Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Thanh tra tỉnh truy thu thuế DN ngoài quốc doanh có đúng thẩm quyền?

“Theo Luật thanh tra và Luật quản lý thuế, Thanh tra tỉnh không có nhiệm vụ thanh tra và truy thu thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh” – Luật sư Hà Huy Phong cho biết.

Gần đây, một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh (không có vốn kinh doanh của nhà nước) tại Hà Tĩnh phản ánh tới báo ĐS&PL về công tác thanh tra và truy thu thuế hàng năm của các doanh nghiệp này có nhiều xáo trộn và không đúng chức năng thẩm quyền từ đơn vị được giao thanh tra và truy thu thuế trong thời gian qua.

Theo thông tin doanh nghiệp cung cấp, từ năm 2014, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị trực tiếp thanh kiểm tra doanh thu và thuế truy thu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bản tỉnh. Được biết, khi thực hiện công tác thanh kiểm tra, đoàn Thanh tra tỉnh có dựa trên quyết định của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về “Kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh”(!?).

Hà Tĩnh: Thanh tra tỉnh truy thu thuế DN ngoài quốc doanh có đúng thẩm quyền? - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Cụ thể, ngoài nội dung công tác thanh kiểm tra chuyên môn, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh còn được quyền thanh tra chống thất thu trên địa bản tỉnh, thực hiện các cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Dựa trên nội dung này, Thanh tra tỉnh đã lập danh mục các cuộc thanh tra triển khai trên địa bàn trong đó bao gồm cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh và truy thu thuế sau thanh tra.

Ngày 13/12/2016, Thủ tưởng Chính phủ đã ra chỉ đạo mới đối với công tác kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp. Theo đó, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không trùng lặp, chồng chéo.

Đặc biệt, theo con số thống kê tổng hợp kết quả truy thu của một số doanh nghiệp sau khi thanh kiểm tra của Thanh tra tỉnh, PV phát hiện sự chênh lệch rõ ràng về doanh thu và truy thu thuế giữa các năm với đơn vị thanh kiểm tra khác nhau. Theo đó, số liệu thống kế từ Thanh tra tỉnh có doanh thu cao hơn nhưng truy thu thuế lại rất thấp, thậm chí chỉ bằng gần một nửa so với các năm còn lại. Liệu đây có phải là nguyên nhân một phần dẫn tới thất thu thuế và liên quan tới lợi ích nhóm?

Liên quan tới vấn đề này, PV đã đặt lịch làm việc với ông Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh. Sau nhiều lần liên hệ, chiều ngày 6/1, chúng tôi gặp được ông Thái Sinh, Chánh thanh tra. Ông này cho hay: “Ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó chúng tôi được phép thanh tra!”.

Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco (Hà Nội) về Luật Thanh tra và Luật Quản lý thuế, cũng như trách nhiệm nghĩa vụ của Thanh tra tỉnh để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa Luật sư, theo quy định Luật Thanh tra và Luật Quản lý thuế thì Thanh tra tỉnh có được thanh tra và thu thuế đối với các doanh nghiệp không có vốn điều lệ nhà nước hay không?

LS Hà Huy Phong: Theo quy định tại Điều 3, Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, trong đó thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó. Trên thực tế hiện nay, hoạt động thanh tra chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản khác nhau, tập trung vào hai hệ thống chính là hệ thống văn bản về thanh tra gồm Luật thanh tra và văn bản hướng dẫn thi hành, và hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành, như chuyên ngành về thuế, chuyên ngành xây dựng, chuyên ngành y tế… Mặc dù không chính xác 100%, nhưng cách nhanh nhất để xác định thẩm quyền thanh tra là xem đối tượng thanh tra trực thuộc quyền quản lý trực tiếp của đơn vị nào thì đơn vị đó sẽ có quyền thực hiện quyền thanh tra.

Ở cấp tỉnh, có thanh tra tỉnh và Thanh tra sở, trong đó thanh tra cấp tỉnh chủ yếu thực hiện việc thanh tra hành chính và thanh tra các sở chủ yếu thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành. Đối với lĩnh vực thuế, đơn vị thực hiện hoạt động tranh tra chuyên ngành là thanh tra Cục thuế tỉnh.

Trong hoạt động thanh tra, Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập;

b) Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;

d) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi cần thiết.

Với quy định như trên, rất khó để xác định Thanh tra tỉnh có quyền thực hiện việc thanh tra đối với các doanh nghiệp khối tư nhân về lĩnh vực thuế hay không. Do đó, bản thân Luật Thanh tra và văn bản hướng dẫn thi hành không thể trả lời một cách chính xác được việc này.

Như vậy, để trả lời câu hỏi là Thanh tra tỉnh có được quyền thanh tra các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hay không, cần tham chiếu tới văn bản chuyên ngành, trong đó Luật quản lý thuế là văn bản có hiệu lực cao nhất trong lĩnh vực thuế. Theo Điều 10 Luật quản lý thuế thì một trong số các trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thuế là “Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thuế”, và tại Điều 11, một trong số các trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế là “Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế”.

Nhìn vào quy định trên đây, có thể thấy rằng, UBND cấp tỉnh chỉ có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế mà không có trách nhiệm về việc thanh tra. Do đó, có thể nói, việc thanh tra thuế không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Do không thuộc thẩm quyền của mình nên UBND cấp tỉnh không thể giao cho Thanh tra tỉnh thực hiện việc thanh tra về việc thực hiện pháp luật về thuế.

PV: Trường hợp Thanh tra tỉnh thực hiện quyết định của UBND tỉnh tham gia thanh tra thuế với các các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã vi phạm điều gì thưa Luật sư?

LS Hà Huy Phong: Được biết, mọi doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay không đều phải chịu thanh tra trên mọi phương diện. Tuy nhiên việc thanh tra phải tiến hành theo đúng thẩm quyền, thủ tục theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp Thanh tra tỉnh thực hiện sự phân công của UBND tỉnh mà thực hiện việc thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thì tôi cho rằng, hoạt động này không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, nếu là vấn đề về thuế nhưng có liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành như Hải Quan, môi trường, kế hoạch đầu tư và thuế …., thì Thanh tra tỉnh có thể tham gia vào việc thanh tra một cách đúng thẩm quyền.

Theo các nhân tôi cho rằng việc Thanh tra tỉnh trực tiếp tham gia vào hoạt động tranh tra về thuế đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND cấp tỉnh là trái với các nguyên tắc thông thường và có dấu hiệu can thiệp quá sâu và hoạt động bình thường của các cơ quan chuyên ngành khác, gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn luật sư!

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này…

Nhóm PV

P.V

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP