Một trong số những văn bản “trên trời” bị dư luận “ném đá.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, một chuyên gia ngành luật đã phải thốt lên: “Cứ đà này có khi người ta quy định mỗi tuần người chồng được ngủ với vợ mấy lần!”. Ai cũng biết, đây chỉ là cách nói trào phúng, thể hiện sự quan ngại sâu sắc với tốc độ “ra lò” của những văn bản “trên trời”. Thế nhưng, thẳng thắn mà nói, rất nhiều người cũng sẽ đồng cảm với nỗi lo ấy. “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” đã và đang trở thành cách gọi chua chát mà dư luận dành cho những văn bản ban hành kiểu “trời ơi đất hỡi”.
Một trong những ví dụ kinh điển cho việc ra văn bản “trên trời” là quy định “bán thịt trong vòng 8 tiếng”. Vừa mới “ra lò”. Phát kiến trên đã bị phản đối kịch liệt vì tính phi thực tế với điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Ai sẽ kiểm soát “tuổi” của thịt? Ai là người xử lý vi phạm nếu phát hiện thịt để quá thời gian 2 ngày? Câu hỏi trên chẳng ai trả lời được. Phát kiến “thịt 8 tiếng” đã được dư luận bình chọn là một trong những quy định gây tranh cãi nhất của năm 2012. Vậy là, “ra lò” chưa lâu, nó đã…”chết yểu”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều văn bản, đề xuất “trời ơi đất hỡi” được ban hành trong thời gian qua. Những quy định kiểu viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30°C; xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức đổ rác không đúng nơi quy định; UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông… đã trở nên không hiếm trong “rừng luật” hiện nay.
Theo TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp), năm 2014 cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện ra 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức. Trong số này, số văn bản do bộ ngành ban hành là 46 và các địa phương là 588. Cũng trong năm 2014, có 5 cán bộ ở các bộ ngành bị kỷ luật, điều chuyển công tác khác do xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái thẩm quyền, quy định “trên trời” không phù hợp với thực tế, gây bức xúc dư luận.
Tất nhiên, khi những văn bản mà vừa phát đi đã bị dư luận “ném đá” tự nó sẽ hết “đất sống”, thế nhưng, điều dư luận băn khoăn, tại sao mật độ của nó lại dày như vậy? Với chỉ 5 cán bộ bị xử lý, điều chuyển công tác, liệu có quá ít? Vẫn biết, việc xử lý trên là tiền lệ tốt nhưng nếu cứ ra đề xuất, văn bản trên trời” rồi ung dung tại vị hoặc bị xử lý bằng cách điều chuyển sang vị trí khác thì khác gì “ném đá ao bèo”?
Văn bản trong “phòng lạnh” sẽ… thành vô cảm?
Ông Đỗ Văn Ân |
Trong khi đó, cũng trao đổi vói PV, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xuất hiện những văn bản trái luật, trái thẩm quyền, thiếu thực tế do trình độ của người xây dựng. Qua những văn bản “trên trời” như vậy phản ánh sự xa rời thực tế, không sát cơ sở, không sát dân. Và người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ những văn bản vi phạm pháp luật đó được ban hành để phục vụ lợi ích nhóm, Lợi ích ngành nhằm cản trở đến quyền lợi, lợi ích của người dân.
Người dân có thể khởi kiện cả văn bản “trên trời”!?
Theo ĐBQH Nguyen Bá Thuyền, ở một số nước, người ta cho phép người dân kiện cả văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nếu ban hành trái căn cứ, những quy định “trên trời”. Còn ở nước ta, văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành sai gây thiệt hại, tổn thất cho dân vẫn không được khởi kiện.
“Thế nên, chúng ta cũng nên thay đổi để người dân được phép khởi kiện đối với những văn bản “trên trời”, thiếu thực tế, văn bản vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bởi không cho người dân khởi kiện, sẽ không tránh khỏi làm trái luật. Người dân có thể khởi kiện những quyết định trái quy định pháp luật ”, ông Thuyền nhấn mạnh.