Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) phát biểu, khi thuyết phục để Quốc hội đồng ý tử hình bằng tiêm thuốc độc, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt điểm ưu việt. Thế nhưng cho đến nay, khi cần thực thi thì lại không có thuốc. “Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện. Sao không tìm hiểu tiếp có ai bán các loại thuốc đó hay không?” bà Hải nói.
Tử hình bằng thuốc độc không chỉ khó khăn về nguồn thuốc mà còn nhiều khó khăn khác như vận chuyển tù nhân đến nơi thi hành án rất rủi ro. “Không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Hiện nay 500 tử tù đang ngồi chờ vì một quyết định còn chưa mang nhiều tính thực tế của chúng ta”, đại biểu Hải phàn nàn.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc”. Nguyên nhân được ông Cường giải thích là do trong Nghị định của Chính phủ lại ghi rõ tên thuốc, mà đều là loại thuốc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập.
Khi đối tác biết được ý định nhập thuốc về để xử án tử hình thì họ dừng việc xuất thuốc và khuyến nghị nếu phía Việt Nam vẫn dùng thì có thể ảnh hưởng đến việc nhập các nguồn thuốc khác. Hướng xử lý tới đây, Hội đồng chuyên môn tối cao của Bộ Y tế nghiên cứu kỹ và tìm ra các nhóm thuốc mà trong nước tự sản xuất, trong thời gian sớm nhất.
Đại biểu Hải kiến nghị: “Ngay trong kỳ họp này, Bộ Y tế phải trả lời dứt khoát liệu có mua được thuốc hay nguyên liệu sản xuất thuốc hay không, hoặc có thể bào chế ngay trong nước. Thậm chí, nếu cần thiết phải đặt hàng các nhà khoa học và xem đây là việc trọng điểm quốc gia trong năm tới”.
Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), tha thiết đề nghị Quốc hội nhất trí với kiến nghị của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tồn tại song song hai hình thức thi hành án tử hình cũ và mới. Có lộ trình thay thế dần hình thức cũ bằng hình thức mới.
Theo Tiền Phong