Ông Phúc cho biết, cá nhân ông đã từng có thư gửi cho Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vào thời điểm đưa ra kết luận đúng, sai trong việc cấp giấy phép 70 năm cho Formosa.
“Tôi luôn đặt câu hỏi khi tỉnh Hà Tĩnh nói được phép của Chính phủ mới cấp 70 năm, vậy sự đồng ý của Chính phủ được thể hiện dưới hình thức nào? Có bút phê tại văn bản hay chỉ đồng ý chủ trương bằng miệng? Tôi được biết, về việc này phía Thanh tra Chính phủ nói không có bút tích nào. Song qua báo chí, ông Võ Kim Cự lại nói “hồ sơ văn bản giấy tờ vẫn còn đây”. Như vậy cần phải minh bạch, công khai xem ai đồng ý, cấp nào đồng ý? Các bộ đồng ý như thế nào để người dân hiểu tường tận vấn đề”, ông Phúc nói.
“Theo tôi, chỗ nào tỉnh còn thiếu sót về quy trình, thủ tục thì nhận đi. Thiếu sót chỗ nào thì nên thẳng thắn, công khai thừa nhận và tiến hành kiểm điểm về những thiếu sót theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ”, ông Phúc nêu quan điểm.
“Rõ ràng Formosa có ý đồ về lợi nhuận mà không có trách nhiệm xã hội. Vì lợi nhuận mà tiết giảm chi phí xử lý môi trường, bởi nếu xử lý môi trường theo chuẩn mực quốc tế thì phải mất từ 20 – 30% tổng vốn đầu tư, nghĩa là với dự án 10 tỷ USD của Formosa phải mất chi phí 2 tỷ USD để xử lý môi trường”, ông Phúc nói và cho rằng việc Formosa có tai tiếng về vi phạm môi trường chính là một yếu tố, một tình tiết để cân nhắc khi thẩm định, cấp phép đầu tư.
“Dù đã phân cấp cho địa phương, tuy nhiên việc thẩm định về môi trường vẫn phải có vai trò, trách nhiệm của Bộ TN&MT, bởi vấn đề công nghệ, môi trường có thể nói là vượt quá năng lực của địa phương”, ông Phúc nói.
Luân Dũng