Tin Hà Tĩnh

Vụ cá hồ Khe Lang chết bất thường: Nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép

Hà Tĩnh xác định tình trạng ô nhiễm môi trường ở hồ Khe Lang đáng báo động, nhiều thông số vượt quy chuẩn hàng chục lần.

Cấp bách bảo vệ nguồn nước hồ Khe Lang

Chiều 5/8, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi thực hiện quan trắc mẫu nước lòng hồ, mẫu cá và mẫu nước tại các dòng chảy về khu vực hồ Khe Lang, huyện Can Lộc, cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ chứa thủy lợi này.

Chất lượng nước hồ Khe Lang ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt.


“Kết quả phân tích cho thấy, chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực lòng hồ và các dòng chảy về hồ Khe Lang đã bị ô nhiễm. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để khẳng định việc ô nhiễm này do nước thải của các trang trại chăn nuôi lợn xung quanh.

Có thể do nước mặt hồ Khe Lang và các dòng chảy về khu vực hồ chịu sự tác động của nhiều hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt dân cư, chăn thả trâu bò... và việc vệ sinh lòng hồ lâu ngày chưa được quan tâm”, văn bản của Sở TN-MT nêu.

Trước đó, ngày 13/7 sau khi tiếp nhận thông tin cá tại hồ Khe Lang chết hàng loạt, Sở TN-MT chủ trì phối hợp Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi, Chăn nuôi – Thú y; Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh; chính quyền huyện Đức Thọ, Can Lộc và Trung tâm quan trắc TN-MT đã lập đoàn kiểm tra thực địa, lấy 9 mẫu nước và 1 mẫu cá để quan trắc, xác định nguyên nhân.

Kết quả phân tích cho thấy, 2 mẫu nước mặt khu vực lòng hồ Khe Lang (1 mẫu tại vị trí tràn xả lũ thuộc xã An Dũng, huyện Đức Thọ và 1 mẫu ở vị trí tiếp nhận nguồn nước chảy từ địa bàn xã Thường Nga, huyện Can Lộc về hồ Khe Lang) có 2 thông số BOD5 và COD vượt giới hạn từ 1,07 đến 1,27 lần và 3 thông số BOD5, COD và Coliform vượt giới hạn từ 1,08 lần đến 3,17 lần.

Nhiều mẫu nước phân tích vượt giới hạn cho phép đến hàng chục lần.

Mẫu nước mặt tại lạch dẫn nước qua cống đường 70 thuộc xã An Dũng cách hồ Khe Lang 300 m và mẫu nước cống qua đường 70 chảy từ hồ Ao Nậm xuống Khe Trăn, thuộc xã Phú Lộc, huyện Can Lộc trước khi về hồ Khe Lang phát hiện, 5/8 thông số phân tích (gồm BOD5, COD, Amoni, Photphat, Coliform) vượt giới hạn cho phép từ 1,23 đến 19 lần và riêng thông số Amoni vượt giới hạn cột A2 QCVN 08 từ 1,84 lần đến 50 lần.

Đối với mẫu cá chết, không phát hiện thấy các loài vi khuẩn gây bệnh thường gặp trên cá.

Như vậy, có nhiều yếu tố dẫn đến nguồn nước hồ Khe Lang ô nhiễm. Ngoài yếu tố nước thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, chăn thả trâu bò... các dòng chảy quanh khu vực hồ có hàm lượng các chất dinh dưỡng vượt rất cao nên có thể khi thời tiết mưa lớn đã cuốn theo một lượng lớn chất bẩn (bùn, phân trâu bò thả xung quanh...) vào nguồn nước.

Lượng chất bẩn này làm gia tăng độ đục trong nước khiến cho các thực vật thủy sinh (chủ yếu là tảo) không thể quang hợp để cung cấp oxy trong nước. Ngoài ra, hàm lượng các chất hữu cơ (COD, BOD5) gia tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng oxy để các loài sinh vật phân hủy hợp chất hữu cơ, vô cơ lớn.

Hiện tượng cá chết được xác định do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do nguồn nước từ các dòng chảy về hồ Khe Lang bị ô nhiễm.


Đặc biệt, với hiện tượng thời tiết nắng nóng kèm mưa trái mùa trong tháng 6, 7/2022 làm nhiệt độ nước tăng cao đột ngột dễ gây nên hiện tượng cá ngạt oxy, chết...

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động nguồn nước hồ Khe Lang, Sở TN-MT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các dự án UBND tỉnh và Sở TN-MT phê duyệt hồ sơ bảo vệ môi trường trong lưu vực hồ Khe Lang. Trường hợp phát hiện vi phạm xử lý mạnh tay để răn đe.

UBND huyện Can Lộc, Đức Thọ yêu cầu cấp xã, các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, thu gom, tiêu hủy toàn bộ số cá chết. Đồng thời, rà soát kỹ các nguồn thải; giám sát hoạt động tự ý thả cá, đánh bắt cá, chăn nuôi, chăn thả trâu bò, sinh hoạt dân cư trong khu vực... có tác động trực tiếp, gián tiếp đến nguồn nước hồ Khe Lang để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tuyên truyền người dân không chăn thả trâu bò, vật nuôi, không kích điện đánh bắt nguồn lợi thủy sản trong khu vực hồ.

Theo kết luận của Sở TN-MT, chưa có cơ sở để khẳng định việc ô nhiễm nước hồ Khe Lang do nước thải của các trang trại chăn nuôi lợn xung quanh.


Đối với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ chất lượng nước trong công trình theo quy định. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng thả các loài thủy sản vào hồ khi chưa có phương án được cấp có thẩm quyền cho phép...

Tất cả các nội dụng trên đề nghị hoàn thành, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Sở ngành liên quan trước ngày 30/10/2022.

Xử phạt trang trại chăn nuôi 60 triệu đồng
Mặc dù không trực tiếp xả ra hồ Khe Lang nhưng mẫu nước thải tại vị trí cống thoát nước thải của Công ty CP phát triển nông lâm Hà Tĩnh, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (cũng nằm trong khu vực có dư luận xả thải gây ô nhiễm môi trường), cơ quan chức năng tiến hành phân tích mẫu, xác định có thông số Coliform vượt 3,2 lần so với giới hạn cho phép

Việc bảo vệ, làm sạch nguồn nước hồ Khe Lang là việc làm cấp bách.

Ngay sau đó, ngày 29/7/2022 Thanh tra Sở TN-MT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này số tiền 60 triệu đồng.

Hồ Khe Lang nằm trên địa bàn 2 huyện Can Lộc và Đức Thọ. Hồ có dung tích 9,6 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 100 ha lúa (2 vụ); hàng chục ha hoa màu và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là hồ chứa nằm trong quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các xã An Dũng, Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) và Thường Nga, Kim Song Trường (Can Lộc).

Trước đó, từ đầu tháng 6/2022 tại lưu vực hồ Khe Lang bắt đầu xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường, cá chết hàng loạt, trong đó có những loài cá kích thước lớn như cá mè, cá trắm... Chỉ tính riêng từ ngày 8 – 13/7 chính quyền địa phương đã thu gom, xử lý khoảng 140 kg cá chết.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP