Với đồ nghề chỉ là cái vợt làm bằng mùng và một cái chang kèm theo sợi dây thừng, nhiều nông dân ở huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh) có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề bắt ong rừng.

Trong những ngày cuối đông, rất nhiều người dân ở các huyện miền núi ở Hà Tĩnh đã bắt đầu với hành trình “săn ong”. Trên những tuyến đường như QL 8A (đoạn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn), đường 17 gần biên giới Việt-Lào (đoạn từ xã Hương Xuân, huyện Hương Khê), đường tỉnh lộ 5 (đoạn Vườn quốc gia Vũ Quang, huyện Vũ Quang) được coi như là điểm hội tụ của những người có thú vui săn ong rừng.

Chia sẻ về kinh nghiệm săn ong rừng, ông Nhân (trú xã Hương Xuân, Hương Khê) cho biết: “Mùa săn ong rừng rất ngắn, từ khoảng giữa tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 12, khi thời tiết đang giao mùa. Lúc này, mùa đông giữa đại ngàn rất lạnh nên đàn ong phải di trú về bìa rừng kiếm những nơi ấm áp, điểm dừng chân của đàn ong thường là những hàng cột điện ven đường và những tảng đá khuất gió. Với kinh nghiệm có sẵn, nhóm người của ông Nhân chọn những hàng cột điện và tảng đá là điểm săn ong chính”.

hatinh24h

Một thợ săn ong đang quan sát con ong dẫn đàn về tổ mới.

Theo lời giới thiệu của ông Nhân, chúng tôi đã cuộc hội ngộ các bậc thầy săn ong. Khoảng 6 giờ 30 sáng theo nhóm thợ săn ong, hành trang trong chuyến đi của mỗi người thợ chỉ đơn giản là một cặp lồng cơm, vài, ba cái chang (chang được làm từ thân cây tro khoét rỗng, dài khoảng 50 cm, hai đầu bịt kín, ở giữa và cuối chang khoét một vài lỗ nhỏ để ong chui vào). Bên trong chang, thợ săn ong thường bỏ sáp ong để mồi, (mùi mật ong phảng phất hương thơm để nhử ong ở lại) của mật và thêm một chiếc vợt để đưa ong vào tổ, chuyến đi này chúng tôi thực tế được cách bắt ong rừng là như thế nào. Trong lần nghỉ dừng chân, ông Đinh Văn Quan – một thợ săn ong có tiếng trong nhóm – chia sẻ: “Hành nghề này vất vả lắm, có ngày đi không gặp thì vẫn về tay không. Nhưng có lúc may mắn, một ngày bắt được vài tổ ong, mỗi tổ bán được hơn một triệu đồng”.

Sau khi bắt được con ong kiếm đi tìm tổ, thợ săn ong phải thường xuyên theo dõi tín hiệu của đàn ong. Lúc chờ đợi này là cũng thời gian các tay săn ong chia sẻ kinh nghiệm bắt ong, nuôi ong… Ông Mai – một thợ săn ở xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn – cho biết: “Sau khi rời quân ngũ, ông về với gia đình sinh sống bằng nghề làm nông. Khoảng 20 năm trở lại đây, nhận thấy mình đang sống trong môi trường đồi núi, nên ông mạnh dạn đầu tư vào nghề nuôi ong. Ban đầu chỉ nghĩ đây là một thú vui, nhưng dần thấy nó có hiệu quả kinh tế cao, nên sau đó ông gắn bó với việc săn bắt và nuôi ong. Ban đầu chỉ theo bạn bè đi cho vui, nhưng rồi mê mải lúc nào không hay. Có lúc rong ruổi cả tháng vẫn không bắt được tổ nào, có ngày cả nhóm bắt được 2 tổ. Thông thường, mỗi tổ ong mật được bán tại chỗ với giá 800.000 đồng, nhưng hầu như không ai bán, bởi chúng tôi săn về để nuôi”.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông Mai chia sẻ: “Với ong ruồi, nếu thời tiết tốt, vòng đời là 45 ngày. Ong chúa sống được 3 năm, mỗi lần đẻ 4.000 trứng, nhưng sau 1 năm sức sinh sản sẽ giảm. Những loài ong ruồi được săn về nuôi khoảng 3 tháng sẽ khai thác được một lần, mỗi tổ ong chăm sóc tốt trung bình cho khoảng 5 lít mật, mật ong bán ra thị trường 300.000-500.000 đồng/lít”.

“Ông tổ” nghề ong

Với lợi thế hàng ngàn ha đất rừng, trong đó có Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang 4 mùa hoa trái, một tiểu vùng khí hậu đặc trưng, Vũ Quang đã và đang trở thành miền “đất lành” cho loài ong. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội Người mù huyện Vũ Quang, với niềm đam mê với con ong và trách nhiệm trước cuộc sống của bà con quê nghèo, ông đã được người dân trìu mến gọi là “Ông tổ của nghề nuôi ong Vũ Quang”. Chia sẻ với chúng tôi, ông Dũng cho biết: “Hơn 10 năm trước (2003), Hội Người mù Vũ Quang ra đời, đồng thời cũng đánh dấu sự hình thành nghề nuôi ong tại huyện Vũ Quang. Với vai trò đứng đầu tổ chức hội, nhìn hội viên thiệt thòi, cực khổ là tôi không thể cam lòng. Trong đầu lúc nào cũng đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để tìm được một nghề phù hợp cho mọi người vươn lên”.

Cơ hội đã đến khi Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang tổ chức tập huấn, hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong cho người dân vùng đệm, ông Dũng là một trong những hộ phát huy tốt hiệu quả của nghề mới. Cũng từ khi nghề nuôi ong cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, ông Dũng bắt đầu hành trình truyền nghề, phát triển nghề ở nhiều địa phương trong huyện với mong muốn đây thực sự là nghề xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi.

Năm 2008, sau một thời gian được hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cộng đồng Hà Tĩnh cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước, nghề nuôi ong ở Vũ Quang nhân được 3.000 đàn ong trên toàn huyện. Nhưng cũng trong năm này, một trận dịch nặng nề bùng phát đã đưa nghề ong non trẻ của Vũ Quang đứng trước bờ vực phá sản. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông Dũng tự tìm kiếm và chế tác được một loại thuốc đặc hiệu để cứu đàn ong. Việc khôi phục đàn ong đang được dồn sức thực hiện thì cơn lũ lịch sử năm 2010 đã cuốn phăng tất cả thành quả bao năm gây dựng.

Không đầu hàng trước thử thách ngặt nghèo, một lần nữa, ông Dũng lăn lộn, với hy vọng khôi phục nghề ong địa phương trong tình trạng các gia đình kiệt quệ về kinh tế. Tiếp sức cho nghề ong, dự án “Cải thiện sinh kế cho người nghèo” hỗ trợ nguồn lực cho 60 hộ – đây được coi là điểm tái khởi động cho nghề nuôi ong sôi động của Vũ Quang hiện nay.

Bây giờ, mật ong Vũ Quang đã có thương hiệu vươn ra thị trường, đây cũng thành tựu lớn của những người nông dân sống tại huyện miền núi nghèo, đặc biệt đối với những con người miệt mài theo nghề nuôi ong họ đã được đón nhận những thành quả lớn lao này.

Nguyễn Đạt