Cẩm Xuyên

Cẩm Xuyên: Bán lúa, vay tiền ngân hàng để đóng phí cho thôn!

Trung bình mỗi người dân thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mỗi năm phải đóng cho thôn hơn 1 triệu đồng. Sự việc kéo dài nhiều năm liền thực sự khiến người dân… kiệt sức.

>> Cẩm Xuyên: “Hoa mắt” với những khoản thu “lạ”

>> Về nơi xôn xao vì ‘sưu cao thuế nặng’ của Hà Tĩnh

>> Lạm thu ở Can Lộc: Thu chi vô lý

Thu nhập không đủ nộp quỹ, phí

Xã Cẩm Bình là một trong số 7 xã về đích Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2013. Trong quá trình phấn đấu đạt đích NTM, người dân trong xã nói chung và thôn Tân An nói riêng đã luôn đồng hành, đóng góp sức người, sức của để thực hiện mục tiêu chung.

Thế nhưng sức dân có hạn, khi chưa được “nghỉ ngơi” về đóng đậu, giờ đây người dân thôn Tân An lại phải lao vào một cuộc “vận động” đóng góp “khủng” hơn, hoành tráng hơn. Bởi Tân An là một trong số những thôn được tỉnh Hà Tĩnh chọn để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Bà Thanh lo lắng không biết lấy tiền đâu để đóng cho thôn
Bà Thanh lo lắng không biết lấy tiền đâu để đóng cho thôn

Trong quá trình viết bài về những bi kịch tại khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Tân An, chúng tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện nghe thật đau lòng.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1957, ở thôn Tân An) sống một mình và là hộ cận nghèo. Nguồn thu nhập của bà chủ yếu dựa vào 2 sào ruộng và khoảng 1 sào đất vườn.

“Năm 2014, tôi phải đóng cho thôn 1,9 triệu nhưng tôi chỉ mới đóng được 1,3 triệu đồng. Năm 2015, cả nợ cũ và khoản đóng mới tôi phải nộp hơn 2,8 triệu đồng. Nhưng hiện tôi chưa có tiền để đóng”, bà Thanh cho biết.

Những người hàng xóm đang có mặt tại nhà bà Thanh tính toán, với 2 sào ruộng trồng lúa nếu được mùa thì cũng đạt khoảng gần 2 tạ lúa/sào. Như vậy, sau khi trừ tất cả các chi phí sản xuất, một năm bà Thanh chỉ còn lại hơn 1,4 triệu đồng từ làm lúa.

anh-5-0a2f2

Anh em, các cháu cho tiền, rồi vay mượn bà Thanh mới cất được căn nhà cấp 4 như thế này để che nắng che mưa

Ngoài ra bà còn nuôi thêm được vài con gà nhưng cũng phải chi tiêu hết sức tằn tiệm mới đủ sống. Thế nhưng hằng năm bà phải đóng gần 2 triệu tiền phí, quỹ cho thôn. Đó là chưa kể tiền đóng cho xã.

“Thỉnh thoảng vào dịp tết các cháu, anh em có cho tôi một vài đồng để tiêu. Nhưng cũng dồn hết để mà đóng cho thôn”, nghe bà Thanh kể tới đây những người có mặt ai cũng chạnh lòng.

Khi chúng tôi hỏi, với các khoản đóng đậu năm 2015 (gộp cả nợ cũ) lên tới gần 3 triệu đồng thì xoay xở ở đâu ra, bà Thanh lắc đầu không biết. “Tôi là hộ cận nghèo nhưng không được miễn giảm gì cả. Tôi cũng không biết lấy tiền đâu để đóng”.

Trong căn nhà cấp 4 trống tuếch không có tài sản gì đáng giá. Có lẽ thứ tài sản duy nhất còn lại của bà là đôi bông tai được các cháu tặng. Đó là báu vật phòng thân về già của bà.

Nợ nần…

Những ngày này, khi về thôn Tân An, câu chuyện về đóng đậu các khoản phí, quỹ mà thôn đặt ra thực sự nóng. Và nó dường như đã vượt quá sức chịu đựng của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Vịnh bức xúc cho biết: Trước đây, trong quá trình xây dựng NTM chúng tôi đã đóng góp sức người, sức của để xã đạt được mục đích đặt ra. Nhưng nếu giờ tiếp tục cứ huy động người dân như vậy thì rất quá. Quá sức dân rồi, chúng tôi không thể chịu nổi”.

anh-7-096de
Ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết hiện giờ nhà nào cũng nợ tiền của thôn

Ông Vịnh cũng cho biết thêm, hiện giờ hầu như nhà nào cũng đang nợ thôn. Nhiều gia đình đã thực sự bị đẩy đến bước đường cùng vì nợ nần, vì các khoản đóng đậu thôn đề ra.

Cũng từ các khoản đóng đậu này của thôn đã đẩy gia đình anh Nguyễn Trần Hùng (35 tuổi) rơi vào cảnh túng quẫn, bế tắc.

Gia đình anh có 2 người con: đứa đầu 4 tuổi, đứa thứ 2 là 2 tuổi rưỡi. Hiện gia đình anh chưa có nhà và phải đi thuê một căn nhà rộng chỉ khoảng 17m2 của người em gái để sống.

Năm 2015 gia đình anh phải đóng đến 4,9 triệu đồng. Trong đó 2 đứa con của anh cũng phải đóng một số loại phí như giao thông nông thôn là 400 nghìn đồng/người.

Anh Hùng cho biết: “Vợ thì ở nhà làm ruộng và trông con, tôi thì đi buôn bán lặt vặt để trang trải cuộc sống hằng ngày. Năm 2013 tôi có vay ngân hàng 38 triệu để làm ăn. Tôi mua một chiếc xe máy. Tôi phải lấy gần 10 triệu trong tổng số tiền đi vay để đóng các khoản phí cho thôn”.

anh-6-129bd
Anh Nguyễn Trần Hùng cho biết: Nếu tình trạng thu của thôn cứ kéo dài như thế này thì tôi không sống nổi

“Nếu như tình trạng thu chỉ diễn ra 1 năm thì có thể là do sai sót, chứ đằng này kéo dài nhiều năm liền rồi. Nó không sát thực tế đời sống của dân, đó là quan liêu. Nếu cứ tiếp tục thu như thế này nữa chắc chúng tôi không sống nổi”, anh Hùng tâm sự.

Theo điều tra của chúng tôi thì mỗi năm, một người dân thôn Tân An phải đóng cho thôn hơn 1 triệu đồng…

Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Xuân Sinh/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP