Giáo dục

Vụ gian lận điểm thi: Đòi cấm thi 2019 là sai!

Quy chế hiện hành chỉ cấm thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp…

Trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại Hòa Bình, nếu việc truy cứu trách nhiệm hình sự một số người có liên can đang suôn sẻ theo trình tự thì việc xử lý các thí sinh (TS) có liên quan lại đang bị khựng.

Cụ thể, một số người trong đường dây nâng điểm thi vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Trong khi đó đối với các TS được nâng điểm, có ít trường hợp bị cho thôi học, có nhiều trường hợp thì các trường đại học (ĐH) đợi Bộ GD&ĐT chỉ đạo (trong số đó có những trường hợp được nâng điểm ở những môn không thuộc tổ hợp xét tuyển)…

Ngoài ra, trong việc thi lại của các TS, ngay sau khi Bộ GD&ĐT phát thông báo “các TS gian lận điểm vẫn được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019” thì có người đồng ý, người không. Có không ít người muốn Bộ GD&ĐT tước quyền dự thi của những TS đó trong 2-3 năm “cho đáng tội”, bởi phần lớn TS đó là con ông cháu cha.

Vậy đề xuất cấm thi này có nên chấp nhận? Theo chúng tôi là không nên.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La tống đạt quyết định khởi tố đối với ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD&ĐT. Ảnh: TUYẾN PHAN

Không được cấm thi khác với quy chế

Cần lưu ý là Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành của Bộ GD&ĐT không cấm thi đối với các TS diện trên. Rất đơn giản là do không dự liệu đủ nên quy chế này đã không xác định các trường hợp nâng điểm bậy là vi phạm quy chế thi để từ đó có hình thức chế tài thích đáng.

Theo quy chế trên, việc cấm thi trong hai năm tiếp theo chỉ áp dụng cho những TS vi phạm một trong các lỗi như giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp…

Do vậy, khi quy chế không điều chỉnh thì Bộ GD&ĐT vẫn phải cho phép các TS đó dự thi bình thường chứ không được phép làm khác hơn. Tương ứng, giám đốc Sở GD&ĐT ở các địa phương không được quyền ra quyết định tước quyền dự thi trong hai năm tiếp theo của các TS đó.

Trường hợp cho rằng quy chế “quá dở nên để lọt sự gian trá, gây mất công bằng và thiếu tính răn đe”, các cá nhân, tổ chức có thể đề xuất hoặc tự Bộ GD&ĐT có thể xem xét, bổ sung quy định cho sát hợp hơn để các nơi có căn cứ thực hiện thống nhất.

Cho thôi học dựa theo phương thức tuyển sinh

Cũng theo Quy chế thi THPT quốc gia nói trên, việc hủy bỏ kết quả thi chỉ áp dụng cho những TS trực tiếp thực hiện hành vi sai phạm. Chẳng hạn, có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm các lỗi theo quy định; viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác… Thành thử, nếu áp theo quy chế này thì giám đốc các sở GD&ĐT cũng không có đủ cơ sở để ra quyết định hủy bỏ kết quả thi theo như nhiều ý kiến đề xuất.

Giờ các trường ĐH nên tính sao cho phải lẽ đối với các sinh viên có tên trong danh sách gian lận do Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cung cấp?

Hợp lý nhất là chiếu theo đề án tuyển sinh năm 2018 mà các trường ĐH đã công bố công khai, trong đó có phương thức tuyển sinh là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xử lý. Nguyên tắc chung sẽ là: Đã có gian lận điểm thi đầu vào là không được chấp nhận cho học.

Chi tiết hơn, TS có kết quả kỳ thi THPT quốc gia không đúng với thực tế (điểm giả) sẽ được xem là đã có sự vi phạm điều kiện được tuyển sinh. Các trường ĐH có thể dựa vào lỗi vi phạm này để cho thôi học ngay các TS có sự gian lận điểm thi, bất kể điểm giả của môn thi có trong tổ hợp xét tuyển hay không.

Cần làm rõ các phụ huynh có trách nhiệm pháp lý gì không

Theo chúng tôi, các cơ quan pháp luật nên tiến hành xem xét, xác định trách nhiệm pháp lý (nếu có) của các phụ huynh trong vụ gian lận điểm thi.

Sở dĩ phải mở ngoặc “nếu có” vì không phải sai trái nào cũng là vi phạm pháp luật và một người chỉ bị xem là đã có hành vi vi phạm pháp luật khi có kết luận, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, nhiều người nghi ngờ các phụ huynh có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ nhưng thực hư thế nào thì phải chờ các cơ quan pháp luật xem xét, xác định. Và tất nhiên, các phụ huynh chạy điểm có/không có “tội” gì thì các cơ quan có thẩm quyền đều cần công khai thông tin cho dư luận rõ.

Trước mắt, mọi chế tài đối với các TS vì có điểm thi gian lận đều buộc phải theo đúng quy chế hiện hành của Bộ GD&ĐT và các quy định khác có liên quan. Việc tuân thủ này sẽ tránh được chuyện “quýt làm, cam chịu”, bảo đảm sự phù hợp với Quy chế thi THPT quốc gia và các chuẩn pháp lý chung.

Tác giả: Nguyên Thy

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP