Trải qua các thủ tục cần thiết tại nhà tang lễ, thi thể người chết sẽ được chuyển tới hệ thống lò hóa thân để trở về với cát bụi.
Sau quá trình chuẩn bị, thi thể người quá cố sẽ được đưa tới khu vực thiêu để sẵn sàng cho quá trình hỏa táng.
Thi thể người quá cố được đưa vào lò thiêu. Tùy mỗi cơ sở mai táng, quá trình này có thể được thực hiện bằng máy hoặc hoàn toàn do sức người.
Buồng đốt được thiết kế đặc biệt với nhiệt độ lên tới hàng ngàn độ sẽ thiêu cháy mọi chất hữu cơ, để lại phần tro cốt của người quá cố. Trung bình, mỗi người trải qua quá trình hóa thân sẽ để lại khoảng 1,4 – 4,1 kg tro cốt. Tro cốt này có thể là mảnh xương nguyên hình dạng hoặc đã được làm vỡ vụn.
Sau khi kết thúc quá trình thiêu, phần cốt của người quá cố sẽ được đưa ra ngoài để làm nguội hoặc để nguội ngay bên trong lò.
Sau đó, phần tro cốt sẽ được nhân viên nhà tang lễ đưa vào lưu trữ bên trong những chiếc bình chuyên dụng trước khi trả về cho gia đình tang chủ.
Tùy quyền quyết định của mỗi gia đình ở những quốc gia khác nhau, tro cốt người quá cố có thể được chôn, gửi vào chùa hoặc nhà thờ hay thậm chí là được rải ra sông hoặc biển.
Tuy nhiên, việc sử dụng đài hóa thân không phải là cách hỏa táng ở nhiều quốc gia. Tại một số nước, họ sử dụng củi và các vật liệu dễ cháy khác để người quá cố trở về với cát bụi. Phương thức hỏa táng này được diễn ra ngoài trời, trước sự chứng kiến của thân nhân, bạn bè người đã khuất.
Công nghệ tối tân còn giúp người Mỹ có cách hỏa táng không cần dùng lửa. Phương thức “hỏa táng xanh” chỉ cần dùng nước, kali hydroxit và nhiệt độ sẽ làm phân rã thi thể người quá cố bên trong một buồng thép kín. Không chỉ thân thiện với môi trường, phương pháp “hỏa táng xanh” còn cần ít thời gian hơn so với cách hỏa táng truyền thống.
Hồng Duy
Theo Infonet