Khẩu khí người trong cuộc
Mặc dù đã nhiều lần tìm cách liên lạc để trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Hữu Khai, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Bảo Long nhưng chúng tôi đều nhận được lời từ chối khéo. Tất cả các thông tin mà chúng tôi nắm được xung quanh vụ việc này từ phía Bảo Long, hóa ra đã được nêu khá đầy đủ và chi tiết trong lá “Đơn kêu cứu” của ông Nguyễn Hữu Khai gửi đi.
Theo đó, ông Khai cho biết:
“Tại diễn đàn kỷ niệm 55 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/2011), trước hàng ngàn đại biểu khách mời cùng cán bộ, công nhân viên và học sinh (CBCNV&HS) Tập đoàn Bảo Long, ông Nguyễn Trường Sơn đã đồng ý đầu tư nâng cấp Xưởng sản xuất Đông dược Bảo Long đạt tiêu chuẩn quốc tế, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thành bệnh viện ngang tầm quốc tế, nâng cấp Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long thành trường phổ thông quốc tế. Trước những động thái trên, đông đảo CBCNV&HS Tập đoàn Bảo Long vô cùng phấn khởi và đặt niềm tin sâu sắc vào tình cảm, tấm lòng cao cả trong công tác xây dựng y tế, giáo dục, thể thao của ông Nguyễn Trường Sơn.
Sau đó, chúng tôi đã bầu ông Sơn làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Long và ông Sơn đã ra quyết định bổ nhiệm tôi làm Tổng giám đốc trực tiếp điều hành các đơn vị giáo dục, đào tạo và sản xuất kinh doanh. Sự kiện này được toàn thể CBCNV&HS Tập đoàn Bảo Long hết sức vui mừng vì mọi hoạt động của Bảo Long vẫn được bảo tồn trong sự giúp đỡ đầu tư về tài chính của Bảo Sơn.
Tuy nhiên, ông Sơn đã lập ra một văn bản có tên “Biên bản họp Hội đồng quản trị” với nội dung các thành viên HĐQT đứng tên trong giấy Đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long đồng ý chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho những thành viên mới là ông Sơn và vợ con của ông Sơn”.
Ông Khai cho biết thêm: “Nếu chiểu theo Hợp đồng chuyển nhượng tài sản và cổ phần, ông Sơn còn phải trả cho chúng tôi hàng trăm tỉ đồng nhưng đến nay ông Sơn vẫn lạnh lùng tuyên bố: Số tiền 227 tỉ đã bao gồm tất cả. Ông Sơn cũng cho làm các thủ tục thay thế toàn bộ các thành viên có tên trong đăng ký kinh doanh thành tên mình và vợ con mình”.
Trong đoạn kết lá “Đơn kêu cứu” của mình, ông Khai nhấn mạnh: “Ông Sơn lấy chiêu bài hợp tác đầu tư nâng cấp Tập đoàn Y dược Bảo Long nhưng ông ta đã tàn nhẫn thực hiện hành vi “bóp chết” Bảo Long – một thương hiệu mạnh và thân thiện trong công chúng rồi thực hiện mưu đồ biến mặt bằng của Bảo Long thành thương phẩm cho nghề riêng của ông ta.
Chúng tôi xin cam đoan rằng, không có ý định bán đi sự nghiệp y dược và giáo dục của mình, chỉ dốc lòng với thiện chí hợp tác đầu tư nâng cấp. Nhưng có lỗi và sai lầm là nhẹ dạ ký vào văn bản khống! Cùng một số văn bản tạo điều kiện cho ông Sơn triệt hạ Bảo Long”.
Và những vấn đề trên cũng được bà Lê Thúy Hằng – Phó tổng giám đốc Bảo Long, đồng thời cũng là vợ của ông Khai nhiều lần nhấn mạnh trước báo giới: Không phải Bảo Sơn mua toàn bộ tài sản mà chỉ là một phần của Bảo Long. Tập đoàn Bảo Long còn gần 10 công ty lớn nhỏ và các đại lý trong toàn quốc và quốc tế đang hoạt động. Trừ vụ mua bán trường trung cấp là mua đứt bán đoạn không có ý kiến gì; còn 3 cơ sở trên, Bảo Sơn chưa trả hết tiền cho Bảo Long!
“Để đầu tư phát triển, Bảo Long có vay vốn một số ngân hàng và một vài nơi khác. Anh Sơn (ông chủ của Bảo Sơn) muốn khi Bảo Long – Bảo Sơn hợp tác với nhau, Bảo Long không còn nợ nần gì ai khác, nếu có nợ là nợ một nơi là Bảo Sơn thôi, nên đồng ý cho vợ chồng tôi vay tiền trả hết các khoản vay hiện có. Nhưng muốn được anh Sơn cho vay thì phải có tài sản thế chấp. Tài sản có giá trị còn lại duy nhất của Bảo Long khi ấy chỉ là đất gồm hơn 10.000m đất tại Hóc Môn – TP Hồ Chí Minh và trên Sìn Hồ – Lai Châu” – bà Hằng kể.
Riêng hơn 10.000m đất tại Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), năm 2007, theo biên bản định giá của công ty định giá thuộc Bộ Tài chính là hơn 70 tỉ đồng (lời bà Hằng). Cộng với số đất ở Sìn Hồ, ngày 12/5/2011 Bảo Long thế chấp tài sản là giá trị đất để vay Bảo Sơn 80 tỉ đồng trả nợ ngân hàng. Hợp đồng vay vốn này giá trị ngắn và lãi suất là 1,75%/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Khai.
Tuy nhiên theo bà Hằng, đến nay Bảo Sơn mới giải ngân chuyển cho Bảo Long 37,3 tỉ đồng. Số tiền này được chuyển thanh toán các khoản nợ ngân hàng của Bảo Long. Trong khi đó, toàn bộ giấy tờ đất và tài sản ở hai cơ sở tại Hóc Môn và Sìn Hồ, Bảo Long đều đã giao cả cho Bảo Sơn. Số tiền còn lại không biết đến bao giờ mới được giải ngân nốt?
“Và giờ thì: Bảo Long chẳng còn gì. Tài sản có giá trị lớn là đất đai, nhà xưởng thì đều đã thuộc Bảo Sơn. Chẳng ai chịu cho Bảo Long vay trong bối cảnh này khi mà đang có tranh chấp. Mặt khác ai cũng nghĩ có khoản tiền 227,5 tỉ đồng Bảo Sơn trả, Bảo Long đang rất nhiều tiền. Nhưng thực tế số tiền ấy đều đã được trả cho các khoản vay ngân hàng để đầu tư trước đó”, bà Hằng nói.
Ông Sơn: Tôi làm ơn mắc oán!
Trái hẳn với ông Khai, sau khi chúng tôi liên lạc, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bảo Sơn không hề tỏ ra bức xúc, cũng như bất bình thái quá trước những gì ông Khai cung cấp và báo chí đã viết. Nói về cuộc mua bán này, ông Sơn nhấn mạnh: “Đây là một vụ mua bán đàng hoàng, đúng pháp luật. Người được lợi và đáng phải cảm ơn tôi chính là anh Khai. Cho đến giờ phút này, nếu anh Khai có nói điều gì không đúng chắc có lý do, mục đích riêng của anh Khai”.
Ông Sơn kể lại ngọn ngành vụ mua bán gây tranh cãi này:
“Tôi và anh khai đã quen nhau từ 20 năm trước nhưng cũng chỉ dừng ở mức chào hỏi chứ không thân thiết gì. Trong một lần anh Khai đến chơi rồi bắt mạch, chẩn bệnh cho tôi. Anh nói máu tôi bị nhiễm mỡ cao và bị vón cục, anh có liều thuốc có thể chữa được. Rồi anh đưa cho tôi một túi viên thuốc tễ. Thú thực, lúc đầu tôi chưa dám dùng ngay vì cũng sợ. Một tháng sau, anh Khai hỏi, tôi mới mạnh dạn đem ra dùng. Một thời gian sau, tôi đến bệnh viên kiểm tra lại, thấy lượng mỡ trong máu giảm, người khỏe lên. Tôi nhận thấy thuốc anh tốt thật, tôi rất biết ơn anh Khai và thân nhau từ đó. Tôi nhiều tuổi hơn nên anh Khai cũng coi tôi như anh”.
“Từ đó, bẵng đi một thời gian dài không gặp nhau. Năm nay, mùng 8 tết không biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi đi chúc tết một người bạn là cán bộ của Bộ Công an nhưng đã nghỉ hưu cách đây 8 năm – hiện anh ấy đang làm cấp phó cho ông Khai. Trước khi xuống, tôi có gọi điện cho ông ấy thì được biết ông đang ở Bảo Long. Thế là tôi xuống chúc tết ông, đồng thời chúc tết ông Khai luôn. Khi tôi xuống chúc tết thì vợ chồng ông Khai đều đi sát với tôi, giới thiệu về Bảo Long rồi đưa tôi về phòng ông Khai”.
Khẩu hiệu ở khu dược liệu Sìn Hồ
Sau một hồi nói chuyện, ông Nguyễn Hữu Khai đặt vấn đề: “Em đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay đang vay một khoản tiền 20 tỉ với lãi suất 21%/tháng mà 15 tết này phải trả (hôm đó là mùng 8 tết), nếu không trả thì sẽ rất nguy hiểm”.
Bà Hằng (vợ ông Khai) cũng bảo với ông Sơn: “Nói thật với anh, khi chúng em vay số tiền này thì thứ nhất để trả một số người mà trước đó đã vay giờ đến hạn, tết họ đòi ráo riết quá; thứ 2 là lo cho cán bộ, công nhân viên nghỉ tết nên em cứ vay bừa. Bây giờ thì em không nhìn thấy khoản nào để trả cả, muốn anh giúp chúng em thoát khỏi cái nợ nần này nếu không thì cũng bị người ta siết nợ hoặc phải bóc lịch”.
“Nghe chuyện của vợ chồng ông Khai xong, tôi gọi điện về cơ quan hỏi tài vụ trong két giờ còn bao nhiêu tiền thì anh em báo cáo còn 18 tỉ tiền mặt. Tôi quyết định cho 2 vợ chồng ông Khai vay 18 tỉ với lãi suất 1,35% theo lãi suất ngân hàng (thật ra khi đó ngân hàng cho vay với lãi suất 23%/năm, khoảng 1,90%/tháng – PV). Mặc dù đây là một số tiền lớn nhưng vì nghĩ ông Khai từng chữa bệnh cho mình nên tôi cho vay cũng chẳng giấy tờ gì mà cho 2 vợ chồng xuống lấy tiền và viết mỗi cái phiếu tiền cho vay với lãi suất như vậy” – ông Sơn kể.
Khi chúng tôi hỏi, là một người làm kinh tế lâu năm, sao ông lại có thể bất cẩn như vậy? Ông Sơn cho biết: “Đúng là như vậy, tôi cũng không hiểu sao mình lại làm thế nữa. Tôi vốn làm rất chặt chẽ về pháp lý nhưng hôm đấy tự nhiên lại cho vay một cách rất đơn giản. Nhưng quả thật, khi ông Khai bảo là nợ như vậy nếu không trả thì nó sẽ bị chủ nợ thuê côn đồ chém chết nên tôi đã thương tình, cho vay ngay với lượng tiền lớn như thế”.
Ngày hôm sau, Nguyễn Hữu Khai lên tận nhà ông Sơn cám ơn và bảo: “Anh đã cứu em, cuộc đời có lẽ không bao giờ quên được. Nhưng cũng nói thật với anh là bây giờ thì anh đã thương thì thương cho trót, đợt này em còn đang nợ một khoản 30 tỉ đồng nữa với lãi suất 18-20%/tháng”.
Sau khi nghe ông Khai nói như vậy, ông Sơn đã đồng ý và tiến hành ký hợp đồng cho vay 30 tỉ đồng nhưng chỉ xuất 12 tỉ đồng vì hôm nọ đã xuất 18 tỉ. Ký xong hợp đồng, nhận tiền thì ông Khai về.
3 hôm sau ông Khai lại đến đặt vấn đề là thực chất ông nợ 286 tỉ đồng với mức lãi phải trả là 11 tỉ/tháng. Ông Khai nói: “Bây giờ nói xin anh vay nữa thì cũng vô lý nên em muốn bán toàn bộ tài sản của em cho anh vì trong thời buổi này chỉ có anh mới đủ tiềm lực để giúp em thôi”.
Nghe ông Khai nói có lý, có tình nên ông Sơn đồng ý và yêu cầu ông Khai lên giá thành.
Ông Sơn kể tiếp: “Ông Khai lên giá thành bao nhiêu thì tôi cũng chấp nhận. Đất mặt đường giá 10 triệu đồng/m2 có chiều dài 20m, tôi mua của anh Khai 10 triệu đồng/m2, đất thuê nông nghiệp bán 180 triệu đồng/sào (300m2) tức 500.000 đồng/m2, tôi mua 3 triệu đồng/m2. Và tôi đã chuyển tiền đầy đủ. Khi quyết những điều này, đều tự tôi. Tôi nghĩ có điều kiện thì mua để cứu vớt anh ấy; dù sao anh ấy đã là người có ơn đối với tôi. Anh nói giá bao nhiêu, cơ bản tôi đồng ý bấy nhiêu, trừ một vài điểm nhỏ. Dù người nhà tôi ai nấy nghe chuyện đều gàn và bảo làm gì đến mức ấy nhưng tôi vẫn quyết mua”.
Ông Sơn yêu cầu trong tổng giá trị là 227 tỉ là đã bao gồm thương hiệu, bản quyền sản phẩm, cây cối, hoa màu, đất đai, toàn bộ tài sản trên đất. Khi mặc cả, ông Khai đòi trả thêm 63 tỉ và ông Sơn cũng đồng ý luôn với mức giá đó.
Ông Sơn cho biết thêm: “Tôi đồng ý mua toàn bộ công trình và yêu cầu ông Khai xuất hóa đơn bán dự án cho tôi để tôi đưa vào Bảo Sơn luôn. Nhưng ông Khai bảo: Nếu mà làm như thế thì em chết, em mà bán dự án thì em phải nộp khoảng 75 tỉ tiền thuế. Mà như thế thì em chẳng còn gì. Cho nên anh coi như cái đó anh mua cổ phần và chiếm giữ công ty thì em chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân thôi chứ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.
Những thứ đã từng thuộc về Bảo Long
Tôi nghĩ cũng phải vì nếu ông Khai bán dự án thì ông phải nộp trước hết 10% thuế, tức là 22,7 tỉ đồng, cộng với thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, ông ấy sẽ mất hàng chục tỉ đồng thì cũng khổ. Nghĩ vậy, tôi đồng ý ngay vì ông Khai còn phân tích: Cổ phần tạo ra tài sản, bán tài sản thực chất là bán cổ phần. Chính vì những lẽ đó mà tôi đã chấp nhận mua của ông với giá 227 tỉ bằng cách là mua 100% cổ phần”.
Và tại Điều 8, Hợp đồng số 01/CNVCP&TS/BL-BS nói rất rõ sau khi thanh toán 100% rồi thì các thành viên hội đồng quản trị cũ không còn bất cứ quyền lợi nào kể cả quyền sử dụng, quyền đầu tư.
Như vậy, Điều 8 đã thắt lại toàn bộ các điều khoản trước đó được đưa ra trong hợp đồng. Tức là không bao gồm các khoản nợ nần mà trước đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Bảo Long đã vay của các đối tác trước đó hoặc nợ thuế hoặc nợ tất cả cái gì khác.
Về khoản vay 80 tỉ mà bà Hằng nói, ông Sơn cho rằng: Khoản vay này được thể hiện rất rõ ràng và đầy đủ tại các Hợp đồng vay vốn trả nợ ngân hàng số 17/HĐVV/BL-BS ký ngày 12/5/2011 giữa Tập đoàn Bảo Sơn với Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long và Hợp đồng vay vốn số 3105/HĐVV/BL-BS ký ngày 31/5/2011 giữa Tập đoàn Bảo Sơn với Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long. Theo đó, Bảo Sơn sẽ giải ngân ngay cho ông Khai 37,3 tỉ để trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Hóc Môn. Số tiền còn lại được tính vào chuyện mua bán Trường trung cấp Y dược, Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ và các tài sản còn lại ở trong bệnh viện và công ty cổ phần.
“Tôi không ngờ mình làm ơn lại mắc oán. Rất nhiều người nói tôi bỏ ra hàng trăm tỉ để mua các cơ sở của anh Khai vào lúc này là quá đắt, là dại. Nhiều người phân tích với tôi: ông Khai đang có ý định đổ hết mọi chuyện cho Bảo Sơn để các con nợ tin rằng, ông Khai vẫn có nguồn để trả nợ và ông Khai chưa trả được nợ là vì Bảo Sơn chưa thanh toán hết tiền. Ông Khai làm thế là để tránh áp lực từ các con nợ và nhân viên”, ông Sơn tâm sự.
Bảo Long có thật sự “ngây thơ”
Khi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc, những lình xình xung quanh thương vụ Bảo Sơn Bảo Long đã đi đến hồi kết. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Khai phải đối diện với pháp luật và Bảo Long đã lộ rõ bản chất là một doanh nghiệp tồn tại theo kiểu “thùng rỗng kêu to”!
Thực tế, Bảo Long đã tự đánh mất mình. Kể cả dùng mỹ từ đẹp đẽ là rủi ro; về tâm lý, tình cảm có thể chia sẻ; thì bản chất vấn đề vẫn không hề thay đổi! Ở bài viết sau, chúng tôi sẽ tiếp tục công bố các tài liệu để bạn đọc thấy rằng: ông Nguyễn Hữu Khai và Bảo Long đã biết trước kết cục của mình!
Theo Petrotimes