Tin trong nước

Thảm sát Gia Lai: Nỗi đau người tâm thần bị “ma men” dẫn lối

Vụ thảm sát ở Gia Lai, nghi phạm chém 7 người từng có tiền sử bệnh lý về tâm thần khiến dư luận xã hội hoang mang. Vậy làm thế nào để quản lý tốt hơn người bệnh tâm thần trong những ngày nắng nóng?

Tin tức về vụ thảm sát ở Gia Lai, nghi phạm Vũ Văn Đản (SN 1976, trú tại thôn Phú Vinh, xã Ia Băng huyện Chư Prông) trong lúc say rượu đã vung dao chém chết 4 người và khiến 3 người khác bị thương lại thêm một nỗi đau cho xã hội. Đáng ngại hơn khi chị dâu của đối tượng cho biết, Vũ Văn Đản từng có tiền sử bệnh lý về tâm thần. Đã có nhiều cảnh báo được đưa ra để hạn chế người tâm thần gây án nhưng đến nay, vụ thảm án lại khiến dư luận bàng hoàng đặt câu hỏi: Phải chăng, gia đình và xã hội đang có sự lơ là trong quản lý người tâm thần? Và, liệu, thời tiết nắng nóng bất thường những ngày qua có phải là một trong số tác động khiến thảm án đau lòng xảy ra chiều ngày 23/8 vừa qua? Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Dương Quang Niệm, Bệnh xá trưởng trường Giáo dưỡng số 2 (Ninh Bình) thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an để đi tìm đáp án cho những câu hỏi đang nhức nhối dư luận.

 

Thảm sát Gia Lai: Nỗi đau người tâm thần bị 'ma men' dẫn lối - Ảnh 1

Bác sỹ Dương Quang Niệm, trường Giáo dưỡng số 2, Tổng cục VIII, Bộ Công an trao đổi với phóng viên. Ảnh Dương Thu

Phóng viên: Dư luận đang bàng hoàng bởi vụ thảm sát ở Gia Lai, tin tức mới nhất cho biết nghi phạm có tiền sử bệnh lý tâm thần. Xin ông cho biết, người có tiền sử tâm thần lại uống rượu thì mức độ nguy hiểm như thế nào?

Bác sỹ Dương Quang Niệm: Người bệnh tâm thần có rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như tâm thần do căn nguyên của não hoặc những người dùng nhiều bia rượu, chất kích thích trong thời gian dài, thường xuyên say xỉn. Khi đã mắc các chứng tâm thần thì hành vi đã không kiểm soát được, nếu lại cộng thêm việc uống nhiều rượu thì hành vi đó thực sự khó lường và dễ gây hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh tâm thần hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ở các tỉnh thành trên cả nước đều đã có bệnh viện hoặc khoa điều trị tâm thần. Những bệnh nhân có biểu hiện tâm thần nhất thiết phải được điều trị ở các cơ sở như vậy. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, các bác sỹ sẽ phân loại bệnh nhân và có phác đồ điều trị hợp lý.

Hành vi của những người bệnh tâm thần thường rất khó lường. Khi có thêm “ma men” dẫn lối thì bước chân sẽ hoàn toàn mất kiểm soát. Có nhiều thể tâm thần nhưng nguy hiểm nhất là thể hoang tưởng. Khi người bệnh mắc thể hoang tưởng, họ luôn luôn nghĩ rằng có một người nào đó xui mình phải giết một ai đó, hoặc thấy người khác nói chuyện rất bình thường lại nghĩ là người ta đang chửi mình. Từ đó, tâm lý căm ghét thù hận nảy sinh và tích tụ rồi bột phát trong giây phút mất kiểm soát có những hành động kinh hoàng. Những hành vi như thế này là vô cùng nguy hiểm cho gia đình, xã hội.

Bởi vậy, với những trường hợp tâm thần nhất thiết phải điều trị, không điều trị là không được, đặc biệt phải tránh xa các chất kích thích như rượu, bia…

Phóng viên: Theo bác sỹ, thời tiết nắng nóng những ngày qua có ảnh hưởng đến người tâm thần gây án?

Bác sỹ Dương Quang Niệm: Nguyên nhân của bệnh lý tâm thần có nhiều, ví dụ do sang chấn tâm lý, tâm lý bị dồn nén, hoặc những can thiệp tâm lý không chuẩn. Cũng có thể do thời tiết nóng bức, oi nồng bất thường dẫn đến khó ngủ kéo dài, ăn uống kém, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là với người tâm thần. Tùy người bệnh đang trong thể tâm thần nào thì nó sẽ có những biểu hiện khác nhau. Ví dụ như vụ ở Gia Lai lần này, đối tượng Vũ Văn Đản có biểu hiện cứ ra đường gặp ai là chém, không phân biệt người nhà hay người lạ. Có thể trong thời điểm đó, đối tượng Vũ Văn Đản cũng nghĩ rằng tất cả những người mà mình đuổi và chạy là cùng một phe cánh nói xấu mình hay chống lại mình hoặc là ghét mình. Với người có tiền sử bệnh lý tâm thần phải hết sức chú ý vấn đề ăn ngủ, nếu mất ngủ hoặc ăn uống thất thường, nguy cơ phát bệnh cao hơn.

Phóng viên: Đã có nhiều cảnh báo và sự việc đau lòng nhưng dường gia đình và xã hội đang lơ là trong việc quản lý người tâm thần, thưa ông?

Bác sỹ Dương Quang Niệm: Tôi không nghĩ như vậy. Tuy nhiên có một thực tế là đến nay, tỷ lệ người tâm thần chiếm một con số đáng kể trong xã hội với nhiều biểu hiện ở các thể khác nhau như tôi đã nói ở trên. Lâu nay, các cơ quan đoàn thể ở các địa phương đã luôn hỗ trợ tốt nhất trong việc điều trị cho người tâm thần. Họ thường là những người hảo tâm, không có lương, không có trợ cấp. Bác sỹ ở các bệnh viện tâm thần cũng luôn quan tâm, hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất trong khả năng có thể. Bởi vậy, đối với vấn đề quản lý người tâm thần thì yếu tố gia đình là quan trọng hơn cả. Gia đình phải biết người thân của mình như thế nào để quản lý, tác động cho phù hợp, đưa lên cơ sở điều trị đúng lúc, đúng thời điểm.

Trên thực tế, nhiều gia đình không biết người thân của mình có những biểu hiện tâm thần. Thậm chí, có những gia đình cho rằng người thân của mình bị người âm nhập vào và đi chữa bằng biện pháp tâm linh, mời thầy cúng bái. Điều này càng nguy hiểm vì thời gian càng kéo dài thì biểu hiện của thể tâm thần càng nặng nếu không được điều trị bằng phương pháp y học.

Với bệnh nhân đang điều trị thì phải tuân thủ nghiêm suốt quá trình điều trị. Đã có những trường hợp khi bệnh tình tiến triển tốt, bác sỹ cho người bệnh về nhà tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, người nhà chủ quan cho rằng bệnh đã khỏi, ngưng dùng thuốc. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Nếu bệnh tái phát thì rất khó kiểm soát.

Về mặt xã hội, điều tôi thấy đáng ngại nhất là nhiều trường hợp người tâm thần không nhận được chia sẻ từ những người xung quanh mình, thậm chí bị đùa cợt, chế giễu, tạo thành bức xúc nặng nề hơn làm cho bệnh tật tăng lên. Tôi chỉ ví dụ đơn giản, một người tâm thần có những biểu hiện lạ nhưng người xung quanh không biết vẫn cứ rủ uống rượu chẳng hạn, hoặc trong lúc uống rượu lại chúc cho uống nhiều, hoặc trong quá trình uống rượu lại nói thêm nhiều câu chuyện không mang tính xây dựng mà nhấn mạnh, thêm bớt điều này điều kia khoét sâu vào tư tưởng hằn thù của người tâm thần vốn đã lệch lạc suy nghĩ. Ví thử như uống rượu say bảo ông này đểu với mình, người bên cạnh lại “ừ, đúng là đểu thật, lúc nào nó cũng tìm cách vùi dập mày”… Những điều nhỏ nhặt như thế vô tình khiến cho hành động của người tâm thần trở nên quyết liệt hơn gây hậu quả nghiêm trọng.

Phóng viên: Vậy trong quản lý người tâm thần hiện nay, ông có quan điểm như thế nào?

Bác sỹ Dương Quang Niệm: Tôi cho rằng, chúng ta, nhất là người thân trong gia đình phải luôn luôn để tâm theo dõi cẩn thận, nhất là trong những ngày nắng nóng hoặc những khi có biểu hiện sang chấn tâm lý bất thường nào đó. Chỉ cần có biểu hiện khác một chút phải dùng thuốc ngay hoặc đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở điều trị gần nhất. Nếu chủ quan, hậu quả sẽ rất khó lường.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Dương Thu/ NĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP