Khu vực xả thải của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam Nghệ An xả thải vào đất của dân. Ảnh PV |
Trong một thời gian dài, từ năm 2012, người dân thôn Lam Trà xã Bồng Khê huyện Con Cuông (Nghệ An) phản ánh Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam đứng chân trên địa bàn liên tục xả nước thải ra môi trường mà không có mương dẫn. Khói từ lò đốt rác thải y tế của bệnh viện phát tán khiến nhiều hộ dân lân cận “không thể thở được” mỗi khi bệnh viện đốt rác.
Theo ghi nhận của người dân tần suất hoạt động của lò đốt rác từ 3 - 5 lần mỗi tuần. “Họ thường đốt vào buổi sáng và chiều. Còn nước thải thì chảy liên tục” - một người dân thôn Lam Trà cho hay.
Ông Hoàng Quang Vinh, trưởng thôn Lam Trà thông tin rằng: Trong kế hoạch xây dựng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam phải có một hệ thống mương xả nước thải, bắt nguồn từ đầu ra là điểm cuối của bệnh viện nối với sông Lam.
Cho đến nay đã 5 năm kể từ khi bệnh viện đi vào hoạt động thì hệ thống mương dẫn nước thải vẫn chưa có. Trong suốt thời gian đó, bệnh viện liên tục xả nước thải trực tiếp vào lô đất của bà Lê Thị Dung ngay sát hàng rào bệnh viên và nguồn nước này chảy đến những mảnh đất khác của bà con trong thôn.
Dòng nước thải từ lỗ thủng trên hàng rào của bệnh viện xả vào lô đất ngấm ra xung quanh. Một phần theo một mương nước tự nhiên gần đó. Mương không được đổ bê tông nên người dân e ngại nước thải sẽ tiếp tục ngấm vào phần đất xung quanh gây ô nhiễm cho nhiều giếng nước tại thôn Lam Trà. Nước giếng bốc mùi hôi khiến người dân không dám dùng.
Nguồn nước tại lỗ xả thải từ bệnh viện này có màu đen và bốc mùi hôi thối. Ảnh: PV |
Bà Hồ Thị Long, có con trai là anh Phạm Văn Sơn có nhà chung hàng rào với Bệnh viện Khu vực Tây Nam cho biết: Anh Sơn có một giếng đào cạnh nhà nhưng từ mấy năm nay đã không dùng đến. Anh thanh niên sống bằng nghề phụ hồ này phải dùng nước chung với gia đình mẹ đẻ.
Khi nhóm PV trực tiếp múc một gầu nước từ chiếc giếng của nhà anh Sơn vào chiều 17/08/2017, thì thấy nước vẫn trong nhưng bốc mùi hôi khó chịu. Cũng tại thời điểm này, lò đốt rác trong khuôn viên Bệnh viên Khu vực Tây Nam đang hoạt động, màn khói màu trắng từ ống khói bệnh viện phát tán trong không khí. Dù đứng cách đó khoảng 200m, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được mùi khó chịu từ cột khói của lò đốt rác thải.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Vinh, ô nhiễm từ lò đốt rác thải đã được cải thiện đáng kể. Trước đây người dân từng phản ánh nhiều lần, từ đầu năm 2017 bệnh viện đã nối dài ống khói thêm 3m. “Trước đó, mỗi lần bệnh viện đốt rác, khói theo gió phát tán trong khu dân cư. Người dân lân cận phải đeo khẩu trang mới thở được” - một người dân trong thôn nhớ lại.
Mùi từ lò đốt rác thải cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây "khó ở" cho người dân thôn Lam Trà. Ảnh: PV |
Trao đổi về vấn đề đốt rác của bệnh viện, ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam cho biết: Vấn đề này người dân đã phản ánh từ lâu và trong thời gian đó, Ủy ban nhân dân huyên Con Cuông có chỉ đạo xử lý. Hiện tại, Bệnh viện đã khắc phục hoàn chỉnh từ năm 2016 và được nhân dân đồng tình.
Về vấn đề nước thải bệnh viện mà người dân phản ánh, ông Sơn cho biết đã được Sở Y tế Nghệ An cấp giấy phép xả thải. Bệnh viên đã có công trình xử lý nước thải và rác thải đạt tiêu chuẩn từ năm 2016 và được quan trắc môi trường thường xuyên. Nước được xả thải ra ngoài theo “hệ thống mương tự nhiên”. Còn phần bên ngoài khuôn viên bệnh viện thì đơn vị không có chức năng xây dựng.
Tuy nhiên khi PV Báo Nghệ An trao đổi lại, ông Hoàng Quang Vinh, trưởng thôn Lam Trà không đồng ý với cách giải thích của phía Bệnh viện. “Chúng tôi không đồng tình với việc Bệnh viện (Đa khoa Khu vực Tây Nam) xả nước thải ra môi trường mà không có mương dẫn” - ông Hoàng Quang Vinh nói.
Một người dân trong thôn bức xúc về việc xả thải của bệnh viện. Ảnh: PV |
Tại quyết định cấp phép xả nước thải vào nguồn nước của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Nghệ An ngày 30/03/2016 ghi rõ: Nguồn nước tiếp nhận nước thải của Bệnh viện khu vực Tây Nam là Sông Lam đoạn qua xã Bồng Khê huyện Con Cuông. Phương thức xả thải: Nước thải sau khi xử lý được bơm ra hệ thống thoát nước sau bệnh viện sau đó chảy vào nguồn tiếp nhận.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước thải từ phía bệnh viện không có hệ thống tiếp nhận mà nó đang trực tiếp ngấm vào đất nông nghiệp, và đất vườn gây lo ngại cho người dân thôn Lam Trà./.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Nghệ An