Hoa mai hoa đào nở thời điểm giao thừa
Hoa mai và hoa đào vốn được coi là “sứ giả của mùa xuân”. Dịp tết đến xuân về, nhiều gia đình người Việt chọn loại hoa này để tô điểm sắc xuân cho tổ ấm. Theo quan niệm từ xưa, nếu trong thời điểm giao thừa tới sáng mồng 1 Tết, mai hoặc đào nở thêm nhiều cánh và tươi rực rỡ là điềm báo cho một năm mới gia chủ gặp nhiều may mắn.
Tục mua muối đầu năm
Người Việt vẫn có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Việc mua muối thường diễn ra vào sáng sớm mồng 1 Tết tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trên các con phố vắng người qua lại, thoảng qua là tiếng rao của người bán muối dạo. Người dân thường mua một gói muối nhỏ với ý nghĩa mong gia đình quanh năm thuận hòa, mặn mà, đầm ấm
Hái lộc đầu xuân
Tục hái lộc của người Việt có từ ngàn xưa. Vào thời điểm giao thừa, sau khi cúng lễ tại gia xong xuôi, nhiều người đi chùa cúng bái và hái một cành lộc nhỏ về treo trước cửa hay đặt lên bàn thờ. Cành lộc tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, đón chào cái mới và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Kỵ mai táng
Tết Nguyên Đán là thời khắc bước sang một năm mới, mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng với người Việt. Trong ngày vui này, các gia đình Việt từ xưa đã có phong tục “cất khăn tang” trong 3 ngày Tết. Những gia đình có tang sẽ kiêng đi chúc Tết. Trong trường hợp những nhà có tang ngày mồng 1 thường chưa phát tang vội mà sẽ dời sang ngày mồng 2.
Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết
Người Việt quan niệm quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì tiền bạc sẽ “bay” khỏi nhà. Bởi vậy, ngày 30 tháng Chạp, mọi gia đình sẽ thu dọn nhà cửa gọn gàng và giữ gìn mọi thứ sạch sẽ.
Chó lạ vào nhà
Tục ngữ Việt vốn có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Vào dịp đầu năm, nếu có chó lạ vào nhà thường được gia chủ chào đón. Theo dân gian, chó sẽ mang tới nhiều điều may mắn, sung túc cho gia chủ.
Kiêng làm vỡ đồ
Theo phong tục từ xa xưa, vỡ đồ đạc trong những ngày Tết là điều không hay. Bởi vậy, trong những ngày này, người ta hạn chế làm vỡ vật dụng gia đình.
Ngoài ra, còn khá nhiều phong tục kiêng kỵ trong dịp Tết được người Việt truyền từ đời này qua đời khác như kiêng không ra đường vào ngày xấu, kiêng vay mượn, kiêng cãi chửi nhau, kiêng cho lửa, kiêng mặc đồ đen….
Hoàng Hà
(Tổng hợp)