Cẩm Xuyên

Hà Tĩnh: UBND xã buông lỏng quản lý, ruộng biến thành ao

Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cầm trên tay, thế nhưng diện tích 517m2 đất trồng lúa của gia đình ông Nguyễn Thiện Nghinh (ở xóm 2, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã hơn 2 năm nay “biến” thành ao mà gia đình không hề hay biết. Sự việc được gia đình gửi đơn lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn không có câu trả lời.

Đất trồng lúa múc làm hồ lắng

Nhận được đơn thư phản ánh của gia đình ông Nguyễn Thiện Nghinh (xóm 2 xã Cẩm Lộc – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) về việc: Năm 2009 có chủ trương chia đổi lại ruộng sản xuất nông nghiệp gia đình ông cũng được chia có một thửa ruộng có diện tích 517m2 tại cánh đồng Hói Su, được UBND xã Cẩm Lộc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, hàng năm gia đình vẫn canh tác, sử dụng trên thửa đất đó.

Nhưng đến năm 2014, không biết lý do từ đâu mà chủ lò mổ đã cho máy múc diện tích đất trồng lúa của ông Nghinh làm hồ lắng của lò mổ. Điều đáng nói việc lấy đất gia đình không hề được thông báo hay có một thỏa thuận nào từ chính quyền địa phương cũng như chủ lò giết mổ. Dù sự việc diễn ra đã hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Anh Nguyễn Thiện Dũng (con trai ông Nghinh) bức xúc: Thửa ruộng này gia đình tôi canh tác từ lâu, bỗng nhiên bị chủ lò giết mổ cho máy về đào mà gia đình không hề được biết, chỉ khi xóm trưởng thông báo gia đình mới hay. Sau khi đào chủ lò mổ có hứa đổi thửa đất của chúng tôi sang một thửa đất khác để canh tác, tuy nhiên vì đổi thửa ruộng khác quá xa nên chúng tôi không đồng ý, sự việc từ đó tới nay chính quyền và chủ lò mổ cũng không có động thái gì giải quyết.

Cũng theo anh Dũng, không chỉ lấy đất ruộng của gia đình đào ao làm hồ lắng sinh học mà vì chưa thỏa thuận được mức đền bù nên dù lò mổ đã đi vào hoạt động 2 năm nay mà 3 ngôi mộ của dòng họ anh vẫn đang bị nhấn chìm dưới nước thải trong khuôn viên của lò mổ.

Trao đổi với phóng viên ông Trần Hữu Đạo, xóm trưởng xóm 2, xã Cẩm Lộc cho biết:  Khi máy múc được khối lượng tương đổi lớn thì nghe dân báo bác xuống đình chỉ máy vì đây là đất nông nghiệp của xóm và yêu cầu việc này phải có sự đồng ý của ủy ban và chủ đất, thì ông chủ lò mổ hỏi đất này là đất của ai, thì lúc đó mới tìm ông chủ đất là ông Nghinh để gặp làm việc. Theo bác thì giữa hai gia đình phải thỏa thuận bằng văn bản và có báo với UBND, lúc đó cô địa chính nói là vấn đề này trước đó xã không biết và phải cho đình chỉ. Sau đó giữa hai gia đình có thỏa thuận hay không thì bác không biết…”.

hatinh24h

Hai ngôi bị nhấn chìm trong nước không được di dời

Còn theo ông Hoàng Cu – Chủ lò giết mổ cho rằng, để mở rộng diện tích làm lò mổ ông đã lấy thêm diện tích đất ruộng của người dân. Việc lấy ruộng này ông cho rằng mình đã thỏa thuận với gia đình ông Nghinh đổi một thửa ruộng khác để cho gia đình canh tác, nhưng gia đình không chịu. Vì không đồng ý đổi ruộng ông đã đổi thóc cho ông Nghinh, mùa trước tôi đã đưa cho ông Nghinh 300 nghìn đồng, còn năm nay thì chưa thấy gia đình đến lấy.

 “Giờ muốn lấy lại ruộng thì tôi trả cho đó nhưng phải trả tôi tiền đào, đào đó tôi cũng phải thuê máy về múc hết 10 triệu chứ có ít gì đâu. Các lò mổ khác người ta cấp đất xây dựng đến 5000 – 6000m2 còn ở đây xã chỉ cấp có 2500m2, để mở rộng diện tích lò mổ theo đúng yêu cầu của phòng Tài nguyên & Môi trường huyện tôi đã phải tự lấy ruộng của mình để đổi cho các gia đình đó ấy chứ…” – Ông Hoàng Cu nói thêm.

Việc những ngôi mộ bị nhấn chìm dưới nước vẫn không được cất bốc thì ông Hoàng cho rằng, “tôi đã đồng ý hỗ trợ cho mỗi ngôi một 2,5 triệu đồng nhưng gia đình không chịu cất bốc thì đành chịu thôi, còn một ngôi mộ nữa nằm bên ngoài khuôn viên nên tôi không biết”.

Buông lỏng quản lý

Tại buổi làm việc với PV, ông Hoàng Văn Ngọ – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết: Chính quyền xã đã nhận được phản ánh của gia đình anh Dũng về vấn đề này, nhưng vì đợt vừa rồi mưa lớn kéo dài nên chưa thể giải quyết được.

Ông Ngọ cho rằng, diện tích đất chủ lò mổ lấy đất của gia đình ông Nghinh đất này không phải là đất quy hoạch lò mổ. Mảnh đất này là do chủ lò mổ và ông Nghinh tự trao đổi ngầm với nhau chứ phía chính quyền địa phương không hề biết. Còn việc đất lúa này sản xuất không hiệu quả thì người ta đổi miếng khác.

Đơn thư gia đình ông Nghinh gửi UBND xã Cẩm Lộc 

“Việc di dời những ngôi mộ này thì cũng đã có nói với gia đình này rồi nhưng quan điểm của gia đình họ như thế nào tôi không biết, họ nói chưa di dời được nên chưa di dời. Còn về diện tích 2500m2 đất cấp để làm lò mổ thì cái ao đào chưa phải đào sát ngôi mộ đó để phải di dời, nhưng để nó ngập úng như vậy nói về tâm linh như các chị nói cần phải di dời thì phải di dời thôi” – ông Ngọ nói.

Theo Bà Nguyễn Thị Nhân – Cán bộ địa chính xã cho rằng việc để xảy ra tình trạng này là do quản lý không chặt chẽ. Lò giết mổ tập trung này trước đây vì vấn đề môi trường không đảm bảo nên hai bên tự ý thỏa thuận cho nhau. Sau khi nhận được phản ánh, UBND xã cũng đã trực tiếp mời chủ lò giết mổ lên làm việc đề nghị chủ lò mổ trả lại mặt bằng cho gia đình.

Toàn bộ diện tích ruộng của ông Nghinh giờ biến thành ao

Thắc mắc vấn đề việc quy hoạch lò mổ đáng ra phải đền bù cho người dân cụ thể chứ sao chủ lò mổ phải lấy ruộng của mình để đổi cho các hộ dân như vậy? Vị cán bộ địa chính phần trần, vì lò giết mổ này được xây dựng trên diện tích đất 5% của UBND xã, trên diện tích đất sạch nên không phải đền bù, chỉ những diện tích nào lấy của dân mới nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh mà thôi, số diện tích chủ lò mổ lấy của dân đó là nằm ngoài quy hoạch.

Bà Nhân cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng này một phần chúng tôi cũng lo chạy đua nông thôn mới, phần nữa bên chủ lò mổ cũng vi phạm vì đây không có chủ trương.

Thiết nghĩ,việc diện tích đất sản xuất lúa có giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Nghinh bị ông Hoàng múc làm hồ lắng cho lò mổ từ năm 2014 đến nay mà xã không biết, không xử lý. Vậy cơ quan quản lý ở đâu!?.

Chúng sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Diệp Bình/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP