Đây là câu chuyện mà nhiều người rất băn khoăn. Theo các chuyên gia truyền thông, ở nước ngoài, các báo thường vẽ hình bị cáo để đăng.
Thực tiễn, đây không chỉ là vấn đề pháp luật, mà còn vì lý do nhân đạo. Các bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, người phạm tội là trẻ em, người chưa thành niên thì việc đăng phát những hình ảnh của họ tại phiên xử có thể coi là bản án dư luận “chung thân”.
Tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhiều đại biểu đã góp ý về vệc cần làm rõ quyền hình ảnh cá nhân. Dành toàn bộ thời gian góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ĐBQH Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng, quyền cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân, quyền con người được Hiến pháp bảo hộ nên luật phải quy định cụ thể và rõ ràng.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) |
Đại biểu Lê Minh Hiền đưa ra câu hỏi: Việc chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa có cần xin phép bị cáo hay không?
Theo đại biểu Hiền, hiện nay không có quy định nào buộc nhà báo phải xin phép mới được chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa xét xử công khai. Bộ luật dân sự 2005 và pháp luật về báo chí quy định khác nên việc áp dụng có khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu. “Quyền của cá nhân về hình ảnh và quyền của báo chí trong việc đăng ảnh cá nhân như thế nào mới đúng?” – bà Hiền nhấn mạnh.
Thực tiễn khi viết bài về nhiều vụ án hình sự có đăng ảnh nghi can, hình ảnh do cơ quan công an cung cấp dưới dạng hồ sơ. Điều này có ý kiến cho rằng vi phạm nhân quyền về hình ảnh cá nhân.
Tại, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về quyền nhân thân, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân của người khác thực hiện theo điều 31 của luật này hoặc pháp luật có quy định khác, như ở Luật Báo chí, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đại biểu Hiền, chưa thấy báo chí bị xử phạt do đăng ảnh bị cáo tại phiên tòa mà chưa được sự cho phép của bị cáo. Bởi đăng ảnh bị cáo không vi phạm điều 10 Luật Báo chí, điều này được hướng dẫn tại điều 51 Nghị định 51 ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí.
Theo đó, Nghị định này quy định không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).
Khoản c điểm 1 điều 10 Nghị định 56 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với việc đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.
Tại khoản e điểm 2 điều 8 Nghị định 159 ngày 12/11/2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định phạt từ 1 triệu – 3 triệu với một trong các hành vi: Đăng phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, Bộ luật dân sự 2005, điều 31 và điều 5 nghị định 51 thi hành Luật Báo chí đều có quy định về sử dụng hình ảnh cá nhân.
Theo đó Nghị định 51 hướng dẫn thi hành đã mở rộng việc sử dụng ảnh cá nhân cho báo chí được sử dụng hình ảnh cá nhân. Việc mở rộng quyền sử dụng ảnh cá nhân như vậy cũng là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.
Thực tiễn bấy lâu nay cho thấy việc báo chí sử dụng hình ảnh phiên tòa xét xử vụ án hình sự công khai, trong đó có ảnh của bị cáo, hội đồng xét xử, luật sư và những người tham gia tố tụng khác được coi là bình thường, không bị coi là vi phạm.
Thế nhưng, quá trình thi hành BLDS, Luật Báo chí còn nhiều vấn đề chưa được cụ thể, tiêu chí nào để xác định thế nào là ảnh cá nhân, ảnh sinh hoạt tập thể, thế nào là vì lợi ích cá nhân, lợi ích công cộng, đặc biệt là đăng ảnh đương sự trong các phiên tòa dân sự, hành chính, lao động pháp luật quy định ra sao cũng là vấn đề còn bỏ ngỏ dẫn tiến việc áp dụng cũng khác nhau.
Đại biểu Lê Minh Hiền cho rằng, từ thực tiễn thi hành cho thấy, BLDS 2005 và pháp luật về báo chí còn hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm quyền nhân thân, cần phải sửa đổi bởi quyền cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân, quyền con người được Hiến pháp bảo hộ.
Từ đó, Đại biểu Lê Minh Hiền đề nghị BLDS (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy định hình ảnh khác phải theo luật định. Về nguyên tắc định hướng BLDS sửa đổi, Luật báo chí sửa đổi cần quy định cụ thể để bảo vệ quyền nhân thân, trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu điều 32 BLDS sửa đổi, tôi nhận thấy quy định vẫn chưa phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Đề nghị bỏ quy định “trừ trường hợp có liên quan đến quy định khác” tại đoạn cuối khoản 1 điều 32.
Bảo vệ quyền nhân thân phải tuân thủ bộ luật dân sự, pháp luật khác không được khác với Bộ luật Dân sự. Đề nghị Bộ luật quy định rõ thế nào là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng để tránh tùy tiện trong sử dụng hình ảnh cá nhân.