Giáo dục

Những dối trá sau mác thần đồng ở Trung Quốc

Thần đồng trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh Trung Quốc. Nhiều cha mẹ tìm cách khoác lên vai đứa trẻ chiếc áo của người khổng lồ.

Mới đây, truyền thông Trung Quốc vừa lật tẩy phi vụ "những đứa trẻ kỳ diệu" - nhóm học sinh được cha mẹ (vốn là các nhà nghiên cứu khoa học) giúp đỡ, làm thay cho công trình nghiên cứu. Uỷ ban cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC) đã thu hồi giải ba được trao tặng cho một học sinh tiểu học ở tỉnh Vân Nam. Học sinh này được bố giúp đỡ phần lớn nghiên cứu.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên những thần đồng là tấm bia cho các vụ lừa lọc, dối trá. Nguyên nhân đều xuất phát từ tham vọng của cha mẹ.

Cậu bé giành được giải cho nghiên cứu di truyền về ung thư đại trực tràng nhưng không thể tự mình thực hiện nghiên cứu. Ảnh: Weibo.


Tự mở trường tư để... dọn đường cho con thành thần đồng

Năm 2017, cô bé 10 tuổi Zhang Yiwen (đến từ Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) trở thành hiện tượng nóng trong cộng đồng mạng khi trở thành sinh viên nhỏ nhất trong hàng ngũ huấn luyện quân sự của trường Học viện Công nghệ Thương Khâu.

Một năm trước, Yiwen tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học khi mới 9 tuổi và giành được 172 điểm. Cô bé không đỗ bất kỳ trường nào nhưng vẫn trở thành cái tên được quan tâm. Yiwen là thí sinh nhỏ tuổi nhất của kỳ thi năm đó và được một số trang gọi với cái tên thần đồng. 9 tuổi cô đã xong ba cấp học.

Nhưng khi tìm hiểu sự việc, nhiều người bất ngờ vì Yiwen chưa từng đến học tại bất kỳ ngôi trường nào. Ba cấp tiểu học, trung học phổ thông và trung học cơ sở mà em tốt nghiệp đều là trường tư thục do chính cha Yiwen, Zhang Mintao mở ra. Lộ trình giáo dục của em đã được ông bố lên kế hoạch rõ ràng: “10 tuổi vào đại học, 15 tuổi học thạc sĩ và 20 tuổi phải có bằng tiến sĩ”.

Trả lời Thanh niên Bắc Kinh Nhật Báo năm 2016, Zhang Yiwen cho biết mỗi ngày em đều học theo kế hoạch cụ thể mà cha mẹ đề ra: “Lớp học bắt đầu lúc 8h, kết thúc lúc 12h và bắt đầu lại vào lúc 14h50. 18h sẽ là thời điểm kết thúc ngày học”.

Nhiều người gọi Zhang Yiwen là "thần đồng giả mạo". Ảnh: Sina.


Hiện tượng Zhang Yiwen vấp phải nhiều quan điểm trái chiều. Theo The Paper, đa phần phụ huynh và chuyên gia phản đối cách giáo dục của ông Zhang Mintao.

Họ cho rằng bé Yiwen thông minh và có tố chất, nhưng việc bỏ qua những kiến thức cơ bản, đốt cháy giai đoạn bằng các chương trình học chưa được chứng minh hiệu quả là điều nguy hại cho Yiwen.

Với lứa tuổi hiện tại của cô bé, liệu rằng em có đủ năng lực xã hội để hòa nhập với môi trường khắc nghiệt và không cùng trang lứa? Bản thân Yiwen cũng từng bộc bạch với The Paper rằng em dần cảm thấy khó chịu vì sự xuất hiện của phóng viên và buộc phải nói trước ống kính quá nhiều lần.

Sự việc trên làm chúng ta nhớ đến một thần đồng khác là Tô Lưu Dật ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Cậu bé hoàn thành chương trình bậc tiểu học trong 2,5 ngày và học xong cấp hai sau 1,5 năm. 10 tuổi, cậu đỗ đại học nhưng sau đó không thể hòa nhập với môi trường mới bởi chưa được trang bị đủ các kỹ năng xã hội, tâm hồn vẫn như một đứa trẻ. Cuối cùng, Tô Lưu Dật tạm dừng việc học.

Tô Lưu Dật hay Zhang Yiwen đều phải khoác trên mình một lớp áo khổng lồ. Cho đến bây giờ, Yiwen vẫn bị coi là thần đồng giả mạo và phải chịu những áp lực đến từ gia đình lẫn dư luận. Còn Tô Lưu Dật trở thành nỗi tiếc nuối của nhiều người.

Nghi vấn làm giả bằng đại học danh tiếng

Trường khợp khác tờ Nhân dân Nhật báo từng đặt nghi vấn và điều tra đó là Li Xiangnan - thiếu niên 14 tuổi đến từ Sơn Đông, Trung Quốc từng được coi là thần đồng vì được tuyển thẳng vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Tin tức ngay sau đó lan truyền với tốc độ chóng mặt, thành tích của Li cũng được tìm lại bởi sự tò mò của nhiều người.

Biết lập trình từ năm 6 tuổi, tự xây dựng một website riêng khi mới 8 tuổi, 13 tuổi thành lập công ty và 14 tuổi trở thành “sinh viên dự bị” của MIT - đó là những gì cộng đồng mạng có thể tìm thấy về Li. Nó khiến không ít người phải thốt lên rằng cậu bé này đúng là thiên tài, thần đồng hiếm có.

Li Xiangnan vấp phải nhiều chỉ trích bởi thành tích đáng ngờ. Ảnh: Aboluowang.

Tuy nhiên, Nhân dân Nhật báo đã chỉ ra những điểm bất thường trong thành tích mà Li tự nhận vào năm 2017. Từ thông báo tuyển sinh đến chứng nhận giải thưởng đều bị chỉ ra các điểm sai sót và không trùng khớp. Cụ thể, tên hiệu trưởng trong thư mời của MIT, cuộc thi Robot Châu Á Thái Bình Dương mà cậu liệt kê trong giải thưởng không có thông tin.

Vụ việc đang chờ kết luận nhưng những bằng chứng được tìm thấy một lần nữa khiến không ít người thất vọng và đặt dấu chấm hỏi cho hành động của Li. Nếu điều cậu bé 14 tuổi nói với truyền thông là sai, vậy ai là người dạy em nói những điều dối trá đó?

Trường hợp của Li Xiangnan tương tự như Cen XX - cô bé 14 tuổi đến từ Chiết Giang với nghi vấn sau thành tích xuất bản 3 cuốn sách.

Theo Sina, không những vậy, trong các cuốn sách đã phát hành đều liệt kê thành tích của Cen như: Tham gia 4 cuộc thi diễn thuyết và giành giải thưởng cao, có thể sáng tác 300 bài hát, mỗi ngày làm 2.000 bài thơ, viết 15.000 từ thiểu thuyết.

Cen còn được giới thiệu đã từng tham gia nhóm nghiên cứu lãnh đạo thanh niên toàn cầu Trung Quốc, tự sáng lập 3 thương hiệu về sức khỏe và năng lượng. Nhưng cũng như Li, người ta không thể tìm thấy nhà xuất bản nào đã cấp phép cho sách của Cen, càng không thể tìm ra mặt hàng mà cô bé này bán tại 3 thương hiệu đã mở ra.

Chinanews trong bài viết có tựa đề Huy chương "thần đồng" đã bị tịch thu. Ai mới là người nên suy ngẫm? đưa ra thực tế giáo dục trẻ em tại đất nước tỷ dân như một cuộc chạy đua vũ trang, các bậc phụ huynh “không thể bị thua ở vạch xuất phát”.

Chính vì thế, không ít cha mẹ tìm cách cho con cái được đào tạo trong môi trường giáo dục khắc nghiệt hoặc tìm cách “trang bị” cho con nhiều tấm huy chương, giấy khen… Những cái tên như Li Xiangnan, Cen XX hay cả Zhang Yiwen đều là sản phẩm của nhóm phụ huynh tìm mọi cách để chiến thắng trong cuộc chạy đua trên.

Tác giả: Thiên Nhan

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP