Sau câu chuyện bé Hải An, hành động hiến tặng giác mạc của bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, Hà Nội) tiếp tục khiến hàng triệu trái tim lay động. Hành động nhân văn vượt qua định kiến đã viết thêm một câu chuyện đầy ắp tình yêu thương.
Câu nói cuối cùng trước khi chìm vào giấc ngủ
Giữa trưa thứ 7 (30/6), Phó giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc nhận được cuộc gọi nghẹn ngào của một phụ nữ trung tuổi. Đầu dây bên kia là chị Nguyễn Thị Hải Vân (mẹ bé Vân Nhi).
Chị Vân chia sẻ, cô con gái 12 tuổi của chị sắp không thể qua khỏi và có nguyện vọng hiến tặng mô tạng cho những bạn kém may mắn.
“Bà mẹ yêu con mãnh liệt, muốn giúp con hoàn thành tâm nguyện đặc biệt trong cuộc đời, giúp ai đó tiếp tục sự sống, để con vẫn hiện hữu nhưng trong một hình hài khác”, ông Phúc nhớ lại.
Vân Nhi cười tươi khi chụp ảnh cùng mẹ |
Tuy nhiên, pháp luật quy định chỉ lấy tạng của người đủ 18 tuổi trở lên, do đó trung tâm chỉ có thể nhận giác mạc của cháu.
Chiều cùng ngày, ông Phúc cùng Giám đốc Ngân hàng mắt đã vào tận BV Nhi TƯ – nơi bé Vân Nhi đang điều trị để giải thích cho gia đình.
Dù bé đã rơi vào trạng thái chết não nhưng chị Vân mong muốn con gái sẽ ra đi thật tự nhiên. Ngắm bé Vân Nhi xinh xắn, mặt tươi hồng như đang ngủ trên giường và khoảnh khắc người mẹ sắp rời xa cô con gái đặc biệt, giây phút ấy khiến tất cả đều lặng đi.
11h ngày 2/7, bé Vân Nhi yên giấc. Trưa cùng ngày, cán bộ Ngân hàng Mắt đến nhận giác mạc của bé. Món quà của Vân Nhi sẽ giúp ít nhất 2 người nhìn thấy ánh sáng.
Chị Vân kể, Vân Nhi phải chiến đấu với bệnh hiếm Papylome (u nhú dây thanh quản) suốt 10 năm qua. Dù bác sĩ đã tiên liệu trước ngày này sẽ xảy ra, bản thân chị đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng vẫn không thể ngờ ập nhanh đến vậy.
Sau khi kết thúc năm học cuối tháng 5 vừa qua, Vân Nhi đột nhiên sốt cao, không thở được, gia đình đưa bé nhập viện rồi mãi mãi chìm vào giấc ngủ.
|
Khoảnh khắc xúc động khi chị Vân thấy con chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn |
Trước khi con hôn mê, chị Vân từng chia sẻ với con câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An. Dù không nói được, nhưng khi hỏi con sẵn sàng tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé, Vân Nhi mỉm cười gật đầu.
Lật giờ lại từng khoản khắc của con gái út, chị kể, những ngày cuối cùng còn nói được, Vân Nhi liên tục nói “Con yêu mẹ!”. Nói đến đây, nước mắt chị Vân liên tục lăn dài.
Một nửa cuộc đời ở BV, 50 lần phẫu thuật
Nén chặt nỗi đau, chị Vân giọng đầy tự hào khi kể về cô con gái nhỏ đầy kiên cường của mình.
Chị Vân cho biết, khi gần 2 tuổi, Vân Nhi liên tục sốt, viêm họng, dù được bác sĩ khí dung, uống thuốc nhưng vẫn không đỡ, tiếng khóc rất bé.
Qua nhiều BV, đến BV Tai mũi họng TƯ, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh Papylome, trên thế giới chưa có cách chữa và tại VN rất ít trường hợp mắc.
Cũng từ đây, cô con gái út của chị Vân gắn chặt cuộc sống với BV. Khi còn bé, cứ hàng tháng Vân Nhi phải phẫu thuật cắt u nhú 1 lần, nếu không sẽ chèn vào thanh quản gây tắc thở.
Khi rời giường bệnh, Vân Nhi vẫn vui vẻ đến trường |
Khi lớn hơn, tần suất phẫu thuật thưa dần, khi 2 tháng, khi 3-4 tháng. Để dễ thở, bác sĩ buộc phải mở ống nội khí quản, nhưng cũng vì thở trực tiếp nên Vân Nhi hay bị viêm phổi, viêm họng, sau 10 năm điều trị dọc ngang các BV tại Hà Nội, phổi cô bé cũng bị xơ hoá dần.
Theo lời chị Vân, lần nằm viện lâu nhất sau mổ kéo dài 3 tuần, còn nếu tính trong suốt 12 năm, khoảng thời gian nằm viện chiếm trên 50% với khoảng 50 cuộc mổ.
Do cắm ống thông ở cổ, tiếng nói của Vân Nhi không tròn, chỉ có người thân và 2 cô bạn ở lớp có thể hiểu được.
Dù vậy, ngoài khoảng thời gian ở BV, Vân Nhi vẫn đến lớp học và vui đùa cùng các bạn. Chị khoe con gái út năm nào cũng được học sinh tiên tiến, thầy cô và các bạn rất quý. Cô bé ấy cũng đặc biệt yêu thích màu hồng và rất mê múa.
Vân Nhi ước mơ được trở thành bác sĩ để cứu mình và cứu những người bệnh khác. Thỉnh thoảng cô bé vẫn xin ống tiêm sạch rồi về nhà tập làm bác sĩ tiêm cho thú bông hay tiêm lên tay ông bà, bố mẹ, chị gái.
“Dù phẫu thuật liên tiếp, đau đớn, khó chịu như vậy nhưng chưa khi nào Vân Nhi khóc. Khi thấy mẹ khóc, con gái còn động viên, an ủi mẹ rằng nếu mẹ buồn con cũng rất buồn”, chị Vân nghẹn ngào kể.
Mẹ Vân Nhi chia sẻ, ban đầu chị định hiến cả tim, thận, gan... và cả thi thể của con cho y học nhưng một số thành viên trong gia đình không đồng thuận.
Với giác mạc của con, chị mong muốn sẽ được ghép cho các bạn học sinh cấp 1, 2 không may bị mù.
“Gia đình tôi rất mong sẽ được nhận các bạn ấy là con nuôi. Chúng tôi không đòi hỏi gì cả, chỉ mong muốn vẫn được nhìn thấy đôi mắt của con hàng ngày, để thấy con vẫn ở cạnh bên”, chị Vân xúc động chia sẻ.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet