Mới đây, hơn 70 phụ huynh của Trường THCS Đất Đỏ tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã xin rút con khỏi các lớp học này. Trước đó, vào đầu năm học 2015-2016, tại một số trường THCS ở Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự. Vì sao một mô hình trường học mới được triển khai một cách rầm rộ, được không ít người từng ca tụng trên mây lại gặp phải sự phản ứng quyết liệt như thế?

Phụ huynh lo con dốt, mất căn bản

Tại cuộc đối thoại với nhà trường ngày 19-7, nhiều phụ huynh có con học mô hình VNEN ở Trường THCS Đất Đỏ đều cho rằng kết quả học tập của con em họ, đặc biệt ở bậc THCS, là rất đáng lo ngại. Theo phản ánh của phụ huynh nhiều địa phương, một trong những lý do là nhiều nơi ở bậc tiểu học sĩ số lớp quá đông (có nơi gần 60 em/lớp), HS yếu kém được xếp chung với HS khá giỏi. “Nhiều em ý thức học tập chưa cao, không ít HS chỉ ngồi trông chờ vào một số bạn khá giỏi, năng nổ trong nhóm. Ngồi theo nhóm, nhiều em copy bài bạn nên gia đình dễ ngộ nhận con mình học giỏi” – phụ huynh tên PT (TP.HCM) nói. Do không bị chấm điểm, không truy bài, không có bài tập…, một số em vốn lười học lại càng lười học hơn, dẫn tới mất căn bản, điểm thấp.

Phụ huynh Trần Thị L. (TP.HCM) nêu lý do không muốn con tiếp tục theo lớp VNEN: “Vào lớp 6 cháu phải học nhiều môn mới mà thầy cô lại không giảng bài nên cháu không hiểu, nếu không hiểu thì học làm gì? Nghe nhiều người bảo học theo cách mới nhưng thi vẫn theo cách cũ, tôi sợ con mình sau này thi cử không được”.

Một phụ huynh khác cho rằng con ông thường xuyên kêu trong lớp không hiểu bài. Trong khi đó ông muốn giảng dạy cho con cũng rất khó vì không có sách tham khảo, không có điều kiện kèm con học.

Một lớp học triển khai theo mô hình trường học mới VNEN. Ảnh: P.HÙNG

Giáo viên quá tốn kém

Một giáo viên dạy tiểu học theo mô hình này tại huyện Củ Chi, TP.HCM cho hay cái hay của mô hình VNEN là sĩ số HS trong lớp ít, chỉ 35-40 HS/lớp nên chất lượng hơn. Tài liệu thì sử dụng loại sách dùng chung cho cả giáo viên và HS, giáo viên không phải soạn giáo án, bố cục nội dung đơn giản. Khác với cách học cũ, HS sẽ ngồi học cố định theo nhóm. Lớp học VNEN được tổ chức theo hội đồng tự quản, gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban do các em ứng cử và bầu chọn như ban học tập, ban sức khỏe, ban đối ngoại, ban thể dục, ban văn nghệ… Căn cứ hướng dẫn trong sách, giáo viên gợi mở vấn đề, HS sẽ thảo luận, tự đưa ra kết luận, sau đó giáo viên sẽ tóm lại nội dung. Như thế HS sẽ tự quản lẫn nhau nên vai trò của giáo viên sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, HS nhờ đó cũng tự lập và tự tin hơn hẳn.

Theo giáo viên này, mục đích của mô hình tự quản thì tốt, giúp các em tự tin hơn rất nhiều và giảm vai trò của giáo viên trong việc quản lớp nhưng phải rất vất vả để tạo được nếp cho lớp. Tên các chức vụ và bộ phận thì bị “người lớn hóa”, ban bệ, chủ tịch này nọ chưa phù hợp với văn hóa người Việt.

Giáo viên NTP từng dạy lớp VNEN tại quận 2 (TP.HCM) cho hay cái dở của dạy học theo mô hình này là giáo viên và HS sẽ rất vất vả và tốn kém trong trang trí, thiết kế lớp học vì yêu cầu phải có đủ bảng biểu, tranh ảnh. Tất cả đều do giáo viên phải suy nghĩ, mua sắm và bỏ công ra làm.

Một giáo viên khác cho biết điều nữa khiến phụ huynh không hài lòng là khi mới triển khai thí điểm thì tài liệu được phát miễn phí nên phụ huynh cũng hào hứng, bởi bớt tốn kém. Thế nhưng hai năm nay, phụ huynh HS phải mua tài liệu với giá đắt đỏ vì trên thị trường rất hiếm, một quyển như ở lớp 5 cũng từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng.

Nếu không thay đổi, VNEN sẽ chỉ phù hợp với miền núi

“Trong tương lai, nếu chương trình VNEN không có sự thay đổi thì mô hình này chỉ phù hợp với HS miền núi” – TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nói với Pháp Luật TP.HCM chiều 20-7 về mô hình VNEN.

TS Hương cho rằng mô hình VNEN đặt ra một mục tiêu rất tốt đẹp, giải quyết những khó khăn hiện tại của giáo dục Việt Nam, tuy nhiên có một vấn đề là phụ huynh và giáo viên phát triển chưa kịp đối với những yêu cầu đổi mới.

Theo TS Hương, giáo viên giỏi là người phải biết lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp cho từng tiết học. “Không thể nói giáo viên không cần giảng, giáo viên phải giảng trong một số hoạt động, đặc biệt là hoạt động bài mới. Với mô hình VNEN, có rất nhiều thầy cô hiểu nhầm là chỉ cho các cháu tự trao đổi với nhau chứ giáo viên không giảng điều này là không chính xác” – bà Hương phân tích.

Nếu muốn đổi mới giáo dục thì điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của giáo viên. Họ cần hiểu thế nào là giáo dục theo năng lực, bởi chúng ta đang chuyển giáo dục theo hướng phát triển năng lực chứ không phải cung cấp kiến thức như ngày trước, từ đó giáo viên mới có những hình thức hoạt động phù hợp theo từng bài học.

Từ trước đến nay giáo viên bị quản lý vô cùng chặt, điều này làm cho giáo viên không còn khả năng sáng tạo. Nhưng phải “cởi trói” từ từ, nếu thả ngay lập tức họ sẽ rất lúng túng mà không biết làm sao xử lý.

Mô hình VNEN đòi hỏi sự vận động của trẻ con rất nhiều, sau một tiết học người giáo viên cần năng động đi tới từng nhóm một lần, “nhưng chính tôi chứng kiến, trong một lớp có sáu nhóm, giáo viên chỉ tới ba nhóm, còn lại ba nhóm giáo viên không hề tới, các cháu này đều không biết làm gì. Như vậy, mô hình có phát huy được không phụ thuộc vào giáo viên rất nhiều” – cô Hương chia sẻ.

Theo TS Hương, trong tương lai nếu không có hướng thay đổi, mô hình này sẽ chỉ phù hợp với các vùng núi. Bởi mô hình VNEN dành cho những lớp ghép rất phù hợp với miền núi, giáo viên có thể giám sát được hoạt động của các em. Ngoài ra, trẻ em nông thôn miền núi thiếu tự tin, mô hình này có thể giải quyết được điều đó.

PHI HÙNG

_________________________________

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD. Mô hình này khởi nguồn từ Colombia những năm 1995-2000 để dạy HS trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm. Sau hơn ba năm triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam (từ năm học 2012-2013), cả nước có 54 tỉnh, thành triển khai mô hình này với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.

Theo văn bản của Bộ GD&ĐT đưa ra hồi tháng 3-2016, dự án này kết thúc từ ngày 31-5-2016 và dự án bắt đầu ngừng hỗ trợ kinh phí cho các trường.

HÀ AN