hatinh24h

Trao đổi với báo chí, đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị huy động 100% cán bộ chiến sỹ trực chốt thực thi nhiệm vụ theo quy định mới, tại Nghị định 46 ở các nút giao trọng điểm trên toàn thành phố.

Trong đó, tập trung xử lý các nhóm vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh tín hiệu đèn, vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe đạp điện.

Đồng thời, tổ chức tuần tra lưu động kết hợp kiểm tra, kiểm soát tại một điểm; tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hoá trang để dừng kiểm tra người và các phương tiện vi phạm, lập biên bản xử lý theo quy định mới.

Bất ngờ về quy định tăng mức phạt 115 hành vi vi phạm  - ảnh 1Đại tá Đào Vịnh Thắng trả lời báo chí sáng 1/8 sau buổi ra quân thực thi Nghị định 46.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong sáng cùng ngày, nhiều người dân thủ đô chưa nắm được quy định mới này.

Bị dừng xe tại ngã tư Quang Trung – Trần Hưng Đạo, anh Dương Đình Thế (SN 1987, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị cảnh sát dừng xe lỗi không đội mũ khi lái xe máy điện, phương tiện không đăng ký. Trả lời cảnh sát, anh Thế không biết về quy định tăng mức phạt theo quy định mới mà chỉ biết quy định đăng ký xe máy điện. Sau khi tổ công tác Đội CSGT số 1 giải thích về kế hoạch, nam thanh niên mới chấp hành.

Nghị định 46 được ban hành, tăng mức phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông. Trong đó nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất.

Người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Tài xế ôtô vi phạm, mức phạt 2 triệu đồng so với Nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 – 400.000 đồng.

Người điều khiển ôtô vi phạm về nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (so với mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng).và bị tước GPLX tối đa 6 tháng. Đối với người điều khiển môtô vi phạm lỗi này sẽ bị phạt tối đa 4 triệu đồng (so với 3 triệu đồng trước đó), đồng thời tài xế bị tước GPLX 5 tháng (mức cũ 2 tháng).

Bất ngờ về quy định tăng mức phạt 115 hành vi vi phạm  - ảnh 2Nhiều người dân thủ đô tỏ ra bất ngờ khi bị tăng mức phạt vi phạm theo quy định mới.

Người điều khiển ôtô vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt đến 8 triệu đồng nhưng sẽ bị tước GPLX đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20km/h có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.

Người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc có thể bị phạt đến 6 triệu đồng…

Nghị định 46 cũng đưa nhiều quy định mới vào khung phạt. Cụ thể, hành vi ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ bị đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức.

Ngoài ra, Nghị định 46 quy định cũng quy định, các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng.

Kể từ 1/1/2017, người điểu khiển ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển, bị phạt đến 800.000 đồng. Lực lượng chức năng sẽ áp dụng công nghệ cao để xử phạt hành vi vi phạm này.

Nguyễn Hoàn