Ít nhất trong ngày 23 tháng Chạp, đã có 2 người thiệt mạng trong khi đi thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo. Hai sự việc đau lòng một xảy ra ở Hải Dương và một xảy ra ở TP HCM. Cả hai trường hợp đều là những người đang ở độ tuổi trụ cột của gia đình, là những người làm cha, làm mẹ.
Những câu chuyện đau lòng như vậy trong dịp thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo không còn quá xa lạ. Vì sao những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" lại cứ đến hẹn vẫn xảy ra?
Đã có nhiều bài báo phản ánh hành vi rất phản cảm của những người đi thả cá là ném thẳng cả túi nilong lẫn cá xuống sông, xuống hồ rồi quay lưng đi, gây ô nhiễm môi trường. Theo quan sát của cá nhân, tôi thấy nhiều người rất thành tâm cúng bái, cẩn thận trong mọi việc, nên muốn tự tay mình thả cá rất nhẹ nhàng, trang trọng xuống dòng nước với mong muốn con cá mình phóng sinh sẽ sống sót và mang những điều mong ước của gia đình, dòng họ lên tâu với Ngọc Hoàng...
Nhiều người rất cẩn thận khi thả cá |
Điều dễ thấy nữa là người dân thường thả cá ở những nơi, những chỗ rất tự phát, thấy tiện là thả chứ không có bất cứ qui định nào. Thậm chí nhiều người còn có niềm tin rằng, đem thả cá ở những nơi vắng vẻ thì "ngựa" của Táo quân mới không lo bị "tắc đường". Chính vì thế mới có chuyện nhiều người tìm đến nơi vắng vẻ, ít người qua lại, men xuống tận mép sông - hồ để thả cá.
Đa phần người dân thả cá theo kiểu mạnh ai người ấy ném, mạnh ai người ấy làm, không có bất cứ một phương tiện hay lực lượng nào giám sát, cứu hộ khi xảy ra những tình huống bất ngờ, nguy hiểm.
Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, rất cần các cơ quan quản lý vào cuộc, có sự hướng dẫn, giám sát người dân trong việc thả cá một cách hợp lý, an toàn, ở những địa điểm được qui định cụ thể và dần dần phải có chế tài nghiêm khắc với những người cố tình vi phạm. Cùng với đó, cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn để người dân bỏ các đồ thờ cúng, rác thải vào đúng nơi qui định. Còn như hiện nay, mọi việc vẫn dựa vào các tình nguyện viên cầu mong vào sự tự giác của mỗi người khi mang cá, đồ thờ đi thả.
Được biết, nhiều người đã thay đổi cách thức cúng bái trong ngày Tết ông Công, ông Táo bằng việc sử dụng cá chép giấy để sau đó hoá cùng với vàng hương. Cách làm này có thể còn gây nhiều tranh cãi nhưng so với việc mon men ra những bờ sông, bờ kè khúc khuỷu, ghập ghềnh rất nhiều nguy hiểm rình rập thì tôi vẫn ủng hộ hơn. Bởi, việc cúng bái, lễ lạt, tri ân… những ngày lễ Tết phải giúp khiến con người thanh thản, vui vẻ hơn chứ không thể bất chấp cả mạng sống của mình. Dù làm gì thì mong mọi người hãy đặt an toàn tính mạng cho bản thân và những người xung quanh lên hàng đầu./.
Tác giả: Vũ Hạnh
Nguồn tin: Báo VOV