Vừa qua, TAND quận 8, TP.HCM mở phiên tòa xét xử đối với 2 bị cáo Trần Thị Ngọc Phượng (17 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) và Nguyễn Thị Ngọc Thúy (15 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) về tội “Cướp giật tài sản”.Giúp mẹ bằng “nghề” cướpTrưa ngày 23.3.2012, em Đ.X.D. đang đạp xe trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) thì bất ngờ bị một xe máy ép sát. Người ngồi sau ngang nhiên giật mạnh chiếc cặp xách khiến em D. loạng choạng rồi rồ ga phóng đi trong sự hốt hoảng của em học sinh tội nghiệp.
Chứng kiến sự việc, nhiều người dân đã truy đuổi và vây bắt được 2 đối tượng cướp giật này. Đây không phải là lần đầu tiên 2 “nữ quái” gây án. Chúng đã nhiều lần ra tay cướp giật điện thoại, xe đạp, cặp xách của các em học sinh.
Tại cơ quan điều tra, Trần Thị Ngọc Phượng và Nguyễn Thị Ngọc Thúy vô tư kể lại những phi vụ “làm ăn” thành công của mình. Số tiền mang lại từ “nghề” cướp giật cho cả 2, tính đến thời điểm bị bắt, là 530.000 đồng.
Cả Phượng và Thúy đều có hoàn cảnh gia đình bất hạnh, từ nhỏ đã thiếu hụt tình cảm của người cha, còn mẹ thì bệnh tật.
Kinh tế thiếu trước hụt sau, mẹ con côi cút sống đời lay lắt đã khiến Phượng và Thuý không có được sự hồn nhiên như các bạn đồng trang lứa. Cảnh ngộ tương đồng đã khiến cả hai trở nên thân thiết, “sống chết có nhau”.Hoàn cảnh Phượng đặc biệt khó khăn, người cha vô trách nhiệm bỏ mẹ con Phượng đi đã rất lâu, mặc kệ người vợ bệnh lao và đứa con nhỏ tự xoay xở cuộc sống. Hoàn cảnh của Thúy cũng chẳng tốt hơn Phượng là mấy. Có cha mẹ nhưng Thúy cũng sớm phải chịu cảnh tan đàn, xẻ nghé.Nhớ cha, Thúy nhiều lần trốn mẹ đến gặp, nhưng không nhận được những cử chỉ yêu thương, những câu hỏi vỗ về để bù đắp cho sai lầm của người lớn mà ngược lại là sự bạo hành, đánh đập.
“Nó đến, ổng đánh đuổi đi, nó tủi về nhà kể lại tôi mới biết” – chị M. (mẹ của Thúy) kể lại trong nước mắt. Chị M. một mình làm công việc đóng giày nuôi con nên sự quan tâm dành cho Thúy cũng thiếu hụt dần.Thúy và Phượng nhìn thấy mẹ đau ốm không có tiền thuốc thang, công việc ngày càng bấp bênh nên tính đường giúp mẹ. Nào ngờ, chúng lại chọn “nghề” cướp giật để kiếm tiền. Sự thiếu hiểu biết đã khiến cả hai đi lầm đường, lạc lối.Những giọt nước mắt đơn thânTiếng chuông vang lên báo đến giờ xử án, 2 thiếu nữ với gương mặt lo âu cùng nhau bước vào. Thúy và Phượng đều có vẻ ngoài rất nam tính, tóc cắt ngắn lên sát gáy. Cả căn phòng bỗng nhiên nặng trĩu những suy nghĩ, những sự hối hận của cả bị cáo lẫn đấng sinh thành.
Còn HĐXX cũng trăn trở để phán quyết sao cho các bị cáo phải tâm phục, khẩu phục, nhận thấy được sai lầm mà làm lại cuộc đời.Trong suốt quá trình xét xử, cả hai bị cáo liên tục gục đầu xuống vành móng ngựa khóc nức nở: “Do nhà bị cáo nghèo, thương mẹ không có tiền mua thuốc uống nên bị cáo mới có hành vi nông nổi” và “thấy mẹ vất vả quá nên nghĩ cách kiếm tiền sai trái…”. Các bị cáo chỉ biết khóc khi đã nhận ra được những việc làm tội lỗi của mình.Hai người mẹ cũng chỉ biết nhìn con mà khóc. Mẹ của Phượng thổn thức: “Lỗi là do tôi tất cả, công việc tất bật từ sáng đến tối ai thuê gì tôi cũng làm, chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền để con bằng bạn bằng bè, không để con thiếu ăn mà tội nó, vì nó sớm không cha nên thiệt thòi mọi mặt”.Khi được HĐXX cho phép được nói với tư cách là người giám hộ, mẹ của Phượng vừa nói, vừa khóc: “Con tôi phạm tội như thế một phần do lỗi của tôi và tôi phải có trách nhiệm. Giờ đây, tôi chỉ mong pháp luật cho cháu được hưởng lượng khoan hồng để cháu có thể làm lại cuộc đời…”.
Thấy vậy, mẹ của Thúy cũng rấm rức khóc, tự trách mình vì miếng cơm manh áo mà thiếu sự quan tâm khiến con cái lạc lối, sa vào luật pháp.HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo rất nguy hiểm. Nhưng do các bị cáo phạm tội khi còn quá nhỏ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn nên giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Giảm từ 6 năm 6 tháng tù xuống còn 4 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Trần Thị Ngọc Phượng về các tội “Cướp tài sản” và “Cướp giật tài sản”.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy được giảm từ 2 năm 6 tháng tù xuống còn 1 năm 10 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam) về tội “Cướp giật tài sản”. Bị cáo Thúy được trả tự do ngay tại tòa.Kết thúc phiên xét xử, vị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở: “Phiên tòa mở ra không chỉ để xét xử tội danh của các bị cáo. Đây còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ phải biết cách dạy dỗ và quan tâm đúng cách tới con mình, đừng để chúng đi vào còn đường phạm pháp và có kết cục như ngày hôm nay”.
(Theo Dòng Đời)
VNN