Tin Hà Tĩnh

Doanh nghiệp Hà Tĩnh gồng mình trong ‘bão’ COVID-19

Đứng trước những khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đang tìm mọi cách, nỗ lực xoay xở để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu chậm vì phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm dịch.

Nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm sút khiến lượng đơn hàng của công ty CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh suy giảm, nhiều công nhân phải tạm nghỉ việc...

Quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu Hà Tĩnh ước đạt 224,05 triệu USD, giảm 9,19% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 168,49 triệu USD; sợi 1,02 triệu USD; hàng may mặc 1,33 triệu USD; gạo ước đạt 1,6 triệu USD… Kim ngạch nhập khẩu 3 tháng ước đạt 442,15 triệu USD, giảm 34,37% so với cùng kỳ.

Đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến ngày một phức tạp, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đang tìm mọi cách để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đang phải cố gắng cầm cự, chia sẻ nguồn lực, tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, tìm thị trường mới để xuất khẩu...

Là một đơn vị tốp đầu của khối doanh nghiệp sản xuất vật chất, nhà máy Sợi Vinatex (CTCP Vinatex Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) với quy mô 50.000 cọc sợi, tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nay đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để “tự cứu mình” trong mùa dịch COVID-19, CTCP Vinatex Hồng Lĩnh đã chủ động tiết giảm chi phí sản xuất

Ông Nguyễn Khắc Nam – Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, CTCP Vinatex Hồng Lĩnh chia sẻ: “Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài có ký kết với công ty đều trong tình trạng khó khăn nên nhiều các đơn hàng đã bị huỷ. Doanh nghiệp chưa kịp “hồi” lại sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung thì nay tiếp tục lâm vào “ngõ cụt” vì ảnh hưởng của dịch, khó khăn chồng chất khó khăn. Tính đến nay, đơn vị đã tồn kho gần 800 tấn sợi, hoạt động sản xuất cầm chừng”.

Để “tự cứu mình” trong mùa dịch, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã chủ động tiết giảm chi phí sản xuất như: điện, máy móc, bảo trì và đợt này sẽ chỉ cho sản xuất 2/3 số máy sợi tại xưởng.

Công nhân CTCP Nhiệt điện Vũng Áng 2 áp dụng nghiêm ngặt tại nhà máy, đảm bảo công tác vận hành nhà máy xuyên suốt

Cùng chung với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh (KKT Vũng Áng – Hà Tĩnh) là đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Sản phẩm của công ty này chủ yếu xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc với sản lượng cung cấp hàng năm lên tới 2000 – 3000 tấn nhưng nay cũng đang trong tình trạng giảm sút thị trường, công nhân phải nghỉ việc.

Ông Kiều Đức Phúc - Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm sút khiến lượng đơn hàng của công ty giảm 30-40%, giá các sản phẩm cũng giảm 10%. Số công nhân thời vụ của công ty hiện nay đã nghỉ 50 người”.

Hoạt động sản xuất tiêu thụ thép của Formosa Hà Tĩnh gặp khó khăn, sút giảm đáng kể về sản lượng

Dịch COVID-19 bùng phát lây lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và các tỉnh thành trong nước khiến cho hoạt động sản xuất tiêu thụ thép của Formosa Hà Tĩnh gặp khó khăn, sút giảm đáng kể về sản lượng nhất là ở các nước thị trường Đông Nam Á. Khó khăn là vậy song đến nay Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn đang nỗ lực chăm lo cho người lao động. Công ty vẫn chi trả đầy đủ kịp thời các khoản như lương, chế độ phụ cấp tăng ca và các chế độ phúc lợi khác cho hơn 6.400 cán bộ, công nhân viên làm việc tại nhà máy này.

Còn tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, thôn Hải Nam, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) của CTCP Nhiệt điện Vũng Áng 2 làm chủ đầu tư. Những ngày qua, để thực hiện “sứ mệnh” cung cấp điện cho phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ban lãnh đạo công ty này đã ban hành những chính sách nghiêm ngặt với cán bộ, công nhân viên công ty để đối phó với dịch COVID-19 nhằm đảm bảo nhà máy vận hành xuyên suốt.

Ông Nguyễn Trọng Thạch – Phó Giám đốc công ty cho biết, nhằm ngăn chặn tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, cán bộ công nhân nhà máy đã lên kế hoạch đối phó với tình hình dịch bệnh đảm bảo công tác vận hành sản xuất điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện công ty đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, bố trí chỗ ăn ngủ, làm việc cho cán bộ công nhân viên ở một khu vực riêng biệt tránh dịch bệnh lây lan…

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ

Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh cũng đang tìm mọi cách giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Nhật Tân – cán bộ Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Sở Công thương thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn trong khả năng của đơn vị và kiến nghị lên các cấp có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Đào Chí Thành, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh cũng cho biết, cùng với việc thực hiện giải pháp và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát dịch bệnh COVID -19, các đơn vị Hải quan Hà Tĩnh đã tiến hành rà soát, đánh giá, đẩy mạnh các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa. Các đơn vị trực thuộc cũng luôn bố trí đầy đủ cán bộ, công chức trực 24/7 để thực hiện các thủ tục hải quan nhanh chóng nhất, bảo đảm cho hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, an toàn, không để hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, các doanh nghiệp đang gồng mình để vượt qua những khó khăn, thách thức phía trước.

Tác giả: Văn Tuân

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP