Những ngày này, không khí gia đình tôi u ám và buồn bã. Cả nhà tôi vẫn nước mắt sụt sùi vì nỗi đau quá lớn ập xuống. Mẹ tôi mắc bệnh hiểm nghèo rồi ra đi sau hơn 1 năm chạy chữa khắp nơi.
Dẫu biết căn bệnh ung thư chỉ biết gắng điều trị, kéo dài sự sống, cả nhà chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn bị sốc. Bởi, từ khi còn nhỏ, mấy chị em tôi đã được mẹ chăm sóc bằng tất cả tình thương.
Bố là người vô tâm, mẹ lại rất tình cảm. Mẹ tôi quanh năm buôn thúng bán mẹt, ăn chẳng dám ăn, quần áo cũ cũng chẳng dám mua, chỉ lo dành dụm tiền cho mấy con ăn học. Bây giờ, các con yên bề gia thất, có tiền nong, mẹ lại bỏ mà đi. Tôi đau lòng nhưng chẳng làm gì được, chỉ biết cầu mong mẹ sớm siêu thoát để về miền cực lạc.
|
Bố tôi không những vô tâm mà có vẻ như tình cảm với vợ không nhiều. Tôi thấy những người chồng gần nhà, dù đã 50-60 tuổi nhưng vẫn quan tâm vợ, con, đỡ đần việc này việc kia. Còn bố tôi chẳng bao giờ động tay việc gì. Ưu điểm của bố không phải là không có, cũng hiền lành, không đánh đập vợ con nhưng tình cảm không có nhiều kèm sự vô tâm nên kiểu "sống chết mặc bay".
Trong khi mẹ tôi hay lam hay làm, bố chỉ sơ mi đóng thùng đi khắp nơi, hết bàn cờ lại trà đá, rồi thể dục, lê la bạn già nói chuyện từ sáng đến tối. Có những ngày, bố quên cả giờ về, cả nhà tá hỏa đi tìm. Sau khi gọi về, bố còn cau có, mắng mỏ... nhìn mâm cơm nhà ngon lành khiến mọi người chẳng ai buồn ăn.
Ngày mẹ tôi phát hiện bệnh hiểm nghèo, cả nhà sốc lần thứ nhất. Với tôi, đó là cú sốc lớn nhất từ khi lớn lên. Tôi cũng không ngờ tai họa đó lại đến với nhà mình. Nhưng biết làm sao được, các con phải mạnh mẽ để mẹ cố gắng chữa trị. Còn bố tôi vẫn chứng nào tật ấy, bản chất thì không bao giờ sửa được.
Mẹ nằm viện, chữa trị, còn bố chạy qua chạy lại cũng chẳng mấy nhiệt tình. Có chăng nấu nồi cháo, mua ít hoa quả đưa vào, cũng chẳng nói được lời nào khiến mẹ thấy ấm lòng. Khi thấy có con cái vào viện trông, bố đã ra nhà xe đi về hoặc qua nhà bạn bè chơi. Có lúc tôi góp ý nhưng bố cũng chẳng sửa. Nói thật là người lớn đầu hai thứ tóc rồi, đâu phải trẻ con mà mình cứ lẽo đẽo nhắc nhở mãi được.
Ấy vậy mà khi mẹ tôi xuất viện, thấy ai đến thăm bố đều bóp tay bóp chân, ra vẻ quan tâm chu đáo rồi nước mắt sụt sùi. Nhưng trước đó hay sau khi khách về, bố lại quan tâm những thứ khác, mặc kệ mẹ và các con tự xoay sở. Mỗi khi con cái nhờ hỗ trợ, bố lại cau có rồi chẳng muốn động vào.
Có lần họ hàng từ quê lên chơi, thăm mẹ, cả ngày bố đon đả pha sữa, bón cháo, rồi hỏi han đủ thứ, bóp tay bóp chân... cả nhà ai cũng thấy lạ. Nhưng điều này chỉ kéo dài được mấy chục tiếng, sau đó đâu lại vào đấy. Con dâu con rể nhìn mà chán nản, nhưng cũng im lặng vì chẳng biết khuyên thế nào. Tôi nghĩ đó là thứ tình cảm giả tạo, làm màu, còn nếu thực tâm thì không phải vậy...
Sau một thời gian chữa trị, mẹ cũng không qua khỏi. Gia đình tôi sốc lần hai, bố cũng buồn nhưng có lẽ chỉ trong chốc lát. Số đời là vậy, nếu không có tình cảm thì vai diễn nào cũng không kéo dài quá lâu, dù có cố gắng hóa trang đến mấy.
Sau khi đưa tang xong, ai về nhà nấy. Tôi và các anh chị thay nhau đến thắp hương, có lúc thấy nhà vắng tanh vắng ngắt. Hàng xóm nói cả tháng nay, ông đều ra nghĩa trang, có lẽ vì nhớ bà quá. Tôi có tính đa nghi nên chẳng tin, nhưng chỉ nghĩ có lẽ do đi nhà bạn già chơi cờ, uống nước cho qua ngày.
Nhưng vài tháng sau vẫn vậy nên tôi quyết định phải tìm bằng được sự thật. Tôi bí mật đi theo bố ra đến nghĩa trang. Mọi người có biết không, bố chẳng phải ra mộ của mẹ tôi. Bố ngồi với bà bán nước ở gần đó. Tôi ngồi đợi dài cổ mà ông vẫn không về, từ 9h sáng đến 1h chiều. Tôi thấy nói chuyện rôm rả, cười tít mắt có vẻ rất tâm đầu ý hợp. Tôi đứng đằng xa nghĩ bên trong nghĩa trang, mẹ nằm trong đất lạnh, còn bên ngoài bố cười như không có nỗi đau nào từng trải qua càng đau đớn hơn.
|
Tôi không muốn chạy ra làm bẽ mặt bố nhưng không bao giờ đồng ý kiểu hành xử như vậy. Muốn tâm tình với ai, muốn đi chơi cùng ai hay phải lòng ai cũng nên đợi mãn tang. Người nằm xuống còn chưa siêu thoát sao lại nỡ làm vậy. Mẹ có sai điều gì mà nỡ đối xử như vậy, càng nghĩ càng khiến bản thân phẫn nộ. Tôi muốn giữ thể diện cho bố nhưng bố chẳng nể ai và cũng chẳng suy nghĩ lương tâm của chính mình làm vậy có đúng?
Tôi sẽ đưa câu chuyện này vào cuộc họp gia đình, ba mặt một lời nói rõ suy nghĩ của mình. Bởi, tôi muốn đừng để người ra đi phải đau lòng nơi chín suối...
Tác giả: Hồng Hoa
Nguồn tin: emdep.vn