Nghi Xuân

Hà Tĩnh: Kỳ lạ ngôi làng có nguy cơ “biến mất”

Làng Hồng Lam (xã Xuân Giang 2, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được nhiều người biết đến bởi vùng đất này đã phải hứng chịu khá nhiều cơn lũ lịch sử. Đến Hồng Lam trong những ngày cuối tháng 3/2017, chúng tôi chứng kiến một khung cảnh buồn, bởi ngôi làng đã và đang đối mặt với sự hao hụt cả về dân số lẫn đất đai.


Bao quanh xã Xuân Giang là mênh mông sóng nước. Ảnh: S.N

Thiên tai “cướp” đất

Những năm trở lại đây, mỗi mùa mưa lũ về, người dân làng Hồng Lam luôn sống trong tình trạng thấp thỏm lo sợ, bởi tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Cứ sau mỗi trận mưa lũ lại có thêm nhiều vết lở mới, nhiều nơi bị “ngoạm” sâu vào bờ đến hàng chục mét. Những bờ tre được người dân sống dọc sông trồng để chống xói mòn đã bị nước lũ cuốn trôi gần hết. Nhiều ngôi nhà trước đây nằm giữa xóm thì nay trở thành ở mép sông và đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” bất cứ lúc nào.

Ông Quý, một người sống hơn 70 năm trong làng cho biết, vào mùa này ít lũ lụt còn đỡ lo, chứ đợt nào lũ về liên tục, người dân nơi đây đứng ngồi không yên. Ngôi làng có nguy cơ bị cuốn trôi lúc nào không hay. Mọi sinh hoạt của người dân trong làng đều gặp rất nhiều khó khăn. Việc đi lại của gần 180 hộ dân trong làng chỉ bằng những chiếc thuyền nan cũ nát.

Mỗi ngày, bến đò hoạt động từ 6 – 18 giờ. Ngoài giờ này, bến đò nghỉ, làng Hồng Lam gần như bị cô lập. Người dân muốn xây mới hoặc tu sửa cái nhà cũng rất tốn kém vì “của một đồng, công một nén”, quãng đường vận chuyển vật liệu sang đến nơi mất chi phí rất cao.

Nằm bên dòng sông Lam và được thừa hưởng phù sa màu mỡ của dòng sông bồi đắp nên từ lâu xã Xuân Giang 2 được coi là vựa lạc. Thế nhưng, hàng hóa sản xuất ra được đều bị thương lái thu mua với giá thấp hơn bên ngoài cũng chỉ vì đi lại khó khăn. Sản phẩm làm ra đã khó, tiêu thụ lại càng khó hơn. “Người dân ở đây luôn phải chịu thiệt đủ đường, khi hàng hóa bên ngoài vào được với xóm cũng bán ra với giá đắt hơn bình thường. Cả xóm có một cái “chợ” nhỏ, hàng hoá vô cùng ít” , ông Quý nói.

Ở làng Hồng Lam, hầu như nhà nào cũng có con cái đi làm ăn xa. Nhiều gia đình có tới năm, bảy người con nhưng rốt cuộc bố mẹ già vẫn côi cút một mình vì đàn con đã bỏ đi. Có những cụ già khi nhắc đến chuyện con cái chỉ ứa nước mắt mà lòng ứ nghẹn…

Người dân bỏ xứ đi làm ăn xa

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Ngọc, Công an viên cho biết, trước năm 1978, làng Hồng Lam cũng đông đúc lắm, có lúc lên tới gần 600 hộ dân. Tuy nhiên, trận lụt lịch sử 1978 đã dìm cả làng trong nước. Tiếp đó năm 1987, dân làng lại bị thiệt hại nặng nề bởi một trận lụt lớn nữa. Do thấy cuộc sống ở đây khó khăn và bất an, người dân bắt đầu rời làng bỏ đi tứ tán. Xu hướng bỏ làng di dân ngày càng nhiều khi những người di cư vào các tỉnh Tây nguyên làm ăn khấm khá. Đến nay, cả làng chỉ còn 180 hộ dân với 502 nhân khẩu. Cứ mỗi năm, bình quân có khoảng 10 hộ bỏ làng ra đi rồi không ai quay về nữa.

Ông Lục, Trưởng thôn Hồng Lam cho biết, trong làng hiện nay có nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Trong số những ngôi nhà hoang ấy, có căn nhà đã để hàng chục năm nay bị mưa nắng hủy hoại nhiều, nhưng vẫn không bán được. “Làm trưởng thôn, hằng năm tôi làm giấy tờ cho hộ này đến hộ khác chuyển đi nơi khác, tôi cũng buồn lắm nhưng khuyên họ ở lại thì biết làm gì ăn bây giờ”, ông Lục nói.

Đến thời điểm hiện tại, toàn làng Hồng Lam có 25 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, riêng năm học 2015-2016 này, thôn chỉ có 2 em vào lớp 1. Khó khăn như vậy, nhưng người dân và con em ở đây vẫn không được hưởng một chế độ nào dành cho vùng khó khăn.

Ông Lê Hồng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang 2 chia sẻ: “Các xã vùng bãi ngang của huyện thì có dự án bãi ngang, miền núi cũng có những chính sách quan tâm của khu vực miền núi, các thị trấn có chương trình chỉnh trang đô thị. Riêng chúng tôi chẳng thuộc vùng nào, chẳng có dự án nào nên khó khăn lại càng chồng chất thêm. Hiện tại, người dân làng Hồng Lam chỉ được hưởng chế độ khu vực 2 nông thôn như những hộ dân khác trong huyện. Chúng tôi cũng đang triển khai một số phương án để hỗ trợ người dân, tiếp đó sẽ gửi công văn xin hỗ trợ từ cấp trên để người dân nơi đây có thể yên tâm “an cư, lạc nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Trước tình trạng sạt lở diễn ra trên địa bàn có một phần là do việc khai thác cát trên dòng sông Lam, ông Lưu cho rằng: “Chính quyền xã không đủ thẩm quyền để xử lý nên ngoài việc kiến nghị lên cấp trên, chúng tôi chẳng còn giải pháp nào để làm an lòng dân”.

Ở làng Hồng Lam, hầu như nhà nào cũng có con đi xa
Cái nghèo, sự mặc cảm về về cái tên “làng ma” nên cũng ít ai ra đi xưng mình là cư dân Hồng Lam. Nhiều gia đình có tới năm, bảy người con nhưng rốt cuộc bố mẹ già vẫn côi cút một mình vì đàn con đã bỏ đi làm ăn xa. Có những cụ già khi nhắc đến chuyện con cái chỉ ứa nước mắt mà lòng ứ nghẹn…

Tác giả: Sơn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP