Danh Nhân

Bí thư huyện uỷ Cẩm Xuyên đầu tiên Nguyễn Đình Liễn – Người cộng sản kiên trung

Xã Cẩm Hưng vùng quê hiếu học, giàu truyền thống cách mạng, quê hương đã sinh ra nhiều nhà cách mạng lổi lạc, kiên trung như tổng bí thư Hà Huy Tập, bí thư huyện uỷ đầu tiên Nguyễn Đình Liễn, đây cũng là nơi ghi dấu cho sự ra đời của Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên và sự kiện này gắn với nhà cách mạng kiên trung bí thư huyện uỷ đầu tiên Nguyễn Đình Liễn.

Đ/c Nguyễn Thanh Bình – UVTW Đảng, bí thư Tỉnh uỷ, CT HĐND Tỉnh, cùnh lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, con cháu dòng họ Nguyễn Đình hắp hương tại lễ khánh thành nhà thờ

Nguyễn Đình Liễn – Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Nguyễn Đình Liễn sinh năm 1898 tại làng Lương Điền Tổng Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng huyện Cẩm Xuyên. Sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả nhưng có tinh thần yêu nước, thương dân. Cha, mẹ Nguyễn Đình Liễn là người đã thường xuyên nuôi giấu những người hoạt động yêu nước trước khi chi bộ Đảng ra đời. Vì là gia đình có điều kiện nên từ nhỏ Nguyễn Đình Liễn được học hành tử tế, được gia đình giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân. Ông sớm nuôi chí lớn, học chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp và tìm đọc các sách báo tiến bộ.

  Năm 1918, Nguyễn Đình Liễn tham dự kỳ thi hương nhưng không đậu, nên xin đi dạy chử Hán và chữ quốc ngữ ở trường làng Hoa Dục ( nay là xã Cẩm Lĩnh huyện Cẩm Xuyên). Sau một thời gian dạy học, người thanh niên yêu nước Nguyễn Đình Liễn đã liên lạc và tham gia các hoạt động cách mạng ở Nghệ Tĩnh như: phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, đòi để tang chí sỹ Phan Chu Trinh. Đến đầu năm 1927 đồng chí Nguyễn Đình Liễn đã bắt liên lạc với em trai Nguyễn Đình Cương – là người đứng đầu nhóm thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Trị , sau  ông n đã vào Quảng Trị  tham gia hoạt động. Qua sự giới thiệu của em trai, Nguyễn Đình Liễn được kết nạp vào Việt Nam thanh niên đồng chí hội ở Quảng Trị. Cũng thời gian này  Nguyễn Đình Liễn được đọc các tài liệu, sách báo nói về chủ nghĩa cộng sản, về cách mạng tháng Mười Nga, về phong trào cách mạng thế giới… Đến giữa năm 1927, Nguyễn Đình Liễn được Tỉnh hội thanh niên Quảng Trị giao trách nhiệm về xây dựng cơ sở hội ở Hà Tĩnh. Với lòng tin tưởng và nhiệt tình cách mạng, ông bắt đầu tuyên truyền, vận động từ người thân trong gia đình, bà con thân thuộc đến những người cùng chí hướng trong tổng và huyện…Với sự hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Đình Liễn, đến cuối năm 1928 Nguyễn Đình Liễn đã thành lập được ở huyện Cẩm Xuyên một liên chi thanh niên cách mạng đồng chí hội gồm 5 chi hội với 32 hội viên do ông lãnh đạo.

Đến năm 1929 khi tổ chức hội đang trên đà phát triển, thì bị chính quyền thực dân Pháp theo dõi và đàn áp. Hai người em ruột của đồng chí Nguyễn Đình Liễn bị bắt, vào đầu tháng 7 năm 1929 Nguyễn Đình Liễn phải lánh sang Lào. Sáu tháng sau, được tin Đông Dương cộng sản Đảng ra đời, ông liền quay về quê tìm mối liên lạc để hoạt động cách mạng. Vừa mới đặt chân về đến quê nhà, ông bị mật thám Pháp theo dỏi và bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Do không đủ chứng cứ để kết tội, đến giữa tháng 1 năm 1930 thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho Nguyễn Đình Liễn.

Ra khỏi nhà lao thực dân Pháp, Nguyễn Đình Liễn tiếp tục hoạt động và qua người em rể là Đậu Văn Điếm ( Đảng viên của tổ chức Tân Việt), Nguyễn Đình Liễn bắt liên lạc với Trần Hữu Thiều – một cán bộ của Đông Dương cộng sản Dảng được cử về xây dựng Đảng bộ Hà Tĩnh.Qua đồng chí Trần Hữu Thiều, Nguyễn Đình Liễn đã biết được ngày 3 tháng 2 năm 1930 Đảng cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Và Nguyễn Đình Liễn được chuyển thành người Đảng viên đảng cộng sản đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên.

 Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Tĩnh uỷ Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Đình Liễn đã lựa chọn những đồng chí trung kiên và nhiệt tình nhất trong các tổ chức Tân Việt và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội để thành lập 4 chi bộ Đảng cộng sản ở các làng Lương Điền, Kim Nặc, Khả Luật và Kiều Mộc, đặt nền móng cho việc triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ huyện. Vào cuối tháng 3 năm 1930, Nguyễn Đình Liễn được chỉ định vào ban cán sự của huyện Đảng bộ. Đến đầu tháng 4 năm 1930 Nguyễn Đình Liễn được tham dự lớp huấn luyện do Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh mở, rồi trở về bắt tay vào việc phát động quần chúng đấu tranh nhân ngày quốc tế lao động 1 tháng 5. Lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm của Đảng và truyền đơn xuất hiện nhiều nơi trong huyện Cẩm Xuyên. Cũng thời điểm này, Nguyễn Đình Liễn lại bị tri huyện Cẩm Xuyên bắt và giải lao ra nhà lao Tỉnh. Hai tuần sau ông lại được thả ra do không đủ chứng cứ kết tội.

 Ngày 17/7/1930 tại miếu Cồn Thờ làng Khã Luật tổng Thổ Ngoạ đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên lần thứ nhất đã được tổ chức và đồng chí Nguyễn Đình Liễn được bầu làm bí thư huyện ủy đầu tiên của Huyện Đảng bộ. Sau ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đình Liễn một cao trào cách mạng mới phát triển và bùng nổ mạnh mẽ. Trong cao trào đấu tranh cách mạng 1930-1931, phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tổng Thổ Ngoạ nói riêng và huyện Cẩm Xuyên nói chung tích cực và có hiệu quả. Ngày 8/9/ 1930 đồng chí Nguyễn Đình Liễn đã trực tiếp tổ chức và lãnh đạo hàng nghìn nông dân huyện Cẩm Xuyên dương cao cờ đỏ búa liềm, rầm rộ biểu tình kéo ra thị xã Hà Tĩnh. Chính quyền thực dân và tay sai hoảng hốt, huy động binh lính tổ chức đàn áp dã man, Nguyễn Đình Liễn và nhiều người khác trong đoàn biểu tình đã bị bắt. Mặc dù bị giam cầm, tra tấn dã man, cha, mẹ, anh, em của đồng chí cũng bị bắt giam vì tội liên luỵ, nhưng đồng chí không nao núng tinh thần, một lòng một dạ giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau 4 bị tháng giam cầm với nhiều ngón đòn tra tấn tàn bạo, đồng chí Nguyễn Đình Liễn vẫn kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Bất lực trước tinh thần kiên trung, ý chí cách mạng của ông, thực dân Pháp đã giao cho Nam triều xét xử Nguyễn Đình Liễn về tội “ cầm đầu cộng sản phản loạn’’, kết an tử hình ông và tịch thu toàn bộ tài sản của gia đình. Ngày 2 tháng 1 năm 1931 thực dân Pháp và Nam triều đã xử chém đồng chí Nguyễn Đình Liễn tại chợ Hội trong ngày chợ phiên nhắm uy hiếp tinh thần của nhân dân. Với thái độ hiên ngang, trước giờ phút hy sinh, đồng chí Nguyễn Đình Liễn đã vạch trần tội ác của bộ thực dân, phong kiến và khẳng khái hô rằng: cách mạng Việt Nam nhất định thắng, tao chết nhưng nhân dân Việt Nam vẫn còn, rồi đây sẽ vùng lên đánh đổ chúng mày.

Khí phách anh hùng của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đình Liễn – người bí thư huyện uỷ đầu tiên trước giờ hy sinh đã để lại trong lòng cán bộ, Đảng viên và nhân dân huyện Cẩm Xuyên, tĩnh Hà Tĩnh  một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, tô thắm thêm cho truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của của Hà Tĩnh nói chung và Cẩm Xuyên nói riêng.

            Cảm phục trước ý chí cách mạng của người cộng sản kiên trung, trong nhà lao Hà Tĩnh bí thư Tỉnh ủy  Nguyễn Hữu Thiều đã làm đôi câu đối ca ngợi người bạn chiến đấu thân thiết Nguyễn Đình Liễn:

            Đấng trượng phu xem chết như chơi, tha hồ một lát gươm đưa, chín suối chôn sâu thù đế quốc. Bậc chí sĩ quên mình là phải, bao quản muôn trùng sóng dậy, năm châu mở rộng cửa dân quyền.

… Và công trình tri ân của ý Đảng lòng dân

Để ghi nhớ công lao, cũng như giáo dục tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Đình Liễn đến các tầng lớp nhân dân. Ban thường vụ huyện uỷ Cẩm Xuyên đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quyên góp kinh phí xây dựng nhà thờ đồng chí tại quê nhà. Việc làm này được, toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong toàn huyện, con em xa quê hưởng ứng với những tình cảm hết sức đặc biệt. Bằng lòng thành kính và niềm tri ân sâu sắc, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, huyện ủy Cẩm Xuyên đã tiếp nhận được hơn 400 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, con em xa quê. Ngay sau khi tiếp nhận nguồn kinh phí, BTV huyện ủy đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng công trình, trong quá trình thi công ban chỉ đạo đã theo dõi sát sao để xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật cao. Và vào ngày 23 tháng 7 năm 2012 nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, BTV huyện ủy Cẩm Xuyên đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành. Nhà thờ có tổng diện tích gần 100m2, được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 1400m2 tại quê nhà thôn 15 xã Cẩm Hưng, đảm bảo tính uy nghiêm, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.

Nhà thờ bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên đầu tiên được xây dựng từ tâm nguyện của ý Đảng, lòng dân không chỉ để tri ân một chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương, mà đây sẽ trở thành một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng cho thế hệ trẻ hôm nay.                                                     

Bài, ảnh: Hồng Phượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP