TP Hà Tĩnh

Bài luận giúp nữ sinh nhập cư đỗ 8 trường Ivy League

Nữ sinh gốc Malaysia đến từ quận Cam, nước Mỹ đã trở thành ngôi sao trên khắp các mặt báo sau khi được nhận vào 8 trường thuộc khối Ivy League.

Cassandra Hsiao không chỉ gây ấn tượng với ban tuyển sinh các trường bằng CV ấn tượng mà còn bằng bài luận giàu cảm xúc.

Cassandra Hsiao, 17 tuổi chuyển từ Malaysia tới Mỹ năm 5 tuổi. Cô và gia đình sinh sống ở Walnut, California. Những ngày đầu tiên, họ đã phải vật lộn để học tiếng Anh và đó cũng chính là chủ đề bài luận của cô.

Dưới đây là bài luận giúp Hsiao được nhận vào 8 trường Ivy League cũng như nhiều trường đại học danh giá khác như Stanford, Southern California, New York và Johns Hopkins.

“Trong nhà chúng tôi, tiếng Anh không phải là tiếng Anh. Không phải theo nghĩa ngữ âm giống như “a” ngắn trong từ “apple”, mà theo cách phát âm nhiều hơn – trong nhà của chúng tôi, “snake” (con rắn) nghĩa là “snack” (đồ ăn vặt). Từ vựng không được phát âm một cách chính xác, nhưng tôi – người từng bị đuổi ra khỏi lớp để gặp các chuyên gia ngôn ngữ, và mẹ tôi tới từ Malaysia – người phát âm “film” (bộ phim) thành “flim” (trò gian xảo), vẫn hiểu nhau một cách hoàn hảo.

Trong nhà chúng tôi, không có sự khác biệt giữa “cast” (ném) và “cash” (tiền mặt). Đó cũng chính là lý do tại sao trong một buổi cầu nguyện ở nhà thờ, mọi người đã cười khi tôi nói “cashing out demons”. Tôi đã không nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa 2 thứ tiếng Anh đó cho tới khi giáo viên sửa cách phát âm những từ “hammock, ladle, và siphon” của tôi. Cả lớp cười nhạo vì tôi phát âm từ “accept” (chấp nhận) giống như “except” (ngoại trừ), “success” (thành công) giống như “sussess”. Tôi học lớp Viết sáng tạo, và cách dùng từ ngữ đã đánh trượt tôi khi tôi cần nó nhất.

Đột nhiên, việc hiểu mẹ tôi nói “flower” (hoa) nghĩa là “flour” (bột mỳ) là không đủ. Tôi từ chối thứ tiếng Anh chưa từng được nói khác đi trước đó, thứ ngôn ngữ đã nuôi lớn và dạy tôi mọi thứ mà tôi biết. Bố mẹ bạn nào cũng nói chuyện bằng thứ ngữ điệu thanh lịch giống như các Tiến sĩ và giảng viên trong trường đại học. Tại sao bố mẹ tôi thì không?

Mẹ tôi đưa bàn tay rám nắng của bà ra và nói: “Đây là nơi mà mẹ sinh ra”. Bà kể một câu chuyện bằng thứ tiếng Anh mà bà tự học.

Khi mẹ chuyển từ một ngôi làng lên một thị trấn ở Malaysia, bà phải học một ngôn ngữ hoàn toàn mới ở trường trung học, đó là tiếng Anh. Suốt thời gian mà sự làm nhục được khuyến khích, mẹ tôi đã tự vệ để chống lại những lời độc ác của giáo viên – người chỉ trích bài viết của bà trước lớp. Khi bà bắt đầu khóc, lớp trưởng đã đứng lên và nói: “Đủ rồi”.

“Hãy giống như bạn lớp trưởng đó” – mẹ tôi nói trong nước mắt. Bạn lớp trưởng của mẹ đã bảo vệ bà dưới đôi cánh của cô ấy và kiên nhẫn sửa cách phát âm cho mẹ tôi. “Cô ấy đã đứng lên vì kẻ yếu và sử dụng ngôn từ của mình để chiến đấu”.

Lúc đó cả hai mẹ con tôi đều khóc. Mẹ đề nghị tôi dạy bà thứ tiếng Anh chuẩn để những bà già da trắng ở Target không còn cười cách phát âm của mẹ. Thật không dễ dàng. Có dấu hiệu của sự tội lỗi khi tôi nhìn vào những chữ cái của bà. Nguyên âm dài, phụ âm kép – bản thân tôi vẫn còn đang học điều đó. Đôi khi tôi cho phép bà nói sai để khuyến khích lòng tự tôn của bà, nhưng có lẽ tôi đã làm hại bà nhiều hơn để khuyến khích lòng tự tôn của tôi.

Khi từ vựng của mẹ tôi bắt đầu tiến bộ, tôi đã tự sửa thứ tiếng Anh của mình. Bằng việc đọc thơ trước 3.000 người ở trường, phỏng vấn mọi người từ mọi tầng lớp trong xã hội, viết kịch, tôi đứng lên để chống lại sự thiếu hiểu biết và trở thành tiếng nói của những người vô gia cư, người tị nạn và những người bị xã hội coi như không tồn tại. Bằng ngôn từ của mình, tôi chiến đấu với những lời chế nhạo ném vào một nghệ sĩ đường phố già người châu Á trong ga tàu điện ngầm ở New York. Đôi mắt của mẹ tôi được phản chiếu trong những đứa trẻ nghèo có quá nhiều câu chuyện để kể nhưng không biết làm cách nào. Tôi lấp đầy chúng bằng ngôn từ khi chúng lấy kim và chỉ để đan những tấm thảm.

Trong nhà của chúng tôi, có cái đẹp trong cách mà chúng tôi nói chuyện với nhau. Trong nhà của chúng tôi, ngôn ngữ không được nói đúng nhưng tràn đầy cảm xúc. Chúng tôi xây lên một ngôi nhà không phải bằng những ngôn từ. Có những “con rắn” thân thiện trong tủ bát và có “đồ ăn vặt” trong bể nước. Đó là một ngôi nhà thiếu chuẩn mực. Có một chút lộn xộn trong đó. Nhưng đó là nơi chúng tôi xây tổ ấm của mình”.

Tác giả: Nguyễn Thảo (Theo Next Shark)

Nguồn: VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP