Giải trí

Đạo diễn "Ranh giới" trên VTV: Nhiều lần bật khóc, dừng quay vì quá đau đớn

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói về Ranh giới và những điều phía sau ống kính khi phóng sự tạo cơn "địa chấn" cho người xem trên sóng VTV1.

Bộ phim tài liệu phóng sự "Ranh giới" chính thức lên sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 8/9/2021.

Phim dài hơn 50 phút với bối cảnh là Khu K1, Bệnh viện Hùng Vương - nơi điều trị cho các sản phụ mắc Covid-19 đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả.

Đây là sản phẩm của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và đồng nghiệp sau chuyến tác nghiệp ở TP.HCM trong những ngày cuối tháng 7/2021.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ với Báo Giao thông về chuyến công tác đáng nhớ và hành trình thực hiện bộ phim ngắn đầy giá trị này.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư

Tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng

Trở về sau chuyến tác nghiệp ở TP.HCM với 2 phóng sự đặc biệt "Ranh giới" và sắp tới là "Ngày con chào đời" dự kiến lên sóng ngày 22/9, xin anh cho biết, ê kíp mất bao lâu để thực hiện hai tác phẩm này?

Cuối tháng 7, tôi và 4 đồng nghiệp của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam được cử đi công tác vào thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch Covid-19 của cả nước. Nhóm 5 người chúng tôi gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm hai ê-kíp sản xuất, một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự.

Tôi và quay phim Viết Phong vào khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương. Đây là nơi được chuyển đổi thành khu điều trị cho các sản phụ bị nhiễm Covid-19 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường.

Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 21 ngày trong đó phần lớn thời gian dành cho khu K1.

Ban đầu, ý tưởng của chúng tôi là thực hiện bộ phim về các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, khi bước chân vào đây, chứng kiến những sản phụ là F0 và những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, ý tưởng về "Ranh giới" và tiếp đó là "Ngày con chào đời" mới nảy ra.

Người bình thường mắc Covid-19 đã rất khổ sở rồi thì không hiểu các thai phụ mắc Covid-19 sẽ như thế nào. Điều này đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng, thuyết phục và xin phép để thực hiện bằng được phóng sự.

Hình ảnh trong chuyến tác nghiệp của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và đồng nghiệp ở Khu K1, bệnh viện Hùng Vương, TP HCM. Ảnh: VTV

Xác định quay nhanh nhất có thể, nhiễm bệnh thì vào khu điều trị làm hậu kỳ

Vào tâm dịch, anh có lo ngại về những khó khăn phải đối mặt?

Không! Tôi không lo lắng gì cả. Ngay từ khi chuẩn bị lên đường, tôi xác định phải cố gắng tác nghiệp càng nhiều càng tốt và trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để làm sao ghi được nhiều hình, nhiều nhân vật nhất.

Nếu chẳng may nhiễm bệnh thì vào khu cách ly vẫn có thể làm được hậu kỳ, hoàn thành được phim.

Tất nhiên, khi ở trong vùng tâm dịch Covid-19, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Cái khó nhất là phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, vừa ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, giá trị nhất vừa phải tránh làm phiền đến không gian làm việc, điều trị của bác sĩ và bệnh nhân.

Nhưng điều đó chẳng là gì khi ngày ngày đi cùng bác sĩ vào khu K1 chữa bệnh cho các bệnh nhân, tận mắt chứng kiến các y bác sĩ đang cống hiến 200-300% sức lực. Tôi cứ vậy, cuốn theo. Cảm xúc lúc đó rất khó tả. Tác nghiệp trong môi trường đặc biệt, nhân vật cũng quá đặc biệt khiến tôi vô cùng kính phục họ.

Nhiều lần bật khóc vì quá đau đớn

Bộ phim có nhiều cảnh quay cận tử tạo hiệu ứng cảm xúc cực mạnh. Cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?

Tôi đã luôn cố gắng để cảm xúc của mình không chạy theo những gì đang diễn ra. Mỗi khi có câu chuyện đau đớn xảy ra trước mắt, nếu thả cảm xúc theo là mình không làm được.

Nhưng đôi khi, lý trí vẫn phải chịu thua cảm xúc. Có những khoảnh khắc đau đớn quá, tôi không kìm được nước mắt nên phải bỏ máy quay xuống, bỏ lỡ một số khoảnh khắc đáng nhớ.

Sau khi làm hậu kỳ, xem lại những hình ảnh đã quay và trở thành khán giả, những cảm xúc ấy lại ùa trở về, làm cho tôi cảm thấy rất ngột ngạt và khó làm tiếp được.

Lúc đó tôi buộc phải dừng lại, trấn an chính mình để hoàn thành bộ phim tốt nhất.

Hình ảnh xúc động về người cha đến nhận lại đồ của cô con gái - một thai phụ bị nhiễm Covid-19 đã mất. Ảnh: VTV

Anh có nghĩ sẽ nhận phản ứng từ dư luận và người nhà khi quyết định đưa những cảnh này lên sóng?

Thật ra, đây không phải là bộ phim đầu tiên tôi có thể đối mặt với phản ứng trái chiều từ dư luận. Tuy nhiên, với sản phẩm lần này, ngay từ khi thực hiện, tôi đã lường trước được điều này và đã phải xin phép, được sự đồng ý của các nhân vật.

Nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy một số nhân vật tôi không quay cận mặt mà chỉ là bóng vai, góc lưng...

Lúc đó là khi họ mệt, mình không thể chạy ra nói chuyện, làm phiền họ được.

Hay về phân cảnh người bố của thai phụ đã mất đến nhận đồ của con gái, tôi cũng đắn đo khi đưa hình ảnh bác sĩ chụp về phút cuối của cô ấy.

Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một hình ảnh đáng quý đối với người thân của họ, khi họ không thể vào bệnh viện gặp người thân lần cuối.

Tôi cũng nuối tiếc vì có những nhân vật, câu chuyện, khoảnh khắc cực kỳ giá trị nhưng đến phút ghi hình lại bị từ chối vì nhiều lý do.

Có những cái mang đến cảm xúc cao trào tột cùng tôi muốn gửi gắm, chắc chắn khiến người xem có cảm giác mạnh hơn nhưng tôi lại không thực hiện được.

Tuy nhiên, sau tất cả, đến thời điểm hiện tại, những người bị nhiễm Covid-19 không bị kỳ thị hay bị nhìn với ánh mắt ái ngại như thời gian trước đây.

Bạn hình dung xem, Covid-19 có "chừa" một ai?

Tôi nghĩ rằng, bản thân những người bệnh cũng muốn chia sẻ về những trải nghiệm, những nghị lực mà mình đã vượt qua để tiếp thêm sức mạnh, động lực cho mọi người.

Theo lời kể của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, các bác sĩ kiên trì, động viên bệnh nhân như chính người thân của họ. Ảnh: Chụp màn hình

Tình yêu, sự hy sinh quên mình

Ngay từ những thước phim đầu tiên "Ranh giới" đã thực sự chạm đến cảm xúc người xem, anh muốn nói gì về những điều mình đã trải qua, ví dụ như một lời cảm ơn ai đó?

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Khi chứng kiến câu chuyện của họ, tôi rất mong họ vượt qua được giai đoạn này.

Phải tận mắt chứng kiến giây phút mà người bệnh nhân sợ không thở được và thèm thở, muốn thở thì mới thấy nó khủng khiếp như thế nào. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi.

Tôi cũng muốn cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương và các bác sĩ ở cả nước nói chung đã cho tôi động lực, niềm tin và cái nhìn khác về họ. Cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận hết được hy sinh của người bác sĩ.

Ở đó, tôi mới thấy giữa bác sĩ và bệnh nhân không hề có bất cứ ranh giới nào. Cũng nhờ những điều họ đã làm, chúng ta càng thêm có cái nhìn vững tin, lạc quan hơn giữa bối cảnh dịch bệnh này.

Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đó là khi đất nước càng khó khăn, chúng ta càng thêm đoàn kết và vượt lên trên tất cả.

Tôi cũng cảm thấy may mắn vì đã có cơ hội đi vào trong tận cùng nơi khắc nghiệt nhất để ghi nhận phản ánh điều đó và truyền tải lên phim.

Chúng tôi đã gửi lời cảm ơn tới rất nhiều người, nhiều cơ quan đơn vị đã hỗ trợ bằng những dòng cảm ơn ở những phút giây cuối cùng của phim phóng sự.

Những y bác sĩ, cán bộ nhân viên cố gắng giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ảnh: VTV

Với "Ranh giới" và "Ngày con chào đời", anh muốn gửi tới người xem thông điệp gì?

Tôi hy vọng, khán giả sẽ có một cái nhìn rõ nét hơn về sự khắc nghiệt mà những người nhiễm Covid-19 đang phải mắc phải.

Tôi mong rằng, những câu chuyện, những khoảnh khắc mọi người nhìn thấy sẽ khiến tất cả có ý thức hơn, cẩn trọng hơn trước dịch bệnh.

Thông qua bộ phim, mọi người sẽ thấy quý trọng bản thân, quý trọng cuộc sống và những gì đang có, quý trọng sự hi sinh của đội ngũ y tế ở tuyến đầu. Quý trọng tình cảm mà họ trao cho nhau, dành cho nhau, quý trọng sự tử tế đoàn kết vượt khó của cả một đội ngũ.

Thông điệp của phim chính là sự vượt khó, tình yêu, sự hy sinh quên mình của các bác sỹ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch khủng khiếp Covid-19.

Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Tác giả: Dung Nguyễn

Nguồn tin: Báo Giao Thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP