Danh Nhân

Tổng Bí thư Hà Huy Tập với quan điểm phát huy sức mạnh quần chúng

Phong trào Cộng sản thế giới và Việt Nam ở nửa đầu những năm 30 của thế kỷ XX tồn tại không ít quan điểm tả khuynh, tuyệt đối hóa sức mạnh của giai cấp công nông, xem nhẹ vai trò của các lực lượng xã hội khác. Nhưng với TBT Hà Huy Tập thì quần chúng là động lực cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương muốn hoàn thành sứ mệnh của mình thì phải phát triển phong trào quần chúng và lãnh đạo quần chúng.

Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 bị dìm trong bể máu. Hàng loạt tổ chức cơ sở Đảng bị vây ráp, nhiều đảng viên bị bắt bớ, tù đày, sát hại trong cuộc khủng bố trắng. Suốt những năm từ 1932 đến 1935, phong trào cách mạng lắng xuống. Nhiều người đã tỏ ra hoang mang hoài nghi về sức mạnh đấu tranh của quân chúng lao động. Thế nhưng trong thời điểm khó khăn nhất, Hà Huy Tập lại có cách nhìn khác.

hatinh
Tổng Bí thư Hà Huy Tập và bài viết trên báo nước ngoài (Ảnh tư liệu)

PGS-TS Phạm Xanh của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Khi viết Lịch sử phong trào Cộng sản Đông Dương, Hà Huy Tập đã khẳng định: “Cao trào cách mạng 30 – 31 là một bước tiến trong lịch sử Đảng của chúng ta”. Hà Huy Tập đã thấy được sức mạnh từ trong quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, thấy được chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã ăn sâu bám rễ vào quần chúng.

PGS-TS Phạm Xanh – Đại học Quốc gia Hà Nội nói về các quan điểm của Tổng Bí thư Hà Huy Tập về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng

Trong nhiều bài viết của mình, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã kịch liệt phê phán các quan điểm “Không biết dựa vào quần chúng” “không thể lôi kéo quần chúng”… Trên cương vị lãnh tụ của Đảng, Tổng Bí thư Hà Huy Tập khẳng định: “Đảng Cộng sản Đông Dương muốn làm tròn nhiệm vụ của mình trong cách mạng thì phải phát triển phong trào quần chúng và lãnh đạo quần chúng”.

Lời nói đi liền với hành động, ngay tại hội nghị tháng 9-1937, Ban Chấp hành Trung ương dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã thông qua quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, sau đó đổi tên là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Đây chính là mặt trận đoàn kết tập hợp rộng rãi các lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng hướng tới mục tiêu dân tộc, dân chủ, dân sinh.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập trong một cuộc hợp với các đoàn thể quần chúng ( Ảnh tư liệu)

So với những quan điểm tả khuynh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng trong những năm nửa đầu thập niên 30 của thế kỷ XX thì những quan điểm trên đây của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là bước chuyển biến quan trọng về chất trong việc xác định động lực cách mạng nói chung. Và trên thực tế: Sự phát triển của phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939 đã minh chứng hùng hồn cho những quan điểm sâu sắc, sáng tạo của Tổng Bí thư Hà Huy Tập về xây dựng mặt trận và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng.

Trần Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP