Kỳ Anh

Hà Tĩnh: Nhiều mâu thuẫn trong hồ sơ khai thương binh của Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phong

Mâu thuẫn ngay trên hồ sơ

“Ông Trần Văn Phụ (Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) khai trong hồ sơ là bị thương vào tháng 10/1987. Thế nhưng, nhiều người xác nhận, cũng tháng 10 năm ấy, ông hiện diện trong một đám cưới ở quê nhà…”!
Đó là lời tố cáo trực tiếp của người thương binh mất một cánh tay Trần Ngọc Cẩm, ngụ tại thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong với nhà báo chúng tôi. Theo ông Cẩm, ông Phụ đã man khai để được hưởng chế độ thương binh. “Ông ta có đi bộ đội, nhưng không hề bị thương. Tôi thiết tha mong nhà báo hãy công tâm điều tra, làm rõ!”.
hatinh24h
Cựu chiến binh Lê Sỹ Tịnh (thứ 2, bên trái): “Tôi không biết gì về trường hợp bị thương của ông Phụ. Do nể bạn mà tôi ký…”!

Phải mất khá nhiều thời gian và công sức chúng tôi mới có được những thông tin cần thiết về trường hợp thương binh của ông Trần Văn Phụ. Theo đó, do “thất lạc giấy tờ bị thương” nên phải 13 năm sau (năm 2000) ông Phụ mới làm hồ sơ và năm 2006 ông mới được cấp giấy chứng nhận thương binh.

Và, chỉ trên những trang “giấy trắng mực đen” trong hồ sơ tạo lập muộn màng ấy, chúng tôi đã phát hiện không ít những điều mâu thuẫn. Chẳng hạn, ông Phụ khai, ông bị thương ngày 12/10/1987 tại đơn vị D208, trong khi người xác nhận cho ông là Thiều Quang Quế lại “biên” (trong bản làm chứng): Ông Phụ bị thương ngày 12/8/1987, tức trước đó 2 tháng và tại D209 (không phải D208)! Tương tự, ông Phụ “kê” thời gian điều trị một tháng 5 ngày, trong khi ông Quế ghi 60 ngày, từ 12/8-12/10/1987. Còn nữa, các vết thương của ông Phụ (trên giấy chứng nhận bị thương do Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh cấp), là ở ngón nhẫn tay phải, ở đùi phải. Trong khi, ông Quế ngược lại, ở ngón trỏ trái và đùi trái.v.v…

“Tường trình” của người làm chứng

thuong binh
Ông Phụ (phải) khẳng định: “Anh Tịnh nói không đúng. Tôi là thương binh thật 100%!”.

Trả lời chúng tôi, ông Thiều Quang Quế, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) cho hay: Ông cùng quê, cùng học trường sĩ quan, sau đó cùng sang Campuchia với ông Phụ và có biết ông Phụ bị thương. “Vậy, bị thương trong trận đánh nào?”. Sau nhiều lần không trả lời thẳng vào câu hỏi (mà “nhiệt tình” ôn lại những gian khổ ở chiến trường), cuối cùng vị cán bộ huyện ủy cũng (phải) “tiết lộ”: Ông Phụ bị thương trong một trận đánh lúc 4-5 h sáng, vào khoảng tháng 9, tháng 10/1987 tại Bát Tam Bong. Về câu hỏi, “ở khác đơn vị sao lại biết “đồng hương” bị thương?”, vị cán bộ tổ chức lý giải: Sáng đó đại đội ông và đại đội ông Phụ tác chiến chung. “Vậy, ông có trực tiếp thấy ông Phụ bị thương?”. “Tôi không chứng kiến. Rừng bạt ngàn, mênh mông làm sao thấy?”…

Đó là lời của người làm chứng thứ nhất, còn người thứ 2 – ông Lê Sỹ Tịnh? Mặc dù trong tờ xác nhận, chẳng biết cố tình hay vô ý mà người khai không hề ghi thôn (còn xã thì lấy tên cũ từ “đời tám hoánh”), song bằng nhiều cách, chúng tôi vẫn tìm được nơi cư ngụ của vị cựu chiến binh này ở xã Thuận Thiện, huyện Can Lộc. Có lẽ, do bản tính thật thà nên chỉ sau 1-2 câu hỏi của “khách không mời”, ông Tịnh cho biết: Ông không hề biết ông Phụ bị thương, rồi thành thật: Hơn chục năm trước, một người bạn ở huyện Nghi Xuân có điện cho ông, nói “cần giúp cho thằng Phụ, Kỳ Anh”. Sau đó, ông Phụ đến tận nhà đưa bản làm chứng viết sẵn, bảo ông ký. “Do nể bạn nên tôi ký, chứ tôi không chứng kiến ông Phụ bị thương!”. “Khi đến nhà nhờ ký, ông Phụ có cho ông quà hoặc tiền bạc?”. “Không có. Sau này tôi cũng không biết ông Phụ có được chứng nhận thương binh không và ông ấy cũng chẳng trở lại hay a lô thăm hỏi…”!

Người bị tố nói gì?

thuong binh3
 Đơn tố cáo của thương binh Trần Văn Cẩm khi ông Phụ còn là Chủ tịch xã.
thuong binh4
Giấy chứng nhận bị thương của ông Phụ năm 2004.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phụ khẳng định, ông là thương binh thật 100%. “Anh Tịnh tự viết giấy và đưa lên xã ký.” (mặc dù chữ viết trên tờ làm chứng khác “một trời, một vực” với chữ viết của ông Tịnh)! Dẫu vậy, ông Phụ cũng thừa nhận: “Trận đánh tôi bị thương không có anh Tịnh (vì ông Tịnh không cùng đại đội với ông). Khi được hỏi, “trận đánh đó cụ thể ra sao?” người cán bộ đứng đầu Đảng bộ xã bảo, “đã quên” (!). Hỏi, thất lạc giấy tờ bị thương trong trường hợp nào? Ông nói, giấy để trong rương (hòm) tại lán, đi công tác về thấy mất! Hỏi, tháng 10/1987 có về quê dự đám cưới? Ông “lửng lơ”: Bộ đội về phép “tất nhiên là có dự đám cưới”, song thời gian nào thì “không còn rõ”. Hỏi, bị thương cụ thể vào đâu? Ông “né”: “Có hết trong hồ sơ!”. Vậy, vết thương trên người còn không? Ông quả quyết: “Còn chứ! Còn sẹo và cả 2 mảnh đạn.”. Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị cho xem (“vì, chúng ta là đàn ông với nhau”) thì vị nguyên chủ tịch xã ấp úng: “Không nên xem.”(!)…

Cũng cần nói thêm, thương binh Trần Văn Cẩm đã có đơn tố cáo ông Phụ từ lâu. Và, cách đây gần một năm, Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh ra văn bản khẳng định, sẽ xác minh làm rõ. Tuy nhiên, chiều 30/5/2016, trả lời chúng tôi, ông Võ Xuân Linh, Phó Giám đốc Sở cho hay: Vụ việc đang được Thanh tra tỉnh tiến hành và chưa đưa ra kết luận. Trong khi, “bị đơn” của thương binh Trần Văn Cẩm – Bí thư Trần Văn Phụ, vẫn “đường đường” ứng cử đại biểu HĐND xã và “chiến thắng” trong đợt bầu cử vừa qua!

Về việc ông Phụ khai bị thương và điều trị ở Campuchia vào tháng 10/1987, ông Hoàng Đình Lương khẳng định, ông cưới vợ cũng vào tháng 10 năm ấy và hôn lễ có sự tham dự của “anh bộ đội về phép” Trần Văn Phụ. Tương tự, ông Đồng Khắc Lộc, trung tá quân đội nghỉ hưu: “Năm 1987, tôi tổ chức đám cưới cho anh chị Hiền – Lương và có gặp anh Phụ tại đây…”!

Mạc Hồng Kỳ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP