Kinh tế

Thực hư chuyện nông dân Hà Tĩnh khóc vì “sưu cao thuế nặng”?

Thời gian qua, có nhiều thông tin phản ánh việc một số địa phương ở Can Lộc (Hà Tĩnh) đã lạm thu nhiều khoản trái quy định làm dân “sức tàn lực kiệt”, thậm chí có nông dân đã phải khóc lóc thảm thiết vì bị lạm thu. Vậy thực hư sự việc ra sao?

“Bác không khóc vì chuyện thuế má”

Đó là khẳng định của bà Lê Thị Hương, xóm Văn Minh, xã Thường Nga (Can Lộc) khi được hỏi về tấm ảnh bà khóc được chú thích là “Bà Lê Thị Hương liên tục khóc khi kể về các khoản thu” đăng tải rộng rãi trên báo và trên mạng điện tử.

“Lúc đó có hai người vô, hỏi chuyện gia đình, bác tủi thân về chuyện con cái đau ốm, gia đình khó khăn nên bác khóc, chứ bác có nhắc chi chuyện thuế má, có biết thuế má chi mô”, bà Hương bức xúc về việc tấm ảnh mình đã bị ai đó chụp và tự ý tung lên mạng kèm lời chú thích sai vấn đề.

“Bác sống đây là nhờ xã, xóm, nhờ bà con, chứ chuyện nộp các khoản thì bác đã nộp lâu rồi, bác có nói chi mô”, bà Hương khẳng định.

Đến nhà chị Trần Thị Thành, xóm Đông Nam, xã Thường Nga, chồng mất, thuộc diện hộ nghèo. Một số thông tin phản ánh là trong năm 2015, chị Thành phải nộp hơn 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Thường Nga, đó là số tiền của các năm từ 2012 đến 2015 dồn lại, trong đó có khoản tiền phạt vi phạm chính sách dân số theo hương ước thôn (500 nghìn đồng). Chị Thành công nhận 1,6 triệu là số tiền của nhiều năm dồn lại, chứ không phải là khoản thu của một năm. Trong năm 2015, hộ chị Thành chỉ phải nộp số tiền 403 nghìn đồng cho xã. “Tôi là hộ nghèo, đã được hưởng các chính sách của hộ nghèo, các khoản đóng đậu khác thì tôi nghĩ cũng phải đóng như các hộ khác”, chị Thành nói.

Bà Lê Thị Hương: “Bác tủi thân về chuyện con cái đau ốm, gia đình khó khăn nên bác khóc”

Là xã miền núi độc canh cây lúa, xã Thường Nga đã có rất nhiều cố gắng để tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, dự kiến sẽ về đích vào năm nay. Đến nay, xã đã vận động các nguồn vốn lồng ghép hơn 23,8 tỉ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng. Năm 2005, xã đã xây dựng phương án huy động từ nhân dân số tiền 756 triệu đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; trung bình vận động mỗi hộ 652 nghìn đồng.

Ông Trần Đình Khanh, thôn Chùa Hội nói: “Về các khoản thu xây dựng cơ sở hạ tầng thì tôi nhất trí, nhưng yêu cầu thu bao nhiêu phải chi đúng mục đích, đúng địa chỉ”.

Để xây dựng phương án thu, UBND xã đã có “Kế hoạch dự trù khối lượng làm đường, mương năm 2015 trình cử tri” ngày 20.12.2014. Sau khi được cử tri bàn bạc, thống nhất, HĐND xã Thường Nga đã ban hành Nghị quyết số 47 ngày 9.1.2015 về xây dựng cơ bản và dự toán ngân sách năm 2015, đồng ý với mức vận động nói trên. Sau đó, UBND xã đã triển khai phổ biến kế hoạch thu vào sau vụ thu hoạch lúa Hè thu. Đến nay, toàn bộ số tiền thu đã nộp vào kho bạc theo quy định.

“Các khoản thu của chúng tôi đều thực hiện theo quy định, với mục đích đầu tư các công trình hạ tầng, phúc lợi phục vụ nhân dân. Về khoản “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” đã được các cử tri thống nhất vận động thu theo đầu sào, vì vậy có người hiểu đây là thu thuế nông nghiệp. Thực chất đây là khoản huy động đóng góp của dân để xây dựng nông thôn mới”, ông Đường Trọng Hữu, Chủ tịch UBND xã Thường Nga cho biết.

Nông dân có trả ruộng?

Theo một số thông tin phản ánh, tại xã Kim Lộc (Can Lộc), một số cán bộ xã đã tính toán suất đầu tư cho một sào ruộng lên tới 946 nghìn đồng, năng suất trung bình 2,5 tạ/sào thì còn bị lỗ. Như trường hợp gia đình ông Phan Nhân Thuyết (thôn Kim Thịnh), làm 7,5 sào ruộng đầu tư hết 8,42 triệu đồng, nhưng thu hoạch xong, bán lúa chỉ được 8,4 triệu đồng, bị lỗ khoảng 40 nghìn.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Kim Lộc phản ứng: “Cứ tính mỗi sào năng suất đạt 300kg, giá lúa hiện tại là 7 nghìn đồng/kg, thì mỗi sào thu về 2,1 triệu đồng, trừ đi gần 1 triệu tiền đầu tư như phép tính trên thì vẫn còn lời hơn 1 triệu. Như ông Thuyết làm 7,5 sào thì mỗi vụ sẽ lời khoảng trên 8 triệu đồng”.

Bằng chứng cụ thể, theo ông Hữu là gia đình ông Thuyết có đời sống ổn định, năm 2014 ông mới làm nhà trị giá khoảng 500 triệu đồng, trong đó có nguồn do ông tích lũy.

Tại Kim Lộc, các khoản thu đều có “địa chỉ” cụ thể, với mục đích phục vụ cộng đồng như làm đường bêtông, xây nhà văn hóa, trường mầm non. Quá trình thu, xã cũng đã lập phương án, thông qua bàn bạc của dân, được dân đồng tình. Có hộ được cho là phải đóng góp nhiều, thực chất là do các năm trước chưa nộp. Như hộ ông Phan Đình Công, theo phản ánh là phải đóng tới gần 4 triệu đồng trong một vụ, nhưng thực chất khoản nợ cũ đã lên tới gần 2 triệu đồng, khoản đóng góp làm nhà văn hóa xóm 1,2 triệu đồng; thực chất hộ ông Công chỉ phải nộp tất cả các khoản trong năm 2015 cho xã là 800 nghìn đồng.

“Nói chuyện nông dân viết đơn trả ruộng ở đâu thì chúng tôi không biết, nhưng ở Kim Lộc thì cho đến nay chưa có chuyện đó. Diện tích gieo cấy đạt 99% và truyền thống thâm canh của Kim Lộc vẫn giữ vững”, ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch xã nói.

Ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc trao đổi: “Chủ trương xây dựng nông thôn mới huy động các nguồn vốn xã hội và sự đóng góp của dân để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều địa phương ở Can Lộc, do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn vốn huy động từ nhân dân chiếm tỷ lệ thấp, như ở Thường Nga là 3,03%, ở Kim Lộc là 13,3%, riêng xã Thanh Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí nên năm 2015 không huy động đóng góp. Việc vận động đóng góp cơ bản đúng quy trình, được nhân dân đồng thuận, tiền thu được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn một số hạn chế, bất cập nhất định, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương khắc phục, chấn chỉnh”.

Bà Lê Thị Hương giải thích lý do khóc:

Đường bê tông nông thôn mới tại xã Thường Nga
Xã Thường Nga phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2015
Bà Lê Thị Hương: “Bác không khóc vì chuyện thuế sản”
Nhà mới của ông Phan Nhân Thuyết (Kim Lộc)

QUANG ĐẠI – QUỐC CƯỜNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP