Trong nước

Biệt thự ông Truyền và ngôi nhà 51m2 của Chủ tịch Trương Tấn Sang

Theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, với mức lương Bộ trưởng, phải dành dụm 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp.

Vậy là những xôn xao về hình ảnh dinh thự bề thế của ông Trần Văn Truyền – cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có vẻ như đã có lời giải.

Lời giải ấy đến từ con gái ông: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở. Sau đó, cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó!”.

Cô con gái còn tiết lộ: “Lúc đầu, mọi người khuyên ông làm cổng bằng cột và lát đá nhưng ông quyết định làm bằng sắt cho tiết kiệm”. Nếu cụ Tú Xương được nhìn thấy “chiếc cổng sắt tiết kiệm” ấy vẫn nguy nga, tinh xảo như cổng một lâu đài, chắc hẳn cụ phải làm được nhiều thơ lắm!

Nhưng dù cụ Tú Xương có trào phúng đến đâu thì lời giãi bày của con gái ông Truyền cũng không phải là không có lý, nếu chỉ xét về góc độ… tiền lương.

Theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, với mức lương Bộ trưởng, phải dành dụm 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp. Nếu lên chức Bộ trưởng lúc 50 tuổi, thì đến lúc mừng Đại thọ 90 tuổi, ông Bộ trưởng ấy mới mua được căn hộ chung cư thu nhập thấp.

Lương của một Tổng thanh tra Chính phủ khoảng 7 triệu đồng có lẽ phải tằn tiện lắm mới đủ sống trong thời đại mọi thứ đều tăng giá . Hoặc nếu có bỏ dư ra chút đỉnh, thì chắc phải…1.000 năm sau, ông mới có thể xây dựng được một dinh thự như vậy.

Có lẽ vì “thấy dưới này cuộc sống của… một ông anh vất vả” nên người em kết nghĩa của ông có “nghĩa cử” tặng ông cả một dinh thự.

Xét theo văn hóa Việt Nam, những “nghĩa cử”, hành động “bầu ơi thương lấy bí cùng” như vậy, là những việc đáng phải tôn vinh, nhưng tại sao đại đa số “bầu bí” khi đọc được thông tin, lại thấy xót xa, tủi phận?

Một bài báo đã giải mã sự xót xa này bằng một lời kết tội: “Thật tiếc, lối suy nghĩ rằng một quan chức thì không nên và không thể giàu có, không được phép thụ hưởng những giá trị vật chất cao cấp, vẫn ngự trị trong một bộ phận công chúng”.

Có thể đúng là còn lối suy nghĩ như thế thật, nhưng tại sao quan chức như ông Truyền không đi đầu trong việc xóa bỏ những suy nghĩ ấy bằng cái cách như chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng làm.

Trong một cuộc tiếp xúc cử tri tháng 10.2012, ông Sang đã công bố rõ ràng ngôi nhà mà một nguyên thủ Quốc gia đang ở chỉ có 51m2: “Tôi xin nguyện rằng kể cả khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào hết…Đừng hòng tôi lấy thêm một mi-li-mét vuông đất nào của Đảng, của Nhà nước… Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”.

Ngay cả khi ông Truyền và cơ quan chức năng chứng mình được ông “không lấy thêm một mi-li-mét vuông đất nào của Đảng và Nhà nước”, thì việc dinh thự ấy hiện diện nguy nga giữa một vùng quê nghèo, trong một đất nước nghèo, cũng vẫn là một hình ảnh gợi lên nhiều suy nghĩ.

GS Nguyễn Văn Tuấn (một người Việt Nam ở Úc) giải mã: Việt Nam là một đất nước chuyên đi xin tài trợ, ấy thế mà ở đất nước chuyên đi xin ấy lại có những quan chức xây những dinh thự như lâu đài – những dinh thự mà những quan chức ở các nước cho vay nợ, cũng không thể có được. Nếu tôi là chủ những căn biệt thự sang trọng ở nước chuyên đi vay nợ, thú thật tôi cảm thấy xấu hổ lắm!

Ông Trần Văn Truyền, khi đương chức đã có nhiều phát ngôn biểu lộ sự không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Ông kể mình đã kiên quyết nói không với những món tiền hối lộ hàng chục ngàn USD. Chẳng những thế, ông còn đưa ra những giải pháp “canh giữ cả vợ con” để bọn xấu không thể tác động, chạy chọt. Trên cương vị Tổng thanh tra, ông cũng ưu tiên việc phát hiện những sai phạm trong đất đai. Vì vậy, để bảo vệ những gì mà mình đã tuyên bố, bảo vệ hình ảnh vợ con mà ông đã “canh giữ” bấy lâu nay, cách tốt nhất là ông tự công khai bản kê khai tài sản và… mời cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mình.

Bao nhiêu phần trăm độc giả đọc bài này tin rằng ông Truyền sẽ làm như thế?

(Theo Tri Thức Trẻ)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP