản lớn ở trong nhà, nhưng mất thì chả biết kêu ai. Nếu tính trong năm qua xã tôi tính ra có gần trăm con chó bị trộm bắt mất nhưng những biện pháp để chống nạn trộm chó vẫn ít được triển khai, chỉ có người dân tự đưa ra giải pháp đối phó với bọn trộm. Nhiều hộ dân ở xã Phú Lộc đã có những hành động bột phát. Đơn cử, khi bắt được xe của lũ ăn trộm chó thì đem đốt. Còn bọn trộm chạy thoát. Đây chỉ là hành động tự phát không đem lại hiệu quả”.
Khi phóng viên tìm hiểu về nguyên nhân và giải pháp để đối phó với vấn nạn trộm chó, chính quyền, công an địa phương từ chối trả lời.
Không chỉ vùng quê này mà nhiều nơi khác cũng đang chịu chung một vấn nạn. Trộm chó hoành hành, người dân bức xúc và khi bắt được “cẩu tặc”, người dân quá khích không chỉ đốt xe mà giết chúng.
Khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn nạn trộm chó, hẳn sẽ còn nhiều chuyện đau lòng dễ xảy ra…
Thế Lực (CLB Bút Trẻ)
PLVN