Giáo dục

"Cải tiến chữ quốc ngữ" của PGS Bùi Hiền được cấp bản quyền

Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã chính thức cấp bản quyền cho tác phẩm Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền.

Ngày 29/12/2017, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chính thức kí và cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm “Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ” của PGS.TS Bùi Hiền (Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) về tác phẩm “Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ”.

Theo PGS Hiền, ông đã mất hơn hai tháng để chuẩn bị cho việc đăng ký này. “Việc làm này là để phòng tránh hành động xuyên tạc của một số người không đồng tình với công trình của tôi”, PGS cho hay.

Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền tác giả (ảnh: Đ. Cường)

Cũng theo PGS Bùi Hiền, sau khi báo chí đưa tin về công trình nghiên cứu của ông, đã có không ít người sử dụng chữ của ông để viết xuyên tạc những câu thơ trong tác phẩm "Truyện Kiều" nhưng lại viết sai.

"Tôi đăng ký bản quyền không phải vì sợ người khác xâm phạm nghiên cứu của mình. Tôi hoan nghênh mọi người sử dụng chữ viết mới trong cuộc sống hoặc nhằm nghiên cứu khoa học. Tôi làm vậy chỉ để ngăn chặn những trường hợp sử dụng chữ cải tiến của mình với mục đích xấu”, PGS Bùi Hiền nói.

Ngày 12/1/2018, PGS Bùi Hiền công bố toàn tập tác phẩm "Truyện Kiều" bằng “Tiếw Việt” (công bố lần 1 là “tiếq Việt”). Ông cho biết, mình mất 10 ngày để “chuyển thể” ngôn ngữ tác phẩm “kinh điển” này nhằm thử nghiệm bởi lần đầu công bố, ông chỉ viết văn bản vỏn vẹn trong một trang giấy.

PGS Hiền cho hay: “Tôi biết sẽ có những người không đồng quan điểm về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của tôi trước đó, nhưng đó là việc của họ. Công việc nghiên cứu là quyền, là đam mê và sở thích của cá nhân tôi chứ không bắt ép ai phải tin hay dùng chữ cải tiến cả.

Việc chuyển thể toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát của tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến cũng là việc nên làm để cho những ai muốn nghiên cứu có thể tham khảo thêm”.

Ông lý giải, sở dĩ mình chọn Truyện Kiều vì đây là một tác phẩm mang nhiều giá trị nghệ thuật của nền văn học Việt Nam. Bao thế hệ người Việt từ xưa đến nay, ai ai dù ít nhiều cũng đều biết tới Truyện Kiều.

PGS Bùi Hiền cho rằng: Nhiều người rất thích Truyện Kiều, nên khi chuyển sang “tiếw Việt” thì khả năng đón nhận của nhiều người có thể sẽ cao hơn là chuyển một tác phẩm văn học nào khác.

Tác giả bộ chữ cải tiến mới cũng cho hay, sau khi công bố tác phẩm, ông tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng từ các nhà khoa học và dư luận để sửa đổi, hoàn thiện hơn bộ chữ tiếng Việt.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP