Tin Hà Tĩnh

Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh: Cần trả lại chế độ tuất cho người có công nuôi dưỡng liệt sĩ Võ Thị Hòa

Do có người “giả mạo chữ ký”bà Hương trong Biên bản họp họ tộc và mủi lòng trước lời “cầu xin” của bà Lê Thị Thùy Dung, cán bộ chính sách xã, bà Võ Thị Cháu từ chối nhận chế độ tuất nuôi dưỡng liệt sĩ, vì sợ bà Dung bị kỷ luật. Đáp lại tấm lòng của bà Cháu, bà Dung lại làm đơn “xin tự nguyện rút hồ sơ và trả lại quyết định hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ”, yêu cầu bà Cháu điểm chỉ, công nhận chính mình là người giả mạo. Việc nhỏ “xé” ra to, bà Cháu có nguy cơ bị tước đi chế độ tuất vì có công nuôi em là liệt sĩ.

Đã có đủ điều kiện được hưởng chế độ Tuất nuôi dưỡng liệt sĩ

Cụ Võ Đức Dược kết hôn với cụ Trần Thị Dược, ở thôn Mục Hòa, xã Trung Lộc sinh được bà Võ Thị Cháu và bà Võ Thị Hòa rồi sang Lào làm ăn và mất tích. Sau khi cụ Dược bỏ đi, cụ Trần Thị Dược tái giá, bỏ lại 2 con là Võ Thị Cháu và Võ Thị Hòa tự nuôi nhau. Chị em bà Cháu sống được đến ngày trưởng thành là nhờ cần cù chịu khó, chịu khổ và được gia đình bà ngoại cùng bà con làng xóm cưu mang, giúp đỡ. 19 tuổi, bà Võ Thị Hòa tham gia dân công hỏa tuyến và hi sinh, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.

Bà Võ Thị Cháu, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ Võ Thị Hòa 12 năm

Gần 4 năm sau ngày Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành, bà Cháu mới biết và nhờ được người làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ tuất nuôi dưỡng liệt sĩ.

Ngày 17/7/2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định cho bà Cháu được hưởng chế độ tuất nuôi dưỡng liệt sĩ, kèm theo 69 triệu đồng tiền truy lĩnh. Theo bà Cháu, bà chưa kịp nhận thì “ông Khanh, Bí thư Đảng ủy xã nói: "Bà muốn làm chi thì làm, nay có nhà báo về điều tra, bà giả mạo chữ ký trong hồ sơ hưởng tuất liệt sĩ". Cùng ngày hôm đó, bà Dung, cán bộ chính sách xã nói với bà Cháu: "Bà mần răng thì mần, con được bố mẹ cho ăn học, bây giờ có công việc như hôm nay không phải dễ... bà đừng mần con mất việc". Nói rồi bà Dung khóc!”.

Cán bộ cấp dưới làm trái được cấp trên bao che

Trao đổi với phóng viên Báo Ngày mới online, bà Cháu cho biết: “Thương tình Dung và sợ Dung mất việc nên tui đồng ý rút hồ sơ. Ai ngờ Dung lại “trở mỏ cắm cánh”, làm đơn yêu cầu tui kí, điểm chỉ thừa nhận tui giả mạo chữ ký, nhận sai về thủ tục hồ sơ, tự nguyện trả lại quyết định trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng liệt sĩ, tiền truy lĩnh và chịu trách nhiệm về đơn, lại còn coi tui như tội phạm...”.

Làm việc với bà Dung, cán bộ chính sách xã Trung Lộc về nội dung trên, bà Dung nói: “Bà Cháu nhận ra sai nên bà làm đơn tự nguyện trả lại chế độ cho Nhà nước”. Bà Cháu phản ứng: “Tui không biết chữ răng lại viết được. O đánh máy in ra rồi nhủ bà kí vô, điểm chỉ vô, bà không biết o viết chi trong đó mà bà vẫn kí vì tin o”. Bà Dung trả lời: “Bà không viết nhưng bà đã kí, đã điểm chỉ vào thì bà phải chịu trách nhiệm”!?. Phóng viên hỏi: "Vậy, quyết định hưởng trợ cấp tuất và tiền truy lĩnh của bà Cháu ở đâu?". Bà Dung nói: đã trả về cho tỉnh.

Phóng viên gọi điện trao đổi với ông Công, Trưởng phòng Người có công Sở LĐ–TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, ông Công trả lời: “Chế độ đối với người có công đâu phải ai muốn trả thì trả. Hủy một quyết định do Sở ban hành không phải dễ. Nếu có dấu hiệu sai thì phải kiểm tra, xác minh. Ở đây hồ sơ được làm đúng quy trình, chữ ký, con dấu còn đó ai mà giám làm bậy. Sự việc có thật hay không mới là quan trọng, còn chữ kí của một người trong biên bản họp họ tộc không quyết định được việc thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định do Sở ban hành. Sai đâu thì sửa đó...”

Ngày 21/12/2018, tộc họ Võ Đức Trung Lộc lại tổ chức họp, lập biên bản “bổ sung”thay thế biên bản họp họ tộc có tên em dâu cùng mẹ khác cha với bà Cháu là Trần Thị Hương, đề nghị Chủ tịch UBND xã Trung Lộc xác nhận, nhưng ông Hội từ chối. Ông yêu cầu biên bản phải có chứng thực chữ kí. Bởi vậy, ngày 16/1/2019, Hội đồng tộc họ Võ Trung Lộc lại tổ chức họp và cùng nhau đến kí trước mặt cán bộ Tư pháp xã kí, được Chủ tịch UBND xã chứng thực.

Biên bản họp họ tộc “bổ sung hồ sơ” có chứng thực của UBND xã

Vậy nhưng, Phòng LĐ-TB&XH huyện Can Lộc và UBND xã Trung Lộc vẫn không chấp nhận biên bản họp họ tộc đã được chứng thực, mà tổ chức xác minh, đối thoại nhưng cũng không tìm ra “vết” nào trái với quy định về hồ sơ tuất nuôi dưỡng liệt sĩ.

Đối thoại ngày 29/3/2019 không có những NCT cùng thời và Bí thư, Thôn trưởng nơi sinh thời chị em bà Cháu sinh sống tham gia

Tại cuộc đối thoại ngày 29/3/2019, do Phòng LĐ -TBXH huyện Can Lộc tổ chức có sự tham gia của Trưởng phòng Người có công và Thanh tra Sở LĐ-TB&XH. Ông Hội, Chủ tịch UBND xã không chấp nhận người được ủy quyền tham dự. Đã thế, một chuyên viên của Sở còn phát biểu cho rằng, bà Cháu đang tỉnh táo nên có đủ hành vi dân sự thì không được ủy quyền. Còn người em thứ 6 cùng mẹ khác cha với bà Cháu thì yêu cầu được thờ cúng liệt sĩ và “tranh chấp” với bà Cháu, chỉ vì đòi chia tiền truy lĩnh!.

Cuộc đối thoại không có những NCT cùng thời, cùng thôn nơi chị em bà Cháu trước đây cư trú. Vậy nhưng, một số người “sinh sau, đẻ muộn” (được coi là người làm chứng do xã mời) thuộc bên các em cùng mẹ khác cha với bà Cháu lại phát biểu cho rằng, bà Cháu không nuôi em!? Khi hỏi lại: “Ai đã cưu mang và nuôi dưỡng liệt sĩ Hòa và bà Cháu” thì không ai biết.

Đã thế, kết thúc đối thoại, ông Phong, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Can Lộc còn rỉ tai phóng viên: “Anh nói với bà Cháu rút đơn đi, bà Cháu không chứng minh được là người nuôi dưỡng liệt sĩ". Thay câu trả lời, phóng viên hỏi lại: “Ai phủ nhận được biên bản họp họ tộc và thay thế được cụm từ “Địa chỉ thân nhân hiện nay: Võ Thị Cháu” thể hiện trong Giấy báo tử thì tôi sẽ động viên bà Cháu trả chế độ tuất cho Nhà nước. Ai là người được hưởng chế độ này?". Nghe thế, Ông Phong bỏ đi.

Ngày 31/3/2019, Hội đồng họ tộc lại tổ chức họp, lập biên bản khẳng định: Bà Cháu có công nuôi dưỡng liệt sĩ Võ Thị Hòa từ nhỏ với thời gian là 12 năm.

Ngày 18/4/2019, ông Phạm Viết Hội, Chủ tịch UBND và ông Phan Đăng Tường, Trưởng Công an xã Trung Lộc chủ trì đối thoại làm rõ bà Cháu sinh vào năm nào để xác định bà Cháu có đủ năng lực, hành vi nuôi em được hay không, theo sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh. Trước khi vào làm việc, ông Võ Đức Hùng, Phó trưởng Công an xã vỗ ngực: “Tôi là người chủ trì, hôm nay chỉ làm việc với bà Cháu, tôi yêu cầu các anh không được tham dự, không được phát biểu”. Một người đứng lên nói: “Chúng tôi được bà Cháu ủy quyền”. Ông Hùng hất hàm: “Giấy ủy quyền đâu?”. Người được ủy quyền nói đã trình cho Chủ tịch. Ông Hội nói ngay: “Trình giấy ủy quyền cho tôi là để tham gia đối thoại hôm trước, còn hôm nay là khác!?”.

Tại cuộc đối thoại, chủ trì yêu cầu bà Cháu nói rõ vì sao có 3 Chứng minh nhân dân, mang 3 số khác nhau, thể hiện bà Cháu sinh 1936 và 1941, có giấy tờ gì chứng minh?. Bà Cháu trả lời: “Cha tui mất tích, mẹ đi lấy chồng để lại 2 chị em tui bơ vơ, nay đây mai đó, sống được là nhờ xin ăn và sự cưu mang của bà ngoại cùng bà con làng xóm. Khi làm Chứng minh nhân dân tui nghe người ta nói sinh năm mô thì tôi khai năm đó. Tui cũng không có giấy tờ chi cả. Tui cũng không biết có chế độ tuất nuôi dưỡng để làm sẵn Chứng minh nhân dân. Các chú cho tui sinh năm mô cũng được. Sổ hộ khẩu của tui hiện nay Công an đang quản lý cũng sinh năm 1936. Các chú muốn làm chi thì làm!”

Trao đổi với ông Phong, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Can Lộc, Ông cho rằng bà Cháu sinh năm 1941, liệt sĩ sinh năm 1948 thì không thể nuôi em. Vậy nhưng, phóng viên hỏi: Bà Cháu không nuôi em thì ai nuôi? Một người mẹ bế con đi xin ăn thì hỏi ai nuôi ai? Ông Phong không trả lời.

Kiến nghị

Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ LĐ-TB&XH quy định: Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ gồm: Giấy báo tử; Bản sao Bằng “Tổ quốc ghi công”; Bản khai tình hình thân nhân liệt sĩ (Mẫu LS4). Trường hợp thân nhân là người có công nuôi liệt sĩ phải có đề nghị bằng văn bản của gia đình, họ tộc liệt sĩ, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Đối chiếu với quy định trên, bà Cháu có đủ điều kiện “cần và đủ” để được hưởng chế độ tuất nuôi dưỡng liệt sĩ. Việc bà Trần Thị Hương, con dâu của em trai cùng mẹ khác cha với bà Cháu không thuộc đối tượng phải tham gia họp họ tộc thì việc ký hay không ký vào biên bản họp họ tộc là không quan trọng. Vả lại, sau khi “vụ việc” xảy ra, bà Cháu đã làm đơn đề nghị được bổ sung Biên bản họp họ tộc được UBND xã Trung Lộc chứng thực chữ kí của các thành viên tham gia.

Tộc họ Võ Đức Trung Lộc còn tổ chức họp lại lần thứ 3 (có sự tham gia của Thôn trưởng và Bí thư chi bộ thôn) đã khẳng định: “Bà Cháu đã có công nuôi dưỡng liệt sĩ Võ Thị Hòa 12 năm”. Giấy báo tử còn thể hiện thân nhân liệt sĩ Võ Thị Hòa là bà Võ Thị Cháu nên không thể phủ nhận công nuôi dưỡng liệt sĩ của bà Cháu. Báo Ngày mới online đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh xem xét, trả lại quyết định trợ cấp tuất nuôi dưỡng liệt sĩ hàng tháng và tiền truy lĩnh cho bà Võ Thị Cháu.

Tác giả: Chí Thúc

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP